Gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở: Những vướng mắc “hậu thông tư”

24/05/2013 09:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi hai thông tư của NHNN và Bộ Xây dựng ra đời hướng dẫn về gói 30.000 tỉ cho vay để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại dưới 70m2, bên cạnh sự vui mừng của người dân và doanh nghiệp là những băn khoăn… “hậu thông tư”.

Người nghèo lấy gì để thế chấp?

Tại Thông tư số 11/TT-NHNN, về biện pháp bảo đảm tiền vay -  quy định: “Ngân hàng xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật".  Vậy trong tường hợp ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp thì giải quyết như thế nào bởi người nghèo thì lấy đâu ra tài sản để thế chấp? Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, về nguyên tắc, ngân hàng cho vay thì họ phải có phương án thu hồi được vốn. Trong Thông tư 11 cũng có điều kiện mở về vấn đề này. Nghĩa là tùy theo đánh giá của ngân hàng, người vay có thể không cần thế chấp tài sản. Còn nếu thấy đối tượng vay còn nhiều bấp bênh, ngân hàng sẽ buộc họ phải có tài sản thế chấp. Điều này là hợp lý. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lý giải của ông Nam mới chỉ “hợp lý” về mặt lý thuyết, vì với nhiều người nghèo, nếu bắt buộc họ phải có tài sản bảo đảm mới được vay vốn mua nhà, thì chẳng khác nào đánh đố. 

 

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, nên sửa đổi điều kiện này. Đối với cá nhân, tài sản đảm bảo bằng chính căn hộ xin mua hoặc thuê mua; đối với doanh nghiệp tài sản đảm bảo là chính dự án xin vay. Với quy định này, ngân hàng vẫn “nắm đằng chuôi”, trong khi đó  có thể dỡ bỏ được một rào cản quan trọng để người dân thuận lợi hơn khi tiếp cận vốn từ gói hỗ trợ.

10 năm vẫn quá ngắn!

 

Gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở: Những vướng mắc “hậu thông tư”

Những căn hộ chung cư luôn là mơ ước của người nghèo

 

Một băn khoăn nữa là Thông tư 11 xác định thời gian áp dụng lãi suất 6% tối đa 10 năm. Có ý kiến cho rằng, với đối tượng nghèo, thu nhập thấp… thì lãi suất cố định thấp 10 năm vẫn chưa đủ đảm bảo. Hơn nữa, liệu quy định đó có thực hoàn toàn tuân thủ Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 4/4/2013 của Chính phủ đã xác định bảo đảm lãi suất cho vay ổn định và thấp? Vì vậy, người vay đang chờ đợi được các cơ quan chủ quản thảo luận có hướng dẫn… dưới thông tư. Theo đó, cần nói rõ chính sách áp dụng mức lãi suất cho vay sau thời hạn 10 năm đối với khách hàng để người vay yên tâm. 

 

Theo các chuyên gia, một chính sách nhà ở xã hội của các quốc gia không nên chỉ đặt trong tầm nhìn 10 năm. Một số quốc gia thậm chí có chính sách cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ổn định tới 15 - 20 năm, thậm chí hạn mức vay có thể lên tới 30 năm. 

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, mức lãi suất cho vay 6% trong thời hạn 10 năm vẫn là quá ngắn, rất ít gia đình thu xếp được và cần nới lên 20 năm. Trong tín dụng cho vay mua nhà, quan trọng nhất là thời gian trả nợ, càng dài càng tốt và dù lãi suất có hơi cao một chút thì vẫn chịu được.

 

Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, chi phí quản lý của các ngân hàng thương mại được hưởng theo quy định tại Thông tư số 11 là 1,5%, là quá cao. Ông Châu đề nghị ngân hàng nên có sự chia sẻ với người vay, bởi với khoản vay có tài sản đảm bảo bằng chính căn hộ được mua hoặc dự án của doanh nghiệp xin vay, có thể nói là gần như 100% ngân hàng đang ở thế an toàn vốn. Trong trường hợp người vay hoặc doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng vẫn có tài sản để phát mãi, chuyển giao cho đối tượng mà không hề thua lỗ. 

 

Để giảm áp lực cho người vay và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả gói tín dụng, rất cần những quy định phù hợp, mang tầm nhìn xa hơn. 

 

Bảo Nam

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở: Những vướng mắc “hậu thông tư”