Quyết tâm xây dựng TAND trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân

Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC| 29/01/2017 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2016 đã qua - một năm có nhiều sự kiện lớn, cũng là năm có nhiều đổi mới quan trọng của TAND.

Thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013: “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, hệ thống các TAND tiếp tục được tổ chức triển khai, sắp xếp ổn định thành 4 cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014; các Tòa án có nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động; chế độ bổ nhiệm và thi tuyển Thẩm phán; quy định việc lựa chọn, áp dụng và phát triển án lệ, cùng nhiều quy định mới khác liên quan đến hoạt động của TAND. Vị thế, vai trò, trách nhiệm của Thẩm phán và Tòa án trong hoạt động tư pháp được nâng cao hơn so với các năm trước, cũng theo đó đòi hỏi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân đối với Tòa án trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân cũng ngày một cao hơn.

Quyết tâm xây dựng TAND trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình

Trong bối cảnh tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ được triển khai sắp xếp lại theo mô hình mới; Thẩm phán các Tòa án, nhất là các Tòa án cấp cao còn thiếu, nhưng với tinh thần nỗ lực, quyết tâm phấn đấu cao của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động các Tòa án đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2016, trong đó có các yêu cầu, chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra; chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ. 

Cụ thể, các Tòa án đã giải quyết 432.441 vụ án các loại trong tổng số 463.152 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 93,4%); số vụ án còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 36.424 vụ; đã giải quyết tăng 33.383 vụ; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án giảm so với 2015.

Công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hạn chế ở mức thấp nhất số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Thẩm phán; đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án về tham nhũng và nhiều vụ án lớn, trọng điểm được dư luận quan tâm. Trong quá trình giải quyết vụ án, các Tòa án cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản và các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

Tòa án các cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình; các phán quyết của Tòa án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét toàn diện, khách quan các chứng cứ của vụ án. Vì vậy, việc xét xử các vụ án hình sự, cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong năm 2016 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Các trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật và được Viện kiểm sát chấp nhận chiếm tỷ lệ cao.

Về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm: hệ thống TAND các cấp đã giải quyết 4.151/13.624 đơn. Quá trình giải quyết, các Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt tỷ lệ chưa cao nguyên nhân là do số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của TANDTC và các TAND cấp cao ngày càng gia tăng, năm 2016 cũng là năm sắp xếp bộ máy, tổ chức của TAND các cấp theo Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Để đẩy nhanh tiến độ công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, năm 2016, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, nhưng cũng đảm bảo về tiến độ giải quyết. Chỉ đạo các Tòa án rà soát, phân loại để tập trung giải quyết các vụ việc sắp hết thời hạn kháng nghị. Thành lập đoàn kiểm tra công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại các TAND cấp cao để nắm bắt kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, các đoàn kiểm tra giám đốc thẩm, tái thẩm đối với TAND cấp tỉnh, cấp huyện để kịp thời phát hiện những sai sót trong công tác giải quyết, xét xử các loại án. Yêu cầu các Tòa án này chủ động phối hợp với các VKSND cấp cao rà soát chính xác số lượng đơn phải xem xét, giải quyết; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, nhằm giúp cho các Tòa án tháo gỡ những vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, trong công tác giải quyết xét xử các loại án, TANDTC đã sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Hội đồng Thẩm phán, dành nhiều thời gian cho việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, ban hành án lệ, thiết lập hộp thư điện tử để tiếp nhận thông tin những vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ của các Tòa án, các trường hợp chưa kịp ban hành Nghị quyết mà cần phải giải quyết nhanh những vướng mắc của các Tòa án, do nhu cầu từ thực tiễn thì đã ban hành công văn hướng dẫn, giải đáp vướng mắc để các Tòa án tham khảo vận dụng.

Về công tác bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các Tòa án đã thụ lý 8 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 2 vụ. Lãnh đạo TANDTC cũng đã chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vụ việc còn lại, trong đó có một số vụ việc oan sai được xét xử từ nhiều năm trước nhưng trong thời gian gần đây mới phát hiện bị oan và dư luận rất quan tâm, như vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, vụ việc của ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh. Các Tòa án cũng đã thụ lý giải quyết 22/32 vụ án dân sự khởi kiện các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Quyết tâm xây dựng TAND trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh cùng lãnh đạo TANDTC

Xác định công tác tổ chức cán bộ là một nhiệm vụ quan trọng, vì vậy đã được TANDTC rất chú trọng và tập trung vào việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo của các Tòa án. Trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, TANDTC đã tổ chức các kỳ tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp và thi nâng ngạch từ Thẩm phán sơ cấp lên Thẩm phán trung cấp, từ Thẩm phán trung cấp lên Thẩm phán cao cấp. Việc tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán được thực hiện theo hướng mở rộng nguồn có đủ điều kiện theo quy định để lựa chọn những người có trình độ, năng lực tốt nhất để bổ nhiệm làm Thẩm phán. 

Trong năm qua công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức cũng tiếp tục được tăng cường, việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm được TANDTC thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật và quy định của Tòa án.

Những kết quả nêu trên là đáng ghi nhận thể hiện quyết tâm của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC trong việc tạo sự chuyển biến tích cực nhằm xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh, liêm chính, đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Năm 2017 là năm thứ hai toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và các cấp các ngành quyết liệt triển khai thực hiện các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến hết sức phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn. Đối với TAND, TAQS các cấp, khối lượng công việc là rất lớn, nhiều nhiệm vụ mới, quan trọng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức các Tòa án phải nỗ lực phấn đấu cao mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, toàn hệ thống TAND tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng”, các Luật, Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp; tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; sớm đưa Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Tổ chức TAND năm 2014; tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử; đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, triển khai thực hiện tốt việc áp dụng án lệ. Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp; kiện toàn tổ chức cán bộ của các Tòa án theo mô hình Tòa án bốn cấp. Khẩn trương hoàn thiện Đề án vị trí việc làm trong các TAND trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định để làm cơ sở xác định biên chế cho các Tòa án. Tập trung công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục làm tốt công tác tuyển dụng cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm để kiện toàn đội ngũ cán bộ, đặc biệt là bổ nhiệm đủ Thẩm phán TAND các cấp còn thiếu.

Ba là, tiếp tục chăm lo công tác xây dựng các tổ chức Đảng tại các Tòa án ngày càng trong sạch, vững mạnh, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác kiểm tra các bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm, gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý, điều hành; giữ gìn, nâng cao uy tín người Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức Tòa án, xây dựng hệ thống TAND trong sạch, liêm chính, xứng đáng là chỗ dựa và niềm tin của nhân dân.

Bốn là, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án. Tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật trong giải quyết, xét xử các vụ án; công tâm, khách quan, thận trọng trong đánh giá các chứng cứ để áp dụng pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, bảo đảm công lý, bảo vệ quyền công dân, quyền con người; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; triệt để khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Đồng thời, làm tốt công tác đối thoại, hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính.

Năm là, tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị làm việc, phục vụ hoạt động của Tòa án các cấp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi giải quyết công việc tại Tòa án và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tòa án các cấp. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và Cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án các cấp” tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhiệm vụ của các Tòa án năm 2017 là hết sức nặng nề, nhưng tôi tin tưởng rằng, phát huy truyền thống vẻ vang 72 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm xây dựng TAND trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh, giàu đẹp, nhà nước của dân, do dân và vì dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm xây dựng TAND trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân