Nhiều ý kiến quan trọng, làm sâu sắc hơn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

PV| 12/09/2017 13:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Qua một ngày thảo luận tại Hội nghị sơ kết 3 năm công tác xét xử đã có 145 lượt ý kiến phát biểu về các nội dung được nêu trong dự thảo Báo cáo. Nhiều ý kiến tâm huyết, làm sâu sắc hơn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Nhiều ý kiến quan trọng, làm sâu sắc hơn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ tổng kết, đánh giá về kết quả thảo luận tại các tổ

Sáng nay 12/9, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã tổng kết kết quả thảo luận tại tổ về Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến 2020.

Theo đó, qua một ngày thảo luận đã có 145 lượt ý kiến phát biểu về các nội dung được nêu trong dự thảo Báo cáo, nhiều ý kiến đưa ra tập trung vào 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử trong thời gian tới đây.

Các đại biểu đều đánh giá cao việc tổ chức hội nghị; đồng tình với hầu hết các nội dung dự thảo Báo cáo, đặc biệt là 14 giải pháp đã đề ra đồng thời có những đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết làm sâu sắc hơn về các giải pháp được đề ra trong dự thảo Báo cáo; đề xuất bổ sung những giải pháp mới, những vấn đề mới cần được quan tâm giải quyết để nhằm tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp.

Nhiều ý kiến cho rằng cần nhấn mạnh yếu tố con người (trình độ, năng lực của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký), những hạn chế về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của từng vùng, miền, cơ sở vật chất của Tòa án; chất lượng phối hợp của các cơ quan, tổ chức hữu quan với Tòa án là những nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót.

Về giải pháp tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, các ý kiến đều nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; ghi nhận những việc mà TANDTC đã triển khai thực hiện trong 3 năm qua; đồng tình về những việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công tác ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Trong thời gian tới cần đẩy nhanh việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kết hợp với việc ban hành các tập giải đáp về nghiệp vụ, công bố án lệ để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là việc hiểu và áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các đạo luật tố tụng được Quốc hội thông qua năm 2015; Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 03/2016 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ theo hướng đơn giản hóa quy trình này; Kịp thời tổ chức tập huấn chuyên sâu về các đạo luật được Quốc hội thông qua năm 2015, 2017; tập huấn chuyên sâu về các loại vụ việc có tỷ lệ án bị hủy, sửa cao (như tranh chấp nhà đất, thừa kế; các vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích và tội giết người, tội cướp và cướp giật tài sản...); tập huấn về thi hành án hình sự.

Giải pháp đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các đại biểu. Tuy nhiên thực tế triển khai, nhiều Tòa án cấp huyện gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng xử án. Không ít Tòa án cấp huyện Hội đồng xét xử không thể bố trí ngay như yêu cầu của Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC.

Liên quan vấn đề này, một số ý kiến khác đề nghị để triển khai có hiệu quả tổ chức phiên tòa theo mô hình như trên thì các Tòa án cần trao đổi để có được sự ủng hộ của cấp ủy địa phương đối với mô hình này.

Về giải pháp nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, bên cạnh các giải pháp được nêu trong dự thảo Báo cáo, một số ý kiến đề nghị cần duy trì việc trao đổi các vụ án phức tạp giữa Thẩm phán với Chánh án, Ủy ban Thẩm phán trước khi xét xử. Các ý kiến này cho rằng việc trao đổi này không vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử mà là cơ hội để Thẩm phán tham khảo quan điểm của Chánh án, Ủy ban Thẩm phán; đồng thời giúp Chánh án thực hiện tốt chức năng tổ chức xét xử, chịu trách nhiệm về công tác xét xử. Tổ chức tập huấn về ngôn ngữ viết trong bản án; bảo đảm nội dung tập huấn về viết bản án phải thống nhất theo quan điểm chính thống của TANDTC; giảng viên tập huấn phải là người có đủ năng lực, kinh nghiệm.

Đối với giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án, các ý kiến đều đồng tình và cho rằng đây là yếu tố quyết định chất lượng công tác xét xử và giải pháp này cần được xác định là giải pháp hàng đầu. Cần quan tâm hơn nữa về công tác cán bộ, từ khâu tuyển dụng đến đào tạo, bổ nhiệm Thẩm phán, cùng với đó là việc tăng cường mở các lớp đào tạo nghiệp vụ về xét xử; tập huấn nghiệp vụ về các lĩnh vực cho Thẩm phán, Thư ký.

Về giải pháp đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các Tòa án, trong buổi thảo luận tổ, một số đại biểu đã phản ánh về tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất tại Tòa án địa phương. Một số Tòa án thực tế đã được địa phương cấp đất để xây dựng trụ sở nhưng không có kinh phí để xây dựng dẫn đến khả năng bị thu hồi đất. Vì vậy đề nghị TANDTC  cân nhắc cho phép các Tòa án thanh lý trụ sở cũ để lấy kinh phí xây dựng trụ sở mới trên diện tích đất được cấp. Đối với những Tòa án đang phải đi thuê trụ sở (35 Tòa án)  cần tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng để đảm bảo đủ điều kiện cho các Tòa án hoạt động.

Về giải pháp làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, đa số ý kiến cho rằng Quyết định 120 là quá khắt khe, gây áp lực lớn cho Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên; có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng đối với Thẩm phán mà tỷ lệ án bị hủy dưới 2% thì có thể được xem xét để tái bổ nhiệm; đối với những trường hợp có án bị hủy thì khi xem xét tái nhiệm cũng cần xem xét kỹ những lý do mà bản án bị hủy.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng kiến nghị, bổ sung kết quả giải quyết các loại việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND, miễn giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự, xem xét tha tù trước thời hạn, xét kháng cáo quá hạn... vào chỉ tiêu công tác.

Các ý kiến cũng đề nghị sửa đổi Quy chế thi đua khen thưởng theo hướng bảo đảm công bằng giữa Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân; có cơ chế chấm điểm thi đua thay cho hình thức suy tôn vẫn được áp dụng thời gian qua; xem xét lại quy định về thi đua khen thưởng để bảo đảm hợp lý, công bằng (vì hiện nay việc khen thưởng hình thức cao lại tính theo đơn vị có số lượng vụ việc giải quyết cao, trong khi đó cùng giải quyết số lượng vụ việc như nhau, chất lượng như nhau, nhưng do công tác ở đơn vị khác nhau thì ở đơn vị có lượng án cao thì được khen thưởng cao, ở đơn vị ít án thì khen thưởng ở mức thấp, như vậy là chưa hợp lý).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý kiến quan trọng, làm sâu sắc hơn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử