Các công việc chuẩn bị cho công tác hòa giải vụ án (Bài 1)

Trần Quang Huy| 11/10/2017 19:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cùng với việc ban hành Chỉ thị số 04/2017/CT-CA “Về việc tăng cường công tác hòa giải tại TAND”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã ban hành “Hướng dẫn quy trình, kỹ năng hòa giải vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”.

Đây là 1 trong 14 giải pháp quan trọng của lãnh đạo TANDTC nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Lập, nghiên cứu hồ sơ vụ án

Việc lập, nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động là một khâu rất quan trọng của quá trình tố tụng. Chánh án TANDTC yêu cầu các Thẩm phán phải thực hiện theo đúng quy định tại Chương VII về chứng minh và chứng cứ, Chương XIII về thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử của BLTTDS. Trong quá trình lập, nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán có trách nhiệm xác định đúng, làm rõ các quan hệ pháp luật tranh chấp; các yêu cầu cụ thể của các đương sự; nguyên nhân phát sinh tranh chấp; tính chất, mức độ tranh chấp; vấn đề mấu chốt của tranh chấp. Về những người tham gia tố tụng, Thẩm phán cần xác định cụ thể tư cách tham gia tố tụng của các đương sự, người tham gia tố tụng khác; quan hệ giữa các đương sự (quan hệ tình cảm, quan hệ làng xóm, láng giềng, quan hệ hợp tác kinh doanh...); tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự; quy định pháp luật là căn cứ pháp lý để giải quyết yêu cầu của đương sự và các nội dung khác.

Cùng với việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, tùy từng vụ án mà Thẩm phán phải tìm hiểu thái độ tâm lý, nhân thân của các đương sự; tiếp xúc, tác động tích cực, phân tích, giải thích đối với từng đương sự về tình tiết vụ án, tài liệu, chứng cứ, các quy định của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để các đương sự nhận thức được tính hợp pháp trong từng yêu cầu của họ, trên cơ sở đó thuyết phục các đương sự hòa giải. Ngoài ra, Thẩm phán cần tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức có chuyên môn về lĩnh vực tranh chấp; tiếp xúc, đề nghị những người có ảnh hưởng, có uy tín hoặc có khả năng vận động, thuyết phục đương sự hỗ trợ cho công tác hòa giải; tìm hiểu phong tục, tập quán liên quan đến việc giải quyết tranh chấp giữa các đương sự.

Xây dựng kế hoạch hòa giải

Khi xây dựng kế hoạch hòa giải (trừ trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải quy định tại Điều 206 hoặc trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải được quy định tại khoản 3 Điều 207 BLTTDS), Thẩm phán phải xác định nội dung hòa giải. Trong đó cần nắm rõ những vấn đề các đương sự đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất, còn tranh chấp; những vấn đề mấu chốt mà nếu tháo gỡ được sẽ tác động trực tiếp đến việc giải quyết tranh chấp giữa các đương sự. Kế hoạch hòa giải cần ưu tiên hòa giải vấn đề có mâu thuẫn lớn trước hoặc vấn đề có mâu thuẫn nhỏ trước; những yếu tố, điều kiện thuận lợi đối với từng đương sự để đạt đến sự thoả thuận; phương án tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn giữa các đương sự.

Các công việc chuẩn bị cho công tác hòa giải vụ án (Bài 1)

Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ

Khi xây dựng kế hoạch hòa giải, Thẩm phán cần dự kiến các tình huống phát sinh và phương án xử lý đối với từng vấn đề tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Trong đó, Thẩm phán phải dự tính đến sự vắng mặt của đương sự; yêu cầu mới, yêu cầu sửa đổi, bổ sung của đương sự; các tài liệu, chứng cứ được cung cấp, giao nộp; các tình huống căng thẳng, xung đột, bất hợp tác của đương sự và các vấn đề khác… Mặt khác, Thẩm phán phải xác định thành phần tham gia phiên họp theo quy định tại Điều 209 BLTTDS; sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện tổ chức có chuyên môn, chuyên gia về lĩnh vực tranh chấp tham gia phiên họp, người có uy tín, ảnh hưởng hoặc có khả năng vận động, thuyết phục các đương sự (nếu cần thiết). Thẩm phán căn cứ vào tính chất, mức độ tranh chấp, điều kiện, hoàn cảnh của các đương sự để lựa chọn thời điểm, thời gian hoà giải thích hợp đối với từng vụ án để đạt được hiệu quả hòa giải cao nhất.

Trước khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán cần bố trí phòng hòa giải chuyên dụng hoặc phòng họp khác phù hợp với số lượng người tham gia hòa giải. Sắp xếp vị trí chỗ ngồi của Thẩm phán, Thư ký, các đương sự hợp lý, tạo không khí thân thiện, cởi mở. Phòng hòa giải có thể bố trí bàn hình vuông hoặc hình chữ nhật. Thẩm phán, Thư ký ngồi cạnh nhau; phía bên phải Thẩm phán, Thư ký là chỗ ngồi của nguyên đơn; phía bên trái của Thẩm phán, Thư ký là chỗ ngồi của bị đơn; phía đối diện Thẩm phán, Thư ký là chỗ ngồi của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vụ án có đương sự là người chưa thành niên, người khuyết tật, người có nhược điểm về thể chất và tinh thần thì bố trí phòng hòa giải phù hợp với đặc điểm về thể chất và tâm lý của họ.

Khi triệu tập thành phần tham gia phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp theo quy định tại Điều 208 BLTTDS, đồng thời gửi giấy mời cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia phiên họp.

(Còn nữa)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các công việc chuẩn bị cho công tác hòa giải vụ án (Bài 1)