Thúc đẩy phát triển công trình xanh nhờ giải pháp công nghệ

Lan Trần| 25/11/2016 19:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiêu chí xanh là một trong những vấn đề mà nhiều ngành hướng đến trong đó có lĩnh vực xây dựng, bất động sản…

Công trình xanh, tiết kiệm năng lượng với những ưu thế quan trọng như sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chi phí vận hành, giảm thiểu tác động tới môi trường trong khi vẫn đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng đang trở thành xu thế tất yếu.

Ở những nước phát triển và đang phát triển, những giá trị và lợi ích thiết thực cho xã hội, người sử dụng và chủ đầu tư tại các công trình xanh đã được khẳng định khá rõ ràng. Chính phủ nhiều nước cũng đã đưa các quy định kỹ thuật đối với công trình xanh và tiết kiệm năng lượng vào các yêu cầu đầu tư khi xây dựng công trình.

Thúc đẩy phát triển công trình xanh nhờ giải pháp công nghệ

Công trình xanh, tiết kiệm năng lượng là xu thế tất yếu. Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam công trình xanh đã bắt đầu được giới thiệu từ năm 2007. Chia sẻ tại hội thảo “Công nghệ, giải pháp kỹ thuật và cơ chế hỗ trợ tài chính cho công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh tại Việt Nam” do Bộ Xây dựng, World Bank và Panasonic tổ chức, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường( Bộ Xây dựng) cho biết Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”. Quy chuẩn này có hiệu lực từ ngày 15/11/2013, quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc đối với hiệu quả năng lượng của các hệ thống vỏ công trình, thông gió, điều hòa, nước nóng, chiếu sáng, thang cuốn, thang máy…

“Các tòa nhà hiện tiêu tốn tới hơn 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng ở những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam, nên việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các công trình xây mới là một đòi hỏi cấp thiết”, ông Thành nhấn mạnh.

Công trình xanh tiết kiệm năng lượng đã được nhận thức rộng rãi từ chủ đầu tư đến người sử dụng. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển công trình xanh được nhân rộng, cần những giải pháp từ chính sách, giải giáp công nghệ tổng thể đến cơ chế hỗ trợ tài chính.

Đối với vấn đề công nghệ, tại Việt Nam, hiện Panasonic đã đưa ra giải pháp tổng thể cho toàn bộ công trình dựa trên sự phối hợp hiệu quả giữa phương pháp xây dựng tiên tiến và hệ thống giải pháp kỹ thuật đồng bộ. Bằng giải pháp tổng thể này, những tòa nhà xanh và “thông minh” sẽ đạt được hệ số tiết kiệm năng lượng dẫn đầu thị trường, đảm bảo an ninh trong khi giảm chi phí duy trì và vận hành suốt vòng đời dự án.

Với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, Panasonic giới thiệu hệ thống giải pháp đồng bộ sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời có hiệu suất cao kỷ lục, bóng đèn công nghệ LED siêu bền có tuổi thọ 40,000 giờ sử dụng cùng với hệ thống quản lý năng lượng chuyên nghiệp. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm không khí cũng được giải quyết bằng việc kết hợp hệ thống điều hòa không khí FSV và hệ thống thu hồi nhiệt tích hợp lọc không khí tạo ra không gian sống trong lành thoải mái…

Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam, ông Masaaki Kobayashi cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm trong khu vực của Panasonic, do đó Panasonic phối hợp với Bộ Xây Dựng và Ngân hàng Thế giới để trở thành doanh nghiệp tiên phong cung cấp giải pháp tổng thể của Panasonic cho các dự án công trình xanh.

Theo công bố của Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng tại Hà Nội ở các công trình mới, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng đồng bộ từ khi triển khai xây dựng có thể tiết kiệm 30-40%. Các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, thực hiện kiểm toán năng lượng, các giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể tiết kiệm 10 – 20%.

Việc sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả trong ngành xây dựng sẽ góp phần đáng kể trong việc cắt giảm tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng đồng thời góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu cắt giảm 8-25% lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia đã cam kết vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển công trình xanh nhờ giải pháp công nghệ