Kết luận của Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất

25/07/2012 08:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp về kết quả chương trình thanh tra chuyên đề về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất năm 2011.

Kết quả thanh tra đã góp phần làm rõ thực trạng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai và nêu những kiến nghị để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai trong thời gian tới.

Bất cập trong quy hoạch


Theo báo cáo, có 62/63 tỉnh, thành phố tiến hành 349 cuộc thanh tra theo kế hoạch và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Theo kết quả tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành phố và các đoàn thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và sử dụng đất đai còn những khuyết điểm và vi phạm cần sớm được giải quyết. Theo đó, nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhiều dự án đã và đang tồn tại dưới dạng quy hoạch treo hoặc phải thu hồi, hoặc phải tạm dừng để rà soát, xử lý gây khó khăn cho cuộc sống của người dân trong vùng được quy hoạch và thiệt hại về kinh tế cho các tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Theo Thanh tra Chính phủ, đây là nguyên nhân chính phát sinh khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai. 

 

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp từ tỉnh, thành phố đến cấp xã, phường hầu hết chậm về thời gian. Tính đến hết năm 2010, cấp huyện còn 11,62% và cấp xã còn 21,65% số đơn vị không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định. Một số địa phương triển khai các dự án sử dụng đất phi nông nghiệp không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt; tình trạng giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch diễn ra phổ biến. Việc công bố quy hoạch còn mang tính hình thức, chưa huy động được sự tham gia, giám sát của cộng đồng, chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục trong quá trình thực hiện, nên khi tổ chức thực hiện quy hoạch, bồi thường và giải phóng mặt bằng đã phát sinh một số vụ khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp và kéo dài.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất

Nhiều công trình dang dở, nhiều dự án không được thực hiện gây lãng phí đất đai rất lớn

 

Quy hoạch xây dựng là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các thành phần kinh tế, tổ chức và cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, công tác này đã và đang tồn tại nhiều yếu kém, bất cập. Cụ thể, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chậm, chưa phù hợp về thời gian, nội dung với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Dự báo dân số chưa sát với thực tế phát triển, dẫn tới các chỉ tiêu sử dụng đất không đúng theo quy hoạch được phê duyệt. Chất lượng các đồ án quy hoạch chưa được các cơ quan liên quan quan tâm đúng mức, nhiều đồ án quy hoạch chi tiết có chất lượng thấp, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ trong sử dụng đất cũng như chưa đầy đủ căn cứ pháp lý. Chỉ tiêu phê duyệt chưa đảm bảo diện tích đất tối thiểu so với quy chuẩn xây dựng về giao thông, y tế, giáo dục,… 

 

Quản lý sử dụng đất - nhiều sai phạm

 

Thanh tra Chính phủ đánh giá: Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng đất đai đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế, chính sách về quản lý sử dụng đất ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn. Tuy vậy, hầu hết các địa bàn được thanh tra đều có vi phạm về quản lý sử dụng đất đai. Hầu hết các dự án đều có tiến độ chậm, có dự án chậm tới 5-7 năm nhưng chưa được xử lý theo quy định. Công tác sử dụng đất thiếu chặt chẽ, chủ đầu tư nhiều dự án vi phạm các quy định của pháp luật, nhất là các dự án kinh doanh bất động sản. Tình trạng này đã và đang diễn ra phổ biến và phức tạp nhất là tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. 

 

Cũng theo tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, tổng diện tích đất sử dụng không đúng quy hoạch tại 35 tỉnh, thành phố là 19.182ha; giao đất, cho thuê đất không đúng quy định tại 39 tỉnh, thành phố với diện tích 241.988ha; sử dụng đất sai mục đích, không có hiệu quả tại 45 tỉnh, thành phố với diện tích 21.758ha;… Những vi phạm về tài chính đất đai cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương như miễn giảm, tính giá thu tiền sử dụng đất sai quy định tại 12 tỉnh, thành phố trị giá 566,273 tỷ đồng; nợ, chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại 29 tỉnh, thành phố trị giá 1.741,381 tỷ đồng;…

 

Cần sự đồng bộ trong cơ chế, chính sách

 

Về cơ chế, chính sách, ngành thanh tra cho rằng, cần xác định quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch chiến lược. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan ban hành cơ chế quy định rõ mối liên hệ với các quy hoạch khác như quy hoạch xây dựng, quy hoạch môi trường, quy hoạch chuyên ngành,… nhằm tránh chồng chéo và mâu thuẫn như hiện nay.

 

Bên cạnh đó, giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt kế hoạch sử dụng đất để có thể linh hoạt và chủ động trong việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Cần xây dựng hoặc điều chỉnh, bổ sung cơ chế, quy định về công tác quy hoạch xây dựng, nhất là công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó cần hạn chế việc chia nhỏ dự án nhằm tránh lãng phí đất, vốn đầu tư. 

 

Cơ quan thanh tra đã kiến nghị quy định bổ sung về quyền và nghĩa vụ đối với cá nhân và tổ chức là chủ đầu tư xây dựng có sử dụng đất ngầm, đất bãi bồi ven biển; Điều chỉnh, bổ sung chính sách và quy định giá bồi thường nhất quán, đồng bộ và bình đẳng đối với tất cả các dự án đầu tư; bảng giá đất cần sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường tại thời điểm ban hành, có thể ban hành hàng năm hoặc 2-3 năm/lần; Ban hành cơ chế, chính sách quy định chi tiết, cụ thể và chặt chẽ đối với việc lựa chọn, nhất là việc quy định các tiêu chí để đánh giá, xác định chính xác về khả năng tài chính đối với các chủ đầu tư tham gia đầu tư các dự án, nhất là các dự án kinh doanh bất động sản…

 

Bảo Nam

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết luận của Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất