TAND các cấp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

Nhóm PV| 15/01/2019 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bên lề Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, phóng viên Báo Công lý đã gặp gỡ, ghi nhận ý kiến của một số đại biểu xung quanh các giải pháp, kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác xét xử và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác của TAND.

Bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP. Hải Phòng: Nhân sự là một trong những yếu tố thành công của công tác hòa giải, đối thoại

Năm 2018, TAND TP. Hải Phòng rất vinh dự được TANDTC lựa chọn thực hiện thí điểm hòa giải và đối thoại tại Tòa án. Triển khai chỉ đạo của TANDTC với sự quan tâm của Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng, Tòa án hai cấp Hải Phòng đã lựa chọn 9 đơn vị tòa án cấp huyện và thành phố để thực hiện thí điểm.

Lúc đầu triển khai, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì đây là lần thí điểm đầu tiên, nhưng với sự cố gắng nỗ lực và quyết tâm cao của tập thể Tòa án thành phố, sau 6 tháng thực hiện thí điểm khá thành công và được TANDTC, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá tốt.

Kết quả 6 tháng, Tòa án hai cấp TP. Hải Phòng đã hòa giải đối thoại thành được trên 2000 vụ, đồng nghĩa với việc Tòa án cũng giảm được trên 2000 vụ không phải thụ lý giải quyết vụ án. Có nhiều vụ án với nhiều tranh chấp phức tạp về dân sự, về kinh doanh thương mại với giá trị tranh chấp lớn được các hòa giải viên kiên trì hòa giải thành công.

TAND các cấp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

 Chánh án TAND TP. Hải Phòng Nguyễn Thị Mai

Đối với án hành chính, nhiều vụ việc khiếu kiện về hành chính phức tạp, đông người khởi kiện và kiện về các quyết định hành chính bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các đối thoại viên đã phân tích và các cơ quan hành chính cũng đã thấy quyết định của mình là không chuẩn xác nên đã chủ động rút quyết định.  Một số vụ việc, người dân cũng đã thấy quyết định hành chính như vậy đã đáp ứng, bảo vệ quyền lợi của mình..

Trong quá trình thí điểm, chúng tôi cũng còn gặp phải một số khó khăn như: người dân chưa quen, có trường hợp Trung tâm hòa giải mời đến làm việc để hòa giải, đối thoại nhưng không đến; có một số doanh nghiệp nghĩ rằng việc hòa giải hiệu lực không cao…. Nhưng sau đó, bằng công tác tuyên truyền, người dân và doanh nghiệp hiểu được rằng kết quả hòa giải được tòa án công nhận thì có giá trị như bản án.

Nhân sự là một yếu tố quyết định để thành công. Tòa án hai cấp TP. Hải Phòng đã lựa chọn được những hòa giải viên, đối thoại viên có tâm huyết với công việc, có khả năng thuyết phục. Việc lựa chọn nhân sự được chúng tôi tính toán và lựa chọn từ những thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, những cán bộ làm công tác mặt trận có nhiều kinh nghiệm. Đây là một trong những yếu tố quyết định thành công của công tác hòa giải.

Thẩm phán Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh: Phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân

14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử là các giải pháp chung của hệ thống Tòa án toàn quốc. Đối với riêng TAND tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi thực hiện nghiêm túc 14 giải pháp đó. Bên cạnh những nội dung được nêu trong 14 giải pháp, làm sao để đẩy nhanh tiến độ công việc và đảm bảo chất lượng xét xử thì chúng tôi cũng có những biện pháp riêng.

TAND các cấp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên

Ví dụ, chúng tôi yêu cầu các Thẩm phán báo cáo số lượng công việc hàng tháng. Thông qua đó, chúng tôi có thể đánh giá được lượng công việc của các Thẩm phán đến đâu, sự tích cực đến đâu, và chúng tôi cũng đánh giá được lượng án tồn như thế nào để có giải pháp kịp thời.

