Bộ Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ được thực hiện triệt để

Lan Trần| 23/11/2017 07:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Theo Quyết định này, dự kiến có khoảng 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.

 Bộ Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ được thực hiện triệt để

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết việc cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này dựa trên  5 tiêu chí. Đầu tiên là  xây dựng điều kiện kinh doanh thì cố gắng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thứ hai, trong quá trình xây dựng điều kiện kinh doanh phải lưu ý đến các cam kết quốc tế của Việt Nam. Thứ ba, nếu tiếp tục duy trì điều kiện kinh doanh thì các điều kiện đó phải đáp ứng tiêu chí Điều 7 Luật Đầu tư 2014. Thứ tư, cắt giảm hợp lý hóa, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh như vậy thì lưu ý đến tính khả thi cũng như nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Cuối cùng là cắt giảm điều kiện kinh doanh gắn với cải cách thủ tục hành chính, chứ không phải cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng những thủ tục còn lại lại quá phức tạp, dẫn đến vô hiệu hóa lợi ích của việc cắt giảm.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, các lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh rất nhiều, nhưng rõ nét nhất là ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, xăng dầu, điện... Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường, xây dựng thị trường cạnh tranh thực sự, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định việc cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ được thực hiện triệt để và các điều kiện kinh doanh không hợp lý sẽ khó có cơ hội tái lập. “1 trong 5 nguyên tắc chúng tôi đề ra cho việc cắt giảm cũng như duy trì các điều kiện kinh doanh tức là phải tuân thủ các quy định, tiêu chí, đó cũng là yếu tố cản trở việc tái lập các điều kiện kinh doanh đã bị cắt giảm”, Thứ trưởng nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, chậm nhất là cuối tháng 11, các văn bản sửa đổi điều kiện kinh doanh sẽ được cơ quan chức năng trình Chính phủ để thông qua, từ đó tạo ra sức lan tỏa lớn hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương là điều đáng mừng. Ông cho rằng cứ làm từng bước một nhưng dứt khoát như thế thì dần dần sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. “Lâu nay, quy định về điều kiện kinh doanh là vấn đề nhức nhối, nó làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường, triệt tiêu những sáng kiến trong hoạt động kinh doanh, làm giảm quy mô và sức cạnh tranh trong thị trường, từ đó, nó làm hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung”, ông Cung chia sẻ.

Trước những băn khoăn về việc tái mọc các điều kiện kinh doanh sau cắt giảm, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý. Nếu cách thức quản lý đặt ra những điều kiện để tiền kiểm thì không bao giờ hạn chế được các điều kiện kinh doanh, bởi đó là nhu cầu quản lý, xuất hiện hoạt động kinh doanh mới là có nhu cầu quản lý. Vì phương thức tư duy đang là nhấn mạnh tiền kiểm nên lúc nào cũng nghĩ đến điều kiện kinh doanh, khi bỏ đi mà  không có phương thức quản lý mới thì sẽ xảy ra nhiều chuyện, dư luận lại đặt câu hỏi cơ quan quản lý ở đâu, đây là điều kiện tiên quyết phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý Nhà nước.

"Nền kinh tế thị trường muốn tiến lên hiện đại thì cách làm đột phá và thay đổi về tư duy quản lý là việc không thể không làm," TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ được thực hiện triệt để