Thị trường BĐS 2018: Dự báo chưa có dấu hiệu cực đoan lớn

Lan Trần| 15/11/2017 16:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, dự báo trong năm 2018 thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu cực đoan lớn. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn những điểm nghẽn làm hạn chế thị trường.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đưa ra tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 15/11.

Dự báo 2018 chưa có dấu hiệu cực đoan lớn

Theo Bộ trưởng, từ năm 2013 đến nay, tính thanh khoản của thị trường BĐS tăng ở hầu hết các phân khúc, sản phẩm, giao dịch tăng trở lại và duy trì mức khá, cơ cấu hàng hóa BĐS được được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường; Mặt bằng giá cả BĐS ngày càng ổn định, phù hợp với khả năng chi trả của người dân; lượng tồn kho BĐS giảm; lĩnh vực đầu tư BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thị trường BĐS 2018: Dự báo chưa có dấu hiệu cực đoan lớn

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất

Bộ trưởng cũng nhận xét dự báo 2018 chưa có dấu hiệu cực đoan lớn của BĐS, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, thị trường BĐS vẫn còn một số biểu hiện như nguồn vốn đầu tư kinh doanh BĐS chưa đa dạng. Nguồn vốn chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng. Tỷ lệ vốn của chủ đầu tư thấp. Một số doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư của ngân hàng thông qua các công ty con, công ty liên kết gây ra sự khó kiểm soát việc cho vay và cơ cấu tín dụng.

Cơ cấu hàng hóa BĐS tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng chưa hợp lý và chưa được kiểm soát chặt chẽ, dư cung ở một số BĐS cao cấp nhưng lại thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp; một số doanh nghiệp tập trung BĐS cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng mà chưa quan tâm đến phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà cho thuê, nhà ở xã hội…

Bộ trưởng cũng chỉ rõ tính minh bạch công khai thị trường BĐS còn yếu. Việc triển khai Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản còn rất chậm. Năng lực một số chủ thể tham gia vào thị trường BĐS còn hạn chế, 1 số cơ quan ban hành chính sách còn chậm… chưa đáp ứng 1 số loại hình BĐS mới, một số doanh nghiệp triển khai dự án chưa phù hợp, chậm tiến độ, lãng phí đất đai

“Hàng loạt “điểm nghẽn” này là yếu tố cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Hàng tồn kho đang được tích cực xử lý

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng thị trường bất động sản nước ta trong giai đoạn 2005 – 2015 đã có bước phát triển quan trọng, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương… Thị trường bất động sản năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định thể hiện qua các chỉ số về giá cả, số lượng giao dịch. Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa, Phú Quốc - Kiên Giang phát triển mạnh đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông Ninh, thời gian vừa quan tại các thành phố lớn đã cho phép các nhà đầu tư kinh doanh loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), với diện tích 25-50 m2/căn hộ để đáp ứng nhu cầu bố trí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên phạm vi địa bàn. Trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, tại TP.HCM có hiện tượng tăng giá đất nền tại một số khu vực vùng ven như Quận 2, Quận 9, Huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ... (giá đất nền tăng từ 10-20%, có khu vực tăng giá 30-40%, cá biệt có nơi giá tăng lên đến 70% so với năm 2016 ).

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thời gian qua, tình trạng hàng tồn kho bất động sản đã và đang được tích cực xử lý. Cụ thể là, đến tháng 10/2017 tồn kho bất động sản còn khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng 12/2016.

Dự báo thị trường nhà ở trong ngắn hạn sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên một số phân khúc sản phẩm (đất nền, căn hộ có quy mô vừa và nhỏ...) có thể có sự thay đổi nhất định về giá cả tại một số khu vực, địa phương; thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục pháp triển.

Bàn về giải pháp cho thị trường bất động sản trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ Xây dựng đang xây dựng đề án đánh giá thị trường, dự báo xu hướng trung hạn và đề xuất các giải pháp cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh trình Chính phủ. Đề án sẽ đổi mới tự duy về công cụ thuế, phương pháp lý luận mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, sử dụng đất nguồn lực thấp gây lãng phí, phát triển nhà ở công nghệ mới phù hợp Việt Nam hiện nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường BĐS 2018: Dự báo chưa có dấu hiệu cực đoan lớn