Đặc biệt trong những năm gần đây, số lượng án hành chính rất nhiều, lại rất phức tạp. Tại sao cần giải quyết các án đó, nâng cao chất lượng xét xử, có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên chúng tôi đánh giá rằng, phương châm chính là làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Từ đó, chúng tôi có chủ trương là yêu cầu tất cả các Thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính phải về tại địa phương để tổ chức đối thoại cho người dân để tạo điều kiện cho người dân đỡ vất vả, đỡ phải đi lại nhiều. Tôi cho rằng quan trọng nhất trong giải quyết án hành chính là đối thoại.

Thẩm phán Lê Hoàng Vương, Chánh án TAND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương: Thực hiện những giải pháp thúc đẩy, làm chuyển biến căn bản công tác xét xử

Năm 2018, TAND thị xã Thuận An đã nỗ lực cố gắng giải quyết được 2.568 trên tổng số 2.610 vụ, việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 98,4%; tăng 1,3% so với năm 2017. Trung bình, mỗi Thẩm phán của TAND thị xã Thuận An đã giải quyết 15,3 vụ/tháng. Bên cạnh đó, TAND thị xã Thuận An đã giải quyết 159/159 trường hợp áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, đạt tỷ lệ 100%.

Để đạt được kết quả xuất sắc nêu trên, TAND thị xã Thuận An đã triển khai quyết liệt chủ đề hành động của năm công tác “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý” do TANDTC phát động, gắn với phong trào thi đua của đơn vị “Làm hết việc, không hết giờ”. Đặc biệt, đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp do TANDTC đề ra nhằm nâng cao chất lượng xét xử; trong đó, có những giải pháp đã thúc đẩy và làm chuyển biến căn bản công tác xét xử của đơn vị.

TAND các cấp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

Chánh án TAND thị xã Thuận An Lê Hoàng Vương

Đơn vị đã đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án. Tòa án đã phân công, phân nhiệm cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách để tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; công khai các quy trình, quy định có liên quan đến việc giải quyết các yêu cầu về tố tụng của đương sự; thực hiện mô hình “Tòa án thân thiện” tạo điều kiện thuận lợi và phục vụ người dân tốt nhất khi họ có công việc tại Tòa án…

Tiếp đó, Tòa án đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự. Với đặc thù của địa phương có nhiều khu công nghiệp, đương sự trong vụ án chủ yếu là công nhân lao động, bị hạn chế về mặt thời gian, nên khi giải quyết án, Thẩm phán đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo quyền tham gia tố tụng của đương sự. Cụ thể như: cố gắng sắp xếp một cách hợp lý nhất để các bên hòa giải; đối với những vụ án bị đơn không đồng ý đến Tòa án để hòa giải thì Tòa án kết hợp với chính quyền địa phương vận động, thuyết phục, giải thích rõ quy định của pháp luật về quyền lợi của họ khi tham gia hòa giải...

Sự kiên trì của Toà án trong công tác hoà giải đã tạo hiệu ứng tích cực về quan niệm của đương sự đối với thái độ phục vụ của Tòa án, từ đó nâng cao khả năng hòa giải thành các vụ, việc. Trong năm 2018, TAND thị xã Thuận An đã hòa giải thành 1.725/2.190 vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đã giải quyết, đạt tỷ lệ 78,8%; tăng 33,84% so với năm 2017. Công tác hòa giải được tổ chức thực hiện tốt đã góp phần giải quyết dứt điểm mâu thuẫn giữa các bên; khắc phục được tình trạng quá tải trong công việc trong khi biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu so với tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ của đơn vị.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Danh, Chánh án TAND huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc: Chú trọng công tác xây dựng và nhân điển hình tiên tiến

Năm 2018, TAND huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc thụ lý 1.088 vụ, việc các loại (tăng 211 vụ so với năm 2017). Trong tổng số 755 vụ án phải giải quyết thì đã giải quyết, xét xử được 726 vụ, đạt tỷ lệ 96,2%. Tỷ lệ bình quân mỗi Thẩm phán của đơn vị phải giải quyết, xét xử hơn 10 vụ/1 tháng, gấp 2 lần so với định mức mà TANDTC quy định. 

