Dự báo nào cho chỉ số giá tiêu dùng cuối năm?

Lan Trần| 03/07/2017 07:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016 và theo các chuyên gia, CPI cuối năm sẽ không có biến động lớn.

6 tháng đầu năm, CPI tăng 4,15%

Tại cuộc họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết CPI tháng 6/2017 tiếp tục giảm 0,17% so với tháng trước. Trong đó 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI giảm: Nhóm giao thông giảm 0,71% chủ yếu do điều chỉnh giảm giá xăng, dầu tại thời điểm 20/6/2017 làm giá nhiên liệu giảm 1,47%, tác động làm CPI giảm 0,06%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,59%, trong đó lương thực giảm 0,51% do lượng cung dồi dào; thực phẩm giảm 0,85% chủ yếu do giá thịt tươi sống giảm, tác động làm CPI giảm 0,19%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 6/2017 tăng 0,2% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng CPI giảm dần qua các tháng (Tháng 1: 0,46%, tháng 2: 0,23%, tháng 3: 0,21%, tháng 4: 0%, thán 5: -0,53%), từ đó đưa tốc độ tăng CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước giảm dần (CPI tháng 1 tăng 5,22%, tháng 2 tăng 5,02%, tháng 3 tăng 4,56%, tháng 4 tăng 4,8%, tháng 5 tăng 4,47%). Theo phân tích của các chuyên gia điều này đã tạo nên sự khác biệt.

Dự báo nào cho chỉ số giá tiêu dùng cuối năm?

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016

Tại “Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2017’, các chuyên gia đã đưa ra những nguyên nhân khiến CPI 6 tháng tăng. Đó là do giá dịch vụ y tế tại 27 tỉnh, thành phố điều chỉnh, cùng với việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán Quỹ Bảo hiểm y tế theo hướng cùng mặt bằng với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cùng với nguyên nhân từ giá dịch vụ y tế, việc một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Đồng thời, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm làm chỉ số giá xuất, nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, ông Nguyễn Duy Thiện, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chỉ ra rằng CPI tăng cũng còn do nhu cầu, sức mua hàng hóa, dịch vụ, đi lại, du lịch tăng cao theo quy luật dịp Tết Nguyên Đán Đinh Dậu và nghỉ lễ 30/4, 1/5; giá nhiên liệu thị trường thế giới tăng tác động vào giá trong nước.

Giá cả biến động ra sao trong nửa cuối năm?

PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá hiện có nhiều yếu tố đang gây bất lợi cho CPI. Cụ thể, giá thịt lợn vẫn đang ở vùng giá thấp nhất. Với mức giá thịt lợn hơi dao động quanh mức 30.000 – 35.000 đồng/kg thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ và sẽ không có hiện tượng tái đàn. Điều này dẫn tới nguồn cung trong thời gian tới sẽ giảm nhiều, do đó xu hướng tăng giá trở lại sẽ là tất yếu.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với những người không tham gia bảo hiểm y tế. Đợt điều chỉnh đầu tiên đã diễn ra từ ngày 1/6/2017 áp dụng cho các dịch vụ tại các bệnh viện công hạng đặc biệt và dự kiến tiếp tục có khoảng 3-4 đợt điều chỉnh tại các bệnh viện công khác trong thời gian tới…

TS Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh sức ép lạm phát đang gia tăng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 là 6,7% là một thách thức không nhỏ. Sự cảnh bảo cần được đặc biệt chú ý, đó là sẽ khó kiểm soát lạm phát nếu kích thích tăng trưởng không phù hợp. Phải rất nỗ lực mới có thể cùng lúc đạt 2 mục tiêu tăng trưởng 6,7% và lạm phát 4%.

Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 6,3% và tăng lên 6,4% vào năm 2017, 2019. Trong khi lạm phát theo WB dự kiến vẫn ở mức vừa phải (4%) trong giai đoạn 2017-2019 nhờ giá cả hàng hóa và năng lượng giảm. Trong khi đó  tổ chức nghiên cứu thị trường Market Intello mới đây đã hạ dự báo lạm phát năm 2017 xuống còn 3,8%, song vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cả năm ở mức 6,1%.

“Để chỉ số CPI tăng bình quân từ mức 4,47% xuống còn 4% vào cuối năm đòi hỏi CPI phải được kiểm soát ở mức thấp trong thời gian tới”, ông Long nhận định.

Ông Long cũng cho rằng, để kích thích tăng trưởng tại thời điểm này, Chính phủ không nên dùng chính sách tài khóa để kích cầu, bởi dùng chính sách này sẽ kèm theo không ít rủi ro, gây áp lực lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát. Để kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng bền vững, giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào những giải pháp mang tính dài hạn như nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó,các bộ, ngành, địa phương cần xác lập kịch bản giá cho từng mặt hàng trong rổ hàng hóa tính lạm phát (lạm phát cơ bản, giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục, thực phẩm, xăng dầu…), cập nhật thường xuyên thông tin thị trường và kiên trì điều hành giá theo tín hiệu thị trường. để thực hiện kiểm soát lạm phát trong năm nay.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng cho rằng sẽ khó có biến động lớn về giá cả trong thời gian tới. CPI bình quân sẽ tiếp tục xu hướng giảm, và kể cả có sự điều chỉnh của giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý, CPI bình quân dự kiến đạt mức Quốc hội giao là dưới 4%.

Kiểm soát lạm phát dưới 4% có thể thực hiện được

Hôm 1/7, làm việc với Ban chỉ đạo điều hành giá, đánh giá việc thực hiện công tác điều hành giá cả trong 6 tháng đầu năm và đề ra phương án cho 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo nhận định“ Kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được”, đồng thời nhấn mạnh điều hành giá năm 2017 phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau.

Định hướng điều hành giá được Trưởng Ban chỉ đạo nêu ra là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính đồng thời gắn với việc chuyển các giá dịch vụ công thiết yếu theo lộ trình giá thị trường.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo nào cho chỉ số giá tiêu dùng cuối năm?