Hội nghị AMM 29: Từ người lái taxi đến bà nội trợ bán hàng qua mạng đều hưởng lợi

Minh Tuấn| 10/11/2017 13:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại cuộc họp báo Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 chiều 9/11, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thông báo rất nhiều sáng tạo do Việt Nam đề xuất tại APEC 2017.

Những sáng tạo ấy theo các chuyên gia kinh tế, sẽ định hình lên chính sách và mọi người dân đều được hưởng lợi...

Tiếp tục mục tiêu Bogor và tiến xa hơn

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, hội nghị đã thảo luận về Hướng liên kết trong tương lai; thúc đẩy thương mại tự do và thuận lợi hóa khu vực, hoàn tất các mục tiêu Bogor. Các bộ trưởng kinh tế và ngoại giao đều nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa trong thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, trang bị các kỹ năng mới cho người lao động, thiết bị thiết thực cho thời kỳ Kỷ nguyên số. Đặc biệt, các bộ trưởng đã thông qua nhiều sáng kiến quan trọng thiết thực, đáng chú ý là: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới; chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bền vững và sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vui mừng chia sẻ với các phóng viên trong nước và quốc tế rằng: Những sáng kiến, những nội dung mà nước chủ nhà Việt Nam tham gia đã được đánh giá cao và phản ánh được thực tiễn,  phục vụ cho tiến trình toàn cầu hóa và APEC. Ví dụ như sáng kiến APEC về tạo thuận lợi cho Thương mại điện tử xuyên biên giới đã nhận lại sự ủng hộ của tất cả các nền kinh tế tham gia trong APEC và cũng phản ánh đúng trong xu thế chung phát triển kinh tế thương mại và của cả nền kinh tế xã hội.

Hội nghị AMM 29: Từ người lái taxi đến bà nội trợ bán hàng qua mạng đều hưởng lợi

Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC 2017

“Chúng tôi không chỉ dừng trong việc đánh giá mục tiêu, kết quả đã đạt được, kế hoạch 2017, nhất là mục tiêu Bogor 2020 mà còn tiếp tục thông qua các cơ chế, sáng kiến quan trọng để tiếp tục mục tiêu của Bogor sau 2020 và tiến xa hơn nữa. Và ở đây có những  sáng kiến của Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế xây dựng mục tiêu cho tiến trình sau Bogor do Việt Nam đề xuất trong diễn đàn APEC đã được thông qua, cùng với những chiến lược khác của APEC xây dựng các Đề án mang tính chiến lược, nhưng cũng đầy thực tiễn giúp cho APEC đạt được mục tiêu chung phát triển bền vững, bao trùm” – ông Trần Tuấn Anh nói.

Từ vườm ươm ý tưởng đến chính sách toàn cầu

Những thông điệp trên, theo Tiến sỹ Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao có ý nghĩa rất thiết thực, APEC từ lâu đã được coi là vườn ươm của những ý tưởng sáng tạo trong chính sách kinh tế. Những sáng kiến của nước chủ nhà như Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên quốc gia, chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bền vững và sáng tạo; phát triển “bao trùm”...rất phù hợp với xu thế chung hiện nay; từ sự hoan nghênh của các nước sẽ góp phần định hình lên chính sách. Cụm từ phát triển “bao trùm” mang thông điệp giúp mọi người dân đều hưởng lợi, không ai bị bỏ lại trong quá trình phát triển.

Ông Thái cũng cho rằng đưa ra sáng kiến ở APEC tưởng đơn giản mà không đơn giản mà phải có sự tiếp nối, cái mới tiếp nối cái cũ như: Tầm nhìn sau Bogor, thương mại điện tử xuyên quốc gia, phát triển “bao trùm”...Phải nắm vững tình hình và có một tầm nhìn tốt mới đưa ra được sáng kiến hiệu quả.

Hội nghị AMM 29: Từ người lái taxi đến bà nội trợ bán hàng qua mạng đều hưởng lợi

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị

Tạo cơ hội cho cả doanh nghiệp và bà nội trợ

Ông Hoàng Văn Dũng, chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) cũng đánh giá cao việc APEC lần này thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đăng ký tham gia, đây là số lượng đăng ký lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó có những cái tên nổi bật như Jack Ma của Trung Quốc, bà Sheryl Sandberg (giám đốc vận hành của Facebook) nên những ý tưởng về thương mại điện tử xuyên quốc gia rất có ý nghĩa. Đây là cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ mới. Ví dụ Uber, Grab không sở hữu chiếc taxi nào nhưng mỗi năm vẫn kiếm lợi nhuận hàng tỉ USD. Những công nghệ mới này rất quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam cần tận dụng cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để tiến nhanh hơn.Với tiềm năng, nguồn nhân lực của Việt Nam như hiện nay, nếu Chính phủ có quyết sách đúng, chúng ta dễ dàng phát triển gấp 10 lần.

Sáng kiến về tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ cũng rất hay. Theo ông Hoàng Văn Dũng, 97% doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Việc hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ và hợp tác để cùng phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là rất cần thiết.

Trong bối cảnh đang rộ lên thông tin về ý định “khóa cổng” bằng cách này cách kia với những “cơ sở dữ liệu và thông tin xuyên biên giới”, thì sáng kiến khuyến nghị “mở cổng” nêu trên là rất hay. Ngày nay, bên cạnh những “tín đồ” săn lùng các thiết bị kỹ thuật số thời thượng còn có cả những phụ nữ, những mẹ “bỉm sữa” học vấn chỉ hết cấp 1, có thể vừa làm nội trợ vừa rao bán quần áo, mỹ phẩm giá rẻ, thạch và sữa chua trên Facebook qua điện thoại di động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị AMM 29: Từ người lái taxi đến bà nội trợ bán hàng qua mạng đều hưởng lợi