Mục đích của các phong trào thi đua là tạo động lực thúc đẩy việc nâng cao chất lượng các mặt công tác (đặc biệt là chất lượng xét xử các loại vụ án), góp phần xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Năm 2017, đơn vị có một cá nhân có thành tích xuất sắc và được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua TAND”.

TAND các cấp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

Chánh án TAND huyện Bình Xuyên Nguyễn Thanh Danh

Tiếp nối truyền thống, năm 2018, ngay từ đầu năm đơn vị đã đăng ký danh hiệu thi đua là “Tập thể lao động xuất sắc” và “Cờ thi đua Chính phủ” đối với tập thể; đối với cá nhân, đơn vị xây dựng thêm các cá nhân tiêu biểu làm điển hình tiên tiến. Các cá nhân được lựa chọn giới thiệu để xây dựng điển hình tiên tiến phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy định.

Kết quả, trong năm 2018 có 1 cá nhân được Chánh án TANDTC tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi”; sơ kết thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm 2018, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khen thưởng đột xuất đối với 1 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua. Tổng kết thi đua khen thưởng năm 2018, Hội đồng thi đua khen thưởng TAND  hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã thống nhất bình bầu, suy tôn tập thể TAND huyện Bình Xuyên là “Tập thể lao động xuất sắc” và đề nghị Cụm Thi đua suy tôn, đề nghị tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” cho đơn vị. Đề nghị Chánh án TANDTC  tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua TAND” cho 1 cá nhân. Chánh án TAND tỉnh Vĩnh phúc đã công nhận “Chiến sỹ thi đua cơ sở” cho 3 cá nhân và tặng “Giấy khen” cho 5 cá nhân.

Với hàng loạt nỗ lực, kết quả là, đơn vị đã được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ năm 2018 và hàng loạt phần thưởng cao quý khác.

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Chánh tòa Tòa Kinh tế, TAND tỉnh Phú Thọ: Tạo điều kiện tốt nhất để các bên tham gia thực hiện quyền tranh tụng tại phiên tòa

Là chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến hai cựu tướng Công an (vụ án Nguyễn Văn Dương cùng 91 đồng phạm), tôi xin được chia sẻ một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Về công tác tổ chức, chuẩn bị phiên tòa, HĐXX đã đề xuất huy động các cán bộ, công chức, người lao động trong TAND tỉnh Phú Thọ tham gia phục vụ cho công tác tổ chức tại phiên tòa, phân công, sắp xếp công việc hợp lý, hướng dẫn những người đến tham dự phiên tòa làm thủ tục, ngồi đúng vị trí với tư cách tham gia. Đề xuất phương án bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo ý tế, phòng cách ly, khu vực dành cho phóng viên báo chí tác nghiệp. Do đó đã đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình xét xử, không để xảy ra tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.

TAND các cấp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

Chánh tòa Tòa Kinh tế, TAND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Thùy Hương

Thư hai: Về phương pháp tiến hành tố tụng, với vai trò là chủ tọa điều hành phiên tòa, tôi đã tạo điều kiện tốt nhất để các bên tham gia thực hiện quyền tranh tụng tại phiên tòa. Vụ án có 92 bị cáo cùng gần 40 luật sư tham gia đều được thực hiện quyền tranh tụng công khai. Việc điều hành phiên tòa theo phương pháp “cuốn chiếu”, sắp xếp thứ tự hỏi các bị cáo theo từng nhóm tội, từ bị cáo là người tham gia đánh bạc đồng thời là người tổ chức, vận hành game bài để thẩm vấn trước rồi đến nhóm đại lý cùng tổ chức đánh bạc, nhóm đánh bạc, nhóm trung gian thanh toán, nhóm mua bán trái phép hóa đơn, nhóm tổ chức đánh bạc ở tốp trên… Riêng đối với các bị cáo đầu vụ, gồm: Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa được thẩm vấn cuối cùng để các bị cáo được nghe phần thẩm vấn của 88 bị cáo, từ đó nhận thức được hậu quả rất nghiêm trọng từ hành vi phạm tội của mình gây ra.

