Bài 5- Khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Trần Quang Huy| