Đại biểu Quốc hội Đào Tú Hoa: Luôn tâm niệm và thực hiện di huấn của Bác Hồ “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Mai Thoa (Thực hiện)| 30/01/2017 13:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là công chức TAND và là nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, chị Đào Tú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ TANDTC đã có những chia sẻ nhân dịp đầu Xuân năm mới với Báo Công lý.

PV: Là người vừa trúng cử ĐBQH khóa XIV, chị có thể chia sẻ những cảm nghĩ của mình?

ĐBQH Đào Tú Hoa: Quá trình xây dựng và phát triển của Quốc hội, nhiều đồng chí lãnh đạo TANDTC, lãnh đạo Tòa án các cấp trong hệ thống TAND đã được sự tín nhiệm của cử tri cả nước lựa chọn, bầu làm ĐBQH và có những đóng góp rất quan trọng, ý nghĩa trong các hoạt động của Quốc hội nói chung, xây dựng TAND nói riêng. Các thế hệ ĐBQH của TAND là những tấm gương sáng cho lớp lớp cán bộ Tòa án về sự nỗ lực phấn đấu, bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy trí tuệ, năng lực trong công tác xây dựng pháp luật, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện việc giám sát tối cao.

Tôi ý thức sâu sắc rằng, được trúng cử ĐBQH khóa XIV là vinh dự lớn lao. Vinh dự vì là một trong hai đại biểu nữ của TAND trúng cử ĐBQH, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, người đại biểu của nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, nhưng cùng với đó là trách nhiệm của người đại biểu với cử tri của mình; với nhiệm vụ công tác chuyên môn tại Tòa án. Qua 23 năm công tác, với 22 năm lãnh đạo các đoàn thể chính trị, 14 năm lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, trải qua các vị trí công tác tại Tòa Hình sự, Văn phòng, rồi đến Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thẩm phán trung cấp TAND TP. Hà Nội… tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý của ngành, của Thủ đô, của Đảng và Nhà nước. Đó là những kinh nghiệm quý báu, những tiền đề để tôi tiếp tục phấn đấu, phát huy truyền thống của các Đại biểu Quốc hội trong hệ thống Tòa án, thực hiện tốt vai trò người đại biểu nhân dân, cùng với kiến thức pháp luật được đào tạo bài bản, phát huy năng lực, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết vào việc xây dựng Tòa án trong sạch và liêm chính, đúng như lời tuyên thệ của Chánh án TANDTC trước Quốc hội “xây dựng TAND trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân”.

PV: Từ thực tiễn trong quá trình công tác về lĩnh vực tổ chức cán bộ ở Tòa Hà Nội, chị thấy có những tồn tại nào cần quan tâm giải quyết?

ĐBQH Đào Tú Hoa: Trong công cuộc cải cách tư pháp, Tòa án được đặt ở vị trí trung tâm. Mặc dù trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm, củng cố tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất cho Tòa án nhưng với yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp thì còn cần hơn rất nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện, ủng hộ của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, việc tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ cần được quan tâm hàng đầu. Thực tế cho thấy, theo quy định của pháp luật, rất nhiều chức năng, nhiệm vụ mới của Tòa án được giao nhưng điều kiện về con người, về cơ sở vật chất chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ. Đó là tình trạng thiếu cán bộ, nhất là Thẩm phán ở Tòa án các cấp; là tình trạng cơ sở vật chất, nhất là trụ sở Tòa án cấp quận, huyện không đảm bảo, nhiều Tòa án cấp huyện phải đi thuê. Bên cạnh đó, tình trạng Thẩm phán phải xét xử quá tải vẫn diễn ra, nhất là ở Tòa án các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh phía Nam… định mức xét xử trung bình hơn 10 vụ việc/tháng/Thẩm phán, chưa kể phải thường xuyên làm việc ngoài giờ, làm việc vào ngày nghỉ.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ĐBQH cũng đã đề cập đến việc thiếu cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp, nhất là Tòa án cấp cao hiện nay. Việc thành lập 3 Tòa án cấp cao tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, TANDTC đã tích cực chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo quy định mới; tiến hành công tác thi tuyển chọn Thẩm phán theo các đợt và đang hoàn thiện để trình tuyển chọn, bổ nhiệm một đợt mới, kịp thời bổ sung các Thẩm phán cao cấp tăng cường cho 3 Tòa án cấp cao. Và, với chức năng nhiệm vụ của Vụ Tổ chức - cán bộ là tham mưu, giúp việc cho Ban cán sự Đảng về công tác này, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ.

PV: Bên cạnh việc thiếu cán bộ, Thẩm phán thì chế độ tiền lương cũng là một trong những bất cập hiện nay. Ở cương vị Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, chị sẽ có những tham mưu gì?

