Chuyện về một nữ Thẩm phán vùng cao

Đỗ Việt| 11/09/2017 06:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhắc đến nữ Thẩm phán Nguyễn Thị Vân Khánh, Tòa Dân sự - TAND tỉnh Cao Bằng, không ai là không biết, bởi sự gương mẫu, lối sống giản dị và cách nhìn nhận vấn đề sâu sắc.

Gần 20 năm gắn bó với nghề Thẩm phán, trực tiếp tham gia giải quyết hàng trăm vụ án khác nhau nhưng trước mỗi vụ án, Thẩm phán Nguyễn Thị Vân Khánh vẫn duy trì thói quen xuống tận địa bàn để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các mối xung đột.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của tỉnh Yên Bái, năm 1995, sau khi tốt nghiệp ra trường, với niềm tin và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị tình nguyện lên Cao Bằng công tác trong hệ thống Tòa án rồi chính thức được bổ nhiệm làm Thẩm phán từ năm 1999.

Ngày mới nhận nhiệm vụ, vừa ít tuổi đời, vừa non tuổi nghề, lại thêm điều kiện sinh hoạt thiếu thốn khiến cô gái trẻ như chị gặp nhiều khó khăn. Chị luôn xác định cho mình dù có ở đâu và làm công việc gì đều phải tận tâm, tận tụy, yêu ngành yêu nghề mà mình đã lựa chọn. Với niềm tin nội tâm và bằng niềm đam mê, chị đã từng bước vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Được lãnh đạo phân công trực tiếp giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, chị bảo, mỗi vụ án là một câu chuyện với nhiều tình tiết diễn biến phức tạp. Bởi vậy, bản thân người Thẩm phán phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, kiên trì hòa giải. Trên cơ sở đó sẽ nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của từng người, tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến các mối xung đột; kiên trì giải thích, thuyết phục cho các bên hiểu được vấn đề và đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý nhất. Từ đó các bên đương sự nghe và tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, giúp cho các bên vẫn giữ được tình đoàn kết, mang lại nhiều lợi ích cho các bên đồng thời góp phần ổn định đời sống xã hội.

Chuyện về một nữ Thẩm phán vùng cao

Thẩm phán Nguyễn Thị Vân Khánh

 

Thẩm phán Nguyễn Thị Vân Khánh chia sẻ, do trình độ nhận thức của người dân về pháp luật còn hạn chế, bản thân lại không phải là người địa phương, không thạo tiếng dân tộc nên làm như thế nào để tạo được lòng tin của nhân dân vào đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đồng thời vẫn giữ được uy tín của một người Thẩm phán cầm cân nảy mực không phải dễ dàng.

Chị luôn tâm niệm, Thẩm phán phải là người thực sự có tâm và nhiệt huyết với công việc, không quản ngại khó khăn thường xuyên xuống địa bàn để tìm hiểu nguồn gốc sự việc, gần gũi với người dân, học tiếng nói của dân tộc, tìm hiểu phong tục tập quán và bản sắc văn hóa của từng địa bàn để có cơ hội gần dân và hiểu dân hơn. Như vậy khi giải quyết công việc mới thấu tình đạt lý.

Trong suốt gần 20 năm gắn bó với nghề Thẩm phán, đã tham gia giải quyết rất nhiều vụ án, có những vụ án để lại cho chị những kỷ niệm không thể quên.

Chị kể về những ngày đầu khi mới được bổ nhiệm làm Thẩm phán ngồi ghế xét xử một vụ án tranh chấp dân sự. Hôm ấy đương sự ra Tòa từ rất sớm vì nhà ở xa trung tâm huyện nên họ phải đi bộ đến từ 2 giờ sáng. Khi đến Tòa vừa đói vừa mệt, không có tiền ăn sáng nên họ bị lả đi. Cảm thương với hoàn cảnh đương sự, chị đã đưa tiền cho họ đi ăn sáng, đến khi kết thúc phiên tòa cả Hội đồng xét xử không ai nhận tiền chế độ bồi dưỡng đối với những người tham gia phiên tòa mà góp lại cho đương sự có tiền đi xe khách về.

Hay có vụ án hôn nhân gia đình do không nhất trí ly hôn nên khi ra tòa người chồng đã đuổi đánh vợ chạy quanh trụ sở. Lúc đó chưa đến giờ làm việc nên Thẩm phán và cán bộ thư ký đã phải vào can ngăn.

Theo Thẩm phán Vân Khánh, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các đương sự, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn là điểm mấu chốt giải quyết các vụ án dân sự. Đó chính là phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” như di huấn của Bác Hồ đối với cán bộ Tòa án.

Chị kể, có những vụ khi hòa giải người chồng kiên quyết xin ly hôn. Quá trình giải quyết vụ việc, chị biết người chồng rất thương con nên đã phân tích cặn kẽ, dùng tình cảm để thuyết phục. Cuối cùng họ đồng ý quay lại đoàn tụ với nhau; Có vụ tranh chấp lối đi đã qua cấp giải quyết nhưng khi nhận hồ sơ để xét xử sơ thẩm, tìm hiểu rõ được nguyên nhân sự việc, nghe tâm tư nguyện vọng của từng người, cuối cùng chị đã thuyết phục được đương sự thỏa thuận với nhau, vừa giữ được tình đoàn kết giữa các gia đình vừa chấm dứt một việc tranh chấp kéo dài nhiều năm.

 Có những vụ án phải đi xem xét, thẩm định vào ngày mưa tầm tã, vừa phải leo đồi cao vừa bị ướt, thậm chí không có chỗ để ghi biên bản...Khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng Thẩm phán Nguyễn Thị Vân Khánh cùng các đồng nghiệp ở TAND tỉnh Cao Bằng luôn nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Mỗi vụ án là một câu chuyện, người Thẩm phán được tiếp xúc với người dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ giúp họ giải quyết được những tranh chấp, tháo gỡ được những mâu thuẫn làm cho mình cảm thấy vui và yêu nghề hơn. Tuy nhiên không phải vụ án nào cũng hòa giải được, có nhiều vụ án dù Thẩm phán đã nỗ lực hết mình để hòa giải nhưng cũng không đem lại kết quả khi mà các đương sự không đồng tình và hợp tác. Những lúc như vậy, bản thân cảm thấy bị áp lực và cũng rất căng thẳng, đêm lại thao thức trăn trở để suy nghĩ tìm ra cách giải quyết đối với các vụ án đó”, Thẩm phán Vân Khánh chia sẻ.

“Nữ Thẩm phán Nguyễn Thị Vân Khánh có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chồng mất sớm vì bạo bệnh, một mình nuôi hai người con nhỏ nhưng chị vẫn luôn gương mẫu, nhiệt huyết trong công việc và giữ được uy tín của một người Thẩm phán cầm cân nảy mực”, Chánh án TAND tỉnh Cao Bằng Lưu Hương Giang cho biết. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một nữ Thẩm phán vùng cao