“May mắn khi có bảo hiểm y tế”

Lan Trần| 15/08/2019 12:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thị Lan ở xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhắc đi nhắc lại: “Thực sự tôi thấy may mắn khi có bảo hiểm y tế (BHYT)”.

Không lo chi phí KCB vì có BHYT

Theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT quy định mức đóng BHYT của đối tượng hộ gia đình: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

Từ ngày 01/01/2019 đến hết 30/6/2019 mức tham gia BHYT hộ gia đình (theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng//tháng) sẽ là 62.550 đồng/tháng theo năm là 750.600 đồng/năm. Các thành viên tiếp theo sẽ được giảm trừ theo quy định nói trên.

Với mức tham gia BHYT chỉ vài trăm nghìn đồng/năm, nhưng khi người có thẻ BHYT mắc bệnh hiểm nghèo, lại nhận được mức chi trả tiền khám chữa bệnh từ quỹ BHYT hàng trăm triệu đồng. Ví dụ như trường hợp của chị Nguyễn Thị Lan ở xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

“May mắn khi có bảo hiểm y tế”

Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT tại xã An Bình, huyện Thuận Thành. Ảnh: Lan Trần

Sinh năm 1976, chị Lan từng có thời gian đi làm và tham gia BHXH bắt buộc  Sau đó chị Lan nghỉ làm nhưng vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên lại mất một năm gián đoạn không tham gia BHYT. “Tôi thực sự may mắn khi tham gia lại BHYT hộ gia đình. Vừa nhận thẻ BHYT được 3 ngày, đi khám thì phát hiện ra bệnh”. Theo chia sẻ của chị Lan, chị bị bệnh bạch cầu và riêng đợt khám, điều trị trong năm 2018 chị đã được BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh cả trăm triệu đồng.

 “Nếu như dân thường mà không mua BHYT mà mắc bệnh hiểm nghèo thì rất nhiều người không dám đến cơ sở y tế để điều trị vì chi phí lớn. Với gia đình tôi, mỗi năm chi phí mua BHYT hộ gia đình không đáng bao nhiêu nhưng giá trị được hưởng rất lớn. Đơn giản như với bệnh của tôi, ngoài điều trị, tháng nào cũng phải đi khám và BHYT đã chi trả cho tôi 80% chi phí khám chữa bệnh”, chị Lan chia sẻ.

Với mức chi phí khám chữa bệnh lên đến cả trăm triệu đồng, chị Lan cho biết nếu không có BHYT thì kinh tế gia đình không trụ được lâu. “Giờ có BHYT lo rồi, mình không phải lo gì hết”, chị Lan khẳng định.

Cũng như chị Lan, tại huyện Thuận Thành, có nhiều trường hợp đã được BHYT chi trả số tiền lớn. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Màu, sinh năm 1955 ở xã Xuân Lâm. Năm 2018, bà Màu được nhà nước cấp thẻ BHYT theo diện hộ nghèo. Với căn bệnh “sự có mặt của van tim ngoại lai”, điều trị tại Viện Tim mạch Hà Nội, bà Màu được BHYT chi trả số tiền cho một đợt điều trị là gần 115 triệu đồng. Chồng bà Màu cho hay, may nhờ có BHYT, gia đình đã bớt đi gánh nặng trong qua trình chữa trị của người vợ.

Hay như trường hợp của chị Nguyễn Thị Chuyên tại xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành. Do mắc bệnh suy tim, chị Chuyên phải điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, và đã được quỹ BHYT chi trả số tiền khám chữa bệnh gần 189 triệu đồng.

Tác động tích cực từ công tác tuyên truyền

Năm 2019 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Thành lần thứ XXII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Một trong những mục tiêu đề ra là tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện tham gia BHYT trên 90%. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc BHXH huyện Thuận Thành cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn toàn huyện đã vận động được khoảng 29.000 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đạt khoảng 60% kế hoạch huyện đề ra. Độ bao phủ y tế trên toàn huyện đạt khoảng 91%, cao hơn mức trung bình của cả nước.

 “Để có được kết quả trên, BHXH huyện đã phối hợp tích cực với các cơ quan truyền thông trên địa bàn huyệnđể tuyên truyền về quyền lợi của BHYT hộ gia đình, qua đó giúp người dân nắm rõ quyền lơi mình được hưởng khi tham gia BHYT. Chúng tôi cũng triển khai các chương trình đối thoại BHYT tại các xã, vừa tuyên truyền, vừa giải đáp tất cả những thắc mắc của người dân”, Phó Giám đốc BHXH huyện Thuận Thành nói.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, trong giai đoạn 2015-2020, cơ quan BHXH huyện Thuận Thành đã tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo BHYT huyện và Ban chỉ đạo BHYT huyện đã chỉ đạo các xã vẫn duy trì Ban chỉ đạo BHYT các xã. Nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đã dừng hoạt động của ban này, nhưng riêng huyện Thuận Thành vẫn duy trì hoạt động của ban chỉ đạo.

Bên cạnh việc tuyên truyền vận động, BHXH huyện Thuận Thành đặc biệt chú trọng công tác cán bộ bởi đây là nhân tố quyết định thành công. BHXH huyện mở các lớp đào tạo nhân viên đại lý và đã đào tạo gần 300 đại lý trên địa bàn, qua đó lựa chọn ký hợp đồng với 18 đại lý cấp xã. Qua quá trình triển khai BXHH huyện sẽ sàng lọc, những đại lý nào không tốt sẽ bị thay thế.  

Sự nỗ lực của các cấp chính quyền và của BHXH huyện Thuận Thành đã thúc đẩy người dân đến với BHYT và sẵn sàng tham gia như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tiến ở thôn Yên Ngô, xã An Bình, huyện Thuận Thành:”Xã và huyện tổ chức các buổi hội thảo về BHYT hộ gia đình rất rõ ràng, qua đó tôi hiểu rõ về quyền lợi của mình được hưởng. Tôi đã tham gia BHYT hộ gia đình được 6 năm sẽ tham gia BHYT hộ gia đình cho đến khi đủ tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Tôi cũng tham gia BHXH tự nguyện và  tương lai về già khi tôi không làm việc được, tôi có nguồn thu nhập từ BHXH và BHYT sẽ lo cho sức khỏe của tôi”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“May mắn khi có bảo hiểm y tế”