Quá trình tranh luận, từng bị cáo cùng nhóm người bào chữa được thực hiện tranh luận, sau đó đại diện Viện Kiểm sát sẽ đối đáp, kết thúc phần tranh luận của bị cáo này mới chuyển sang phần tranh luận của bị cáo khác. Phương pháp thẩm vấn, tranh luận kiểu “cuốn chiếu” phát huy hiệu quả rõ rệt đối với vụ án có đặc thù là số lượng bị cáo lớn, phạm nhiều tội danh khác nhau. Kết quả sau khi tranh luận: 92 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đề nghị được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Thứ ba: Về việc sử dụng màn hình trình chiếu các chứng cứ, bút lục trong hồ sơ, vụ án có hơn 100 nghìn bút lục, do vậy việc tìm kiếm để công khai bút lục đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ hồ sơ, sắp xếp khoa học, có tính dự đoán để ứng phó kịp thời các diễn biến tại phiên tòa. Để phát huy hiệu quả của công nghệ thông tin, TAND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với VKSND tỉnh Phú Thọ lắp đặt 2 màn hình lớn để trình chiếu các chứng cứ vật chất của vụ án. Các tài liệu chứng cứ được trình chiếu công khai, giúp những người tham gia tố tụng, người dân cùng các phóng viên dễ dàng theo dõi. Tại phiên tòa, khi xét hỏi có bị cáo Trần Thiến Tiến đã không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, sau khi trình chiếu các tài liệu chứng cứ đã được thu thập lên màn hình công khai thì Tiến đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Thứ tư: Về thực hiện hết thẩm quyền tố tụng và kiến nghị:  Trong vụ án này, quan điểm của VKS và HĐXX cũng có những điểm chưa thực sự thống nhất về áp dụng pháp luật, như: có hay không việc áp dụng tình tiết tăng nặng là “phạm tội có tổ chức” hay có áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (nay là điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015) đối với các bị cáo tự nguyện nộp tiền do phạm tội mà có. Tuy nhiên, qua phân tích, HĐXX xác định trong trường hợp này thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng là “phạm tội có tổ chức”, đồng thời chỉ chấp nhận việc bị cáo nộp lại tiền do phạm tội mà có là tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS. Do đó, trên cơ sở xem xét toàn diện điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, vị trí, vai trò cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, HĐXX đã tuyên hình phạt đối với 92 bị cáo cao hơn so với mức hình phạt mà đại diện VKS đề nghị.

Trong quá  trình tiến hành tố tụng, HĐXX thấy rằng còn nhiều tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc để xảy ra hành vi phạm tội của các bị cáo, nên cùng với việc ra bản án đã kiến nghị các cơ quan liên quan khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những vấn đề cần điều tra làm rõ trong giai đoạn hai của vụ án.

Thẩm phán Lưu Thu Giang, Chánh án TAND tỉnh Cao Bằng: Thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của TANDTC

Trong năm 2018, lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Cao Bằng thường xuyên chỉ đạo các cán bộ, công chức trong Tòa án hai cấp bám sát và thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của TANDTC. Bên cạnh đó, lãnh đạo TAND tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm đến công tác kiện toàn tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp cho toàn thể cán bộ công chức. Hằng năm, đều mở các lớp tập huấn cho đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và Hội thẩm TAND hai cấp để nâng cao nghiệp vụ xét xử.

Về công tác xét xử, chất lượng giải quyết các vụ án ngày càng được nâng lên, tỷ lệ án bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm; các đơn vị đã thực hiện tốt công tác tranh tụng tại Tòa. Việc xét xử các loại án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Các mặt công tác khác như tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác tổ chức cán bộ; Hội thẩm nhân dân; thi đua khen thưởng và các mặt công tác khác tiếp tục được chú trọng và thực hiện có hiệu quả.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND các cấp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử