Quỹ tiết kiệm nhà ở - Tại sao không?

06/06/2012 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở. Theo đó, tất cả người dân có nhu cầu nhà ở có thể tham gia đóng quỹ tiết kiệm (trong thời hạn nhất định), sau đó sẽ được vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Dự kiến, từ năm 2013, Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được thí điểm thực hiện tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở

Theo đề án, Quỹ tiết kiệm nhà ở gồm hai mô hình. Mô hình 1 phục vụ cho người có thu nhập thấp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây nhà giá thấp, nhà ở xã hội. Người tham gia sẽ được vay tiền để mua, thuê mua nhà ở xã hội khi đã đóng 30% giá trị căn nhà, phải tham gia đóng quỹ từ 5 năm trở lên. Số tiền được vay thêm tối đa bằng ba lần số tiền đã đóng. Ai gửi nhiều tiền hoặc có thời gian đóng dài hơn được ưu tiên vay trước. Người vay phải trả nợ hàng tháng trong thời hạn tối thiểu là 15 năm. Mô hình 2 dành cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà thương mại. Sau khi đóng được khoảng 50% giá trị nhà ở cần mua, người tham gia được vay thêm 50% giá trị còn lại. Quỹ sẽ do ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng chuyên về tiết kiệm nhà ở quản lý.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, một trong những ưu điểm lớn nhất của đề án lần này là thay vì có tính bắt buộc và trích 1% lương của người lao động thì lần này tham gia quỹ có tính chất tự nguyện, tính theo nhu cầu khoản vay dự kiến. Qua đó, Quỹ này mở ra một cơ hội giúp cho người dân tiếp cận được với nhà ở thành thị, nhất là ở các thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Quỹ tiết kiệm nhà ở - Tại sao không?

Sàn giao dịch bất động sản    (Ảnh: NTH)


Theo điều tra, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300 - 400.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn và rất cần các nguồn vốn như Quỹ tiết kiệm nhà ở. Chính vì vậy, hai mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở đưa ra lần này đã được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi nó giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở.

Nhìn rộng ra, theo ông Đặng Hùng Võ, mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở đã có ở nhiều nước trên thế giới, như: Trung Quốc, Singapore hay một số nước Bắc Âu đã thành lập quỹ nhà ở dưới nhiều tên khác nhau.

Đã có mô hình chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở

Ở Tp. Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 2- 2009, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Nam (Vinaland) đã triển khai mô hình mua nhà bằng chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở và đã được đông đảo cán bộ công ty và khách hàng tham gia. Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Vinaland cho biết: Chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở là một dạng chứng chỉ phát hành với mục đích vay tiền của người mua nhà để xây nhà. Theo quy chế, quỹ tiết kiệm nhà ở của Vinaland thì người nộp tiền tiết kiệm theo phương thức hoàn toàn tự nguyện, số tiền tiết kiệm hàng tháng hết sức linh hoạt, thuận tiện và được quy thành chứng chỉ. Mỗi chứng chỉ có mệnh giá 5 triệu đồng. Chứng chỉ do công ty cấp, xác nhận người mua đã nộp số tiền tiết kiệm theo mệnh giá. Công ty bảo đảm mệnh giá chứng chỉ của mỗi đợt phát hành là không thay đổi trong suốt 60 kỳ nộp tiền (5 năm). Mỗi chứng chỉ tương đương với 1m2 sàn nhà, người mua nộp tiền hàng tháng cho đến thời hạn tháng 1-2014. Khi đến hạn nộp tiền mỗi tháng, nếu không nộp thì quyền mua chứng chỉ của tháng đó bị chấm dứt.

Khi dự án trong giai đọan hoàn thành, người tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở của Vinaland sẽ được quyền lựa chọn mua căn hộ cho mình với giá bằng mệnh giá chứng chỉ đã mua cộng với đơn giá xây dựng gốc tại thời điểm xây dựng. Khi công ty đã xây nhà, nếu người mua chứng chỉ từ chối quyền chuyển đổi chứng chỉ thành quyền mua nhà thì có quyền đề nghị công ty trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi suất bằng 100% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Sau 60 tháng (tức đến thời điểm tháng 1-2014) mà công ty vẫn chưa xây nhà thì người mua có quyền yêu cầu công ty trả lại toàn bộ số tiền gốc (số tiền đã góp) và lãi suất bằng 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành, hoặc tiếp tục chờ mua nhà của công ty. Căn hộ được mua tại thời điểm ký kết hợp đồng căn cứ vào số chứng chỉ mà người đó có. Ví dụ, khi kết thúc thời hạn, người mua chọn mua căn hộ 70m2 nhưng chỉ có 60 chứng chỉ thì người mua phải mua thêm 10 chứng chỉ theo giá thị trường (giá công ty chào bán căn hộ đó trên sàn giao dịch bất động sản). Đặc biệt, chứng chỉ tiết kiệm nhà ở được phép tặng cho, thừa kế và chuyển nhượng (theo thủ tục của Công ty Vinaland).

Quỹ tiết kiệm nhà ở - Tại sao không?

Chứng chỉ Quỹ tiết kiệm nhà ở của Vinaland

Như vậy, mô hình chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở của Vinaland là một hướng mở, rất cần được tìm hiểu và phát huy. Nhu cầu nhà ở của người dân còn rất lớn. Sự ra đời của Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ tạo điều kiện cho những người có mức thu nhập trung bình tin vào việc sở hữu một căn nhà mơ ước. Vấn đề là quỹ phải tham khảo nhiều mô hình để có cơ chế quản lý, vận hành đúng mục đích, tránh việc tiêu cực tham nhũng. Do đó, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ.

Nguyễn Linh Giang
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quỹ tiết kiệm nhà ở - Tại sao không?