Giải quyết khó khăn tại 12 dự án của Bộ Công Thương trong năm 2018

Lan Trần| 18/10/2018 09:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Bộ Công Thương, với 12 dự án yếu kém, mục tiêu trong năm 2018 là cơ bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc và dứt điểm đến năm 2020 sẽ hoàn thành cơ bản việc xử lý thua lỗ.

Thông tin trên đã được ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết tại họp báo của Bộ Công Thương diễn ra chiều 17/10. Ông Hưng cho biết sau gần 2 năm từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 33 (tháng 11/2016) và hơn 1 năm (từ ngày 29/9/2017) Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt xử lý 12 dự án, đến nay 12 dự án đều có những chuyển biến tích cực.

Giải quyết khó khăn tại 12 dự án của Bộ Công Thương trong năm 2018

Ảnh minh họa

12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương gồm Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và nhà máy nhiên liệu sinh học ở Bình Phước, Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng khẳng định, đến nay, các dự án đều có chuyển biến tích cực. Đã có 2 nhà máy từng bước hoạt động hiệu quả (trong 8 tháng đầu năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lãi 147,68 tỷ đồng và Nhà máy Thép Việt - Trung có lãi 527,2).

Sau 2 năm, tổng dư nợ của 12 dự án đều giảm (đến thời điểm hiện tại, đã giảm thêm 124 tỷ so với đầu năm 2018). Bộ Công Thương luôn thực hiện đúng nguyên tắc không sử dụng vốn nhà nước vào dự án mà tôn trọng tính thị trường nên đã giúp giảm nợ và thu hồi cho ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng chưa tính lãi.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thông tin 12 dự án này, các vấn đề khó khăn vướng mắc rất nhiều (bởi vì có dự án kéo dài hơn chục năm), đặc biệt là vấn đề liên quan tới việc xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, 12 dự án yếu kém từng bước được cải thiện, bên cạnh đó, còn xử lý được các vấn đề liên quan đến môi trường, an sinh xã hội... tạo tiền đề để xử lý hiệu quả các vấn đề còn tồn đọng, yếu kém.

"Mục tiêu trong năm 2018 là cơ bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc và dứt điểm đến năm 2020 sẽ hoàn thành cơ bản việc xử lý thua lỗ", ông Hưng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết khó khăn tại 12 dự án của Bộ Công Thương trong năm 2018