Thảo luận, lấy ý kiến đối với 9 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được lựa chọn làm án lệ

Trần Quang Huy| 16/08/2017 18:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực hiện công tác xây dựng và phát triển án lệ, TANDTC đã tổ chức cuộc họp Hội đồng tư vấn án lệ để thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung 9 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được lựa chọn làm án lệ.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC, Chủ tịch Hội đồng khoa học TANDTC, Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ chủ trì cuộc họp.

Lựa chọn 9 quyết định giám đốc thẩm để phát triển thành án lệ

Tham gia cuộc họp có các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ gồm: Tiến sĩ Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC, Phó Chủ tịch Hội đồng; Thạc sĩ Tống Anh Hào, Thẩm phán TANDTC, Phó Chủ tịch Hội đồng; Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Luật sư - Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý đang công tác tại VKSNDTC, Bộ Công an, Hội luật gia Việt Nam, Học viện An ninh nhân dân...

Phát biểu khai mạc cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Để tiếp tục lựa chọn các bản án, quyết định đã có hiệu lực của TAND các cấp, lãnh đạo TANDTC đã có công văn đề nghị các TAND cấp cao, TAQS Trung ương, các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAQS quân khu và tương đương tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình và các Tòa án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đề xuất phát triển thành án lệ. Bên cạnh đó, TANDTC cũng tiếp nhận 31 ý kiến đề xuất của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, nhà hoạt động thực tiễn lựa chọn các bản án, quyết định đề xuất phát triển thành án lệ. Ngoài ra, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cũng tự tổ chức nghiên cứu 6.000 quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các Tòa chuyên trách TANDTC (trước đây) và của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao để rà soát, phát hiện bản án, quyết định phát triển thành án lệ.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã chọn được 9 quyết định giám đốc thẩm để nghiên cứu phát triển thành án lệ; tiếp thu, chỉnh lý các một số bản án, quyết định giám đốc thẩm để tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới. 9 dự thảo án lệ gồm: 3 dự thảo án lệ về kinh doanh thương mại, 9 dự thảo án lệ về dân sự. Những dự thảo án lệ về kinh doanh thương mại đưa ra đã phản ánh được tính đa dạng của các vụ án liên quan đến “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá”. Các dự thảo án lệ về dân sự bao hàm được tính đa dạng của “Tranh chấp về thừa kế tài sản”, “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, “Yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, “Tranh chấp hợp đồng đổi đất”, “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Thảo luận, lấy ý kiến đối với 9 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được lựa chọn làm án lệ

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp Hội đồng tư vấn án lệ

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình mong muốn các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ, các chuyên gia pháp luật, những nhà khoa học pháp lý đầu ngành thảo luận, đóng góp ý kiến vào 9 dự thảo án lệ để những bản án, quyết định khi được lựa chọn phát triển thành án lệ phải thực sự có chất lượng, bảo đảm có tính thực tiễn cao, bao hàm được các sự kiện pháp lý diễn ra trong xã hội, giúp cho các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có thể nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động tố tụng.

Nghiên cứu, xem xét kỹ trước khi lựa chọn làm án lệ

Trong phần thảo luận, các đại biểu nhận thấy những dự thảo án lệ về cơ bản đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn án lệ được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 03/2015/NQ - HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Dự thảo án lệ về kinh doanh thương mại đối với Quyết định giám đốc thẩm số 01/2017/KDTM-GĐT ngày 1/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, đa số các ý kiến góp ý đều đồng ý lựa chọn phát triển án lệ vì vụ án này mang tính điển hình rất cao. Giải pháp pháp lý mà Hội đồng Thẩm phán đưa ra đã nhận diện đúng vấn đề pháp lý, góp phần làm rõ, giúp áp dụng thống nhất pháp luật, tạo ra công lý.

Quyết định giám đốc thẩm số 14/2017/KDTM-GĐT ngày 6/6/2017 của Hội đồng Thẩm phản TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”, nhiều ý kiến đồng ý lựa chọn để phát triển án lệ vì nội dung này là bổ khuyết cho cách hiểu về sự có mặt của đương sự tại phiên tòa nhằm bảo đảm quyền của các đương sự trong giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên lựa chọn làm án lệ vì vụ án không có vấn đề pháp lý có tính đại diện, chưa thực sự điển hình.

Quyết định giám đốc thẩm số 17/2016/KDTM-GĐT ngày 10/11/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”, đa số các ý kiến đồng ý lựa chọn phát triển án lệ vì quyết định này đã làm rõ hợp đồng mua bán và L/C là các quan hệ tương đối độc lập, UCP 600 hoàn toàn có thể được thỏa thuận và áp dụng tại Việt Nam.

Dự thảo án lệ về dân sự đối với Quyết định giám đốc thẩm số 03/2012/DS-GBT ngày 14/2/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án "Tranh chấp hợp đồng chụyển nhượng quyền sử dụng đất”, nhiều ý kiến đồng ý lựa chọn phát triển thành án lệ vì Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã đề ra đường lối cụ thể giao dịch có thỏa thuận bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng đồng Việt Nam thì không vô hiệu là có sức thuyết phục, phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không nên chọn làm án lệ vì quyết định giám đốc thẩm này không mang tính tiêu biểu, không chứa đựng những lập luận làm rõ các quy định còn có cách hiểu khác nhau.

Quyết định giám đốc thẩm số 39/2006/DS-GĐT ngày 6/11/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản”, các ý kiến đều đồng ý phát triển án lệ về phần nội dung liên quan đến di chúc có điều kiện - đây là loại di chúc khá phổ biến trong thực tế nhưng pháp luật lại thiếu vắng các quy định về loại di chúc này. Do vậy, việc tạo lập một án lệ theo hướng chấp nhận di chúc có điều kiện là cần thiết. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không nên phát triển án lệ đối với nội dung về tính toán giá trị nghĩa vụ “nuôi dưỡng bao bọc” bằng một kỷ phần mà người được nuôi dưỡng được hưởng nếu chia thừa kế di sản theo pháp luật vì chưa phù hợp với ý chí của người lập di chúc.

Đối với Quyết định giám đốc thẩm số 02/2011/DS-GĐT ngày 17/1/2011 của Tòa Dân sự TANDTC về vụ án “Yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, Quyết định giám đốc thẩm số 394/2012/DS-GĐT ngày 23/8/2012 của Tòa Dân sự TANĐTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng đổi đất”, Quyết định giám đốc thẩm số 405/2012/DS-GĐT ngày 27/8/2012 của Tòa Dân sự TANDTC về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, các đại biểu còn có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Có ý kiến đồng ý lựa chọn làm án lệ vì đây là những vấn đề xảy ra nhiều trong thực tiễn; tuy nhiên cũng có nhiều quan điểm cho rằng không nên lựa chọn làm án lệ vì những vụ án này không mang tính tiêu biểu, điển hình…

Trước việc còn có nhiều ý kiến trái chiều nhau về các dự thảo án lệ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC, Chủ tịch Hội đồng khoa học TANDTC, Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ cảm ơn các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý đã đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC tổng hợp các ý kiến để Hội đồng tư vấn án lệ nghiên cứu, xem xét trước khi trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật làm án lệ, giúp các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận, lấy ý kiến đối với 9 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được lựa chọn làm án lệ