Doanh nghiệp kêu khó vì kiểm tra chuyên ngành

Lan Trần| 21/06/2017 09:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ quản lý chuyên ngành còn thể hiện nhiều bất cập.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo “Thực thi Nghị quyết 19: Cải cách các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm”, bên cạnh tính tích cực của những cải cách các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm, vẫn còn những bất cập cần sửa đổi bổ sung.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 19 là cải cách toàn diện về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, giảm chi phí kiểm tra chuyên ngành sẽ góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, và sự tăng trưởng này là tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. 

Trong hoạt động quản lý chuyên ngành, các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Thực tế cho thấy còn nhiều vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp. Do vậy các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kêu khó vì kiểm tra chuyên ngành

Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tỷ lệ và số lượng lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành là rất lớn

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy, Tổng cục Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tồn tại những bất cập. Đó là công tác kiểm ra chuyên ngành chưa tách bạch giữa kiểm tra nhà nước và hoạt động đánh giá sự phù hợp; Thời gian thực hiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK của Việt Nam còn dài; Có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành ban hành về quy định năng lực của tổ chức đánh giá sự phù hợp; Đưa ra yêu cầu đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp không phù hợp với thông lệ quốc tế; Việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành chưa được phân định rõ ràng về đối với một số sản phẩm, hàng hóa của một số bộ, ngành.

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ quản lý chuyên ngành còn thể hiện nhiều bất cập, như: Không quy định rõ biện pháp quản lý chất lượng trong quy chuẩn kiểm tra; Một số hành vi vi phạm chưa được quy định hoặc mức phạt quy định  về xử lý vi phạm hành chính còn thấp, không đủ răn đe.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án USAID-GIG cho biết, diện hàng hoá phải kiểm tra chất lượng quá rộng. Tất cả hàng hoá nhóm 2 đều phải kiểm tra trước thông quan. Biện pháp quản lý này là quá mức cần thiết đối với phần lớn hàng hoá nhóm 2, nhất là đối với các mặt hàng máy móc, thiết bị, hàng công nghiệp, chế biến sâu… gây tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Một ví dụ cụ thể được đại diện doanh nghiệp nêu ra là công ty nhập thiết bị lọc nước từ nước ngoài và sản phẩm đó chưa có trong danh mục mã số được công bố tại Việt Nam. Khi làm thủ tục thông quan, cơ quan hải quan áp mã số của máy bơm nước, mặc dù đây là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, công ty đã gửi hồ sơ đến một số đơn vị để xác định lại mã số cho sản phẩm này, nhưng đã hơn một tháng mà vẫn chưa có câu trả lời.

Để giảm bớt khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng, cần rà soát danh mục sản phẩm hàng hoá nhóm 2; thay đổi cơ chế quản lý hàng hoá nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm; khuyến khích tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện đánh giá tại nguồn…

Bên cạnh đó, các quy định chỉ nên thực hiện tiền kiểm với những hàng hoá có nguy cơ gây mất an toàn hoặc doanh nghiệp đăng ký kiểm. Ngoài ra, cần thực hiện đồng bộ các cải cách quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá như đơn giản hoá thủ tục tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu; không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hoá chưa có quy chuẩn quốc gia.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả cải cách hành chính trong công tác kiểm tra chuyên ngành so với yêu cầu của Chính phủ vẫn chưa nhiều. Và để thay đổi, có lẽ cần tìm vài cái chốt, thay vì bàn dàn trải như lâu nay. Do vậy, phải có một cơ quan trung gian, độc lập để chỉ rõ những điểm cần thay đổi. Bên cạnh đó, cần có định mức, kiểu 2, 3 năm mà không đổi thì tự động bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp kêu khó vì kiểm tra chuyên ngành