Tọa đàm về tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ

Văn Vũ| 22/09/2016 19:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (22/9), Vụ Hợp tác Quốc tế TANDTC phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức buổi tọa đàm nhằm tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với TAND Việt Nam.

Tham dự buổi Tọa đàm có các đồng chí: Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế TANDTC; Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng cùng các chuyên gia về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và đại diện lãnh đạo một số đơn vị chuyên trách liên quan thuộc TAND các cấp.

Tọa đàm về tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ

Ngài Kawanishi Hajime, Cố vấn trưởng Dự án JICA phát biểu tại buổi Tọa đàm

Về phía Nhật Bản, có Ngài Kawanishi Hajime, Cố vấn trưởng Dự án JICA; Ngài SAKAI naoki, Thẩm phán, chuyên gia pháp lý Văn phòng Dự án JICA; Ngài Luật sự SHIMIZU Wataru, Văn phòng Luật sư Anderson Mori và Tomotsune.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Ngài Kawanishi Hajime, Cố vấn trưởng Dự án JICA cho biết, Tọa đàm nhằm tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA với TAND TC Việt Nam, nhằm mục đích hỗ trợ phía Việt Nam trong việc tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

Trên tinh thần đó, Ngài Kawanishi Hajime mong muốn được lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết các tranh chấp thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Ngài Kawanishi Hajime cũng đã thông tin tới Tọa đàm về tổ chức, chức năng của Văn phòng Luật sư Anderson Mori và Tomotsune, là một trong những Văn phòng Luật sự hàng đầu tại Nhật Bản trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Tọa đàm về tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ

Toàn cảnh buổi Tọa đàm 

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã được lắng nghe các tham luận liên quan tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại TAND (Thạc sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng); những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ từ góc nhìn thực tiễn (Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ); Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Tòa án Nhật Bản (Ngài SAKAI naoki);… các tham luận của Luật sự SHIMIZU Wataru về Cơ chế giải quyết tranh chấp đối với sáng chế, về nhãn hiệu hàng hóa, về quyền tác giả và cạnh tranh không lành mạnh…

Các tham luận đã đề cập tới nhiều khía cạnh của lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhưng tựu chung là nêu lên thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; những khó khăn, bất cập trong các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để góp phần tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, như: nâng cao vai trò của việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự, hạn chế áp dụng các biện pháp hình sự hoặc hành chính; cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về tố tụng đối với việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán theo hướng chuyên sâu về sở hữu trí tuệ và thường xuyên tổ chức tổng kết thực tiễn công tác xét xử các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ để rút kinh nghiệm; cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về quyền sỡ hữu công nghiệp với Tòa án có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ…

Tọa đàm về tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ

Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Tiến trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Ngô Cường cho rằng, hiện ở thị trường Việt Nam hàng giả, hàng nhái tràn lan nhưng các chủ thể bị xâm hại lại ít khi khởi kiện dân sự ra Tòa án mà thường chọn biện pháp hình sự hoặc hành chính.

Lý giải cho vấn đề này, Luật sư Lê Ngọc Sơn, Công ty Luật TNHH LAVI cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do khó khăn trong việc xác định địa chỉ bị đơn và trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Còn theo ông Phan Gia Qúy, Chánh tòa Kinh tế TAND thành phố Hồ Chí Minh, các chủ sở hữu trí tuệ thường chọn biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự vì các chủ sở hữu chỉ mong muốn nhanh chóng buộc bên xâm hại phải chấm dứt ngay hành vi xâm hại, giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng tới uy tín, chấp lượng của sản phẩm; còn nếu khởi kiện dân sự ra tòa án sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể tạo cơ hội cho bên xâm hại tẩu tán chứng cứ.

Theo kế hoạch, Tọa đàm sẽ diễn ra trong 2 ngày từ ngày 22 đến ngày 23/9. Trong ngày làm việc tiếp theo, các đại biểu sẽ tiếp tục được nghe các tham luận và tiến hành thảo luận trao đổi về vấn về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng như được chia sẻ một số kinh nghiệm của phía Nhật Bản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm về tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