ĐBQH Đào Tú Hoa: Từ 2004 đến nay, chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức Tòa án đã được cải thiện một bước, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, chưa phù hợp với tính chất đặc thù của Tòa án. Mức lương của Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án giống như mức lương của cán bộ, công chức hành chính nhà nước. Rõ ràng, Thẩm phán là người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử, nhân danh Nhà nước. Vì vậy, tính chất lao động phức tạp hơn cần phải có chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức TAND, nhất là Thẩm phán, bao gồm: Chính sách tiền lương, các loại phụ cấp, trang thiết bị, điều kiện làm việc, chế độ học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ, các chế độ thi đua - khen thưởng, chế độ trang phục…

Đại biểu Quốc hội Đào Tú Hoa: Luôn tâm niệm và thực hiện di huấn của Bác Hồ “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Đại biểu Quốc hội Đào Tú Hoa 

Tôi được biết, TANDTC đang xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức TAND. Việc xây dựng Đề án này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác nhiều năm qua.

Còn về vấn đề bổ sung biên chế cán bộ, ngay từ khi tôi công tác tại Tòa án Hà Nội, với nhiệm vụ công tác tổ chức cán bộ, tôi đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng có Đề án về biên chế của TAND hai cấp TP. Hà Nội, làm cơ sở để TANDTC tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian qua, nhiều bộ luật mới được sửa đổi, bổ sung, nhiều quy định mới được ban hành điều chỉnh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó có hoạt động xét xử của Tòa án phải tuân thủ các nguyên tắc tố tụng quy định chặt chẽ hơn, Tòa án được giao thẩm quyền mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hành chính… nhưng chỉ riêng biên chế để thực hiện nhiệm vụ khi chưa tăng thẩm quyền đã không được đủ chưa nói đến con người để thực hiện nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng hơn cả là xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là Thẩm phán phải giỏi về nghiệp vụ, công tâm, bản lĩnh để đưa ra những phán quyết thượng tôn pháp luật.

Trước yêu cầu đề cao quyền con người, mở rộng quyền dân chủ của nhân dân, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, Tòa án tiếp tục được Nhà nước giao thêm nhiều nhiệm vụ theo định hướng cải cách tư pháp. Hiện nay, TANDTC đang chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm và Đề án biên chế TAND. Theo tôi, chắc rằng Đề án sẽ có sức thuyết phục vì đó là những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn và bởi lẽ Tòa án các cấp chưa bao giờ được đủ biên chế theo yêu cầu nhiệm vụ, luôn phải cố gắng, luôn phải gồng mình lên.

Trên cương vị mới này, tôi cũng sẽ tích cực cùng tập thể lãnh đạo Vụ TCCB thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần sớm hoàn thiện tổ chức bộ máy, kiện toàn cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo Luật Tổ chức TAND năm 2014.

PV: Là ĐBQH của Thủ đô Hà Nội công tác tại Tòa án, trên cương vị đó, chị sẽ có đóng góp gì cho cử tri của mình?

ĐBQH Đào Tú Hoa: Tôi được cử tri 3 quận: Hà Đông, Thanh Xuân và Cầu Giấy tin tưởng, tín nhiệm bầu làm ĐBQH. Điều rất vui và cảm động là trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử, sau khi trình bày Chương trình hành động tại các cuộc tiếp xúc cử tri và được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã nhận được nhiều thư của cử tri gửi đến với lời nhắn nhủ, niềm tin tưởng, gửi gắm tâm tư, chúc cho tôi trúng cử để làm người đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Không phụ sự tin tưởng đó, tôi đã và sẽ tiếp tục gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Thông qua các buổi tiếp công dân, các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi thường xuyên có ý kiến giải đáp, hướng dẫn cho nhân dân về những vướng mắc, những trăn trở và cả những bức xúc mà nhân dân đang quan tâm. Với kiến thức chuyên ngành luật của mình và thời gian công tác thực tiễn tại Tòa án, nhất là trong công tác xét xử và giải quyết các loại vụ án, tôi sẽ tham gia hoạch định chủ trương, chính sách để giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển của Thủ đô, đất nước.

Ngoài ra, theo phân công mới của Đoàn ĐBQH, tôi được tiếp xúc cử tri ở nhiều quận, huyện khác trên địa bàn Thủ đô để có điều kiện lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở các địa bàn khác nhau. Tôi sẽ tiếp tục tích cực phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề mà nhân dân đang yêu cầu; đổi mới thủ tục hành chính tư pháp nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án… Làm như vậy cũng chính là thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “công chức Tòa án phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

PV: Xin cảm ơn chị!                 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội Đào Tú Hoa: Luôn tâm niệm và thực hiện di huấn của Bác Hồ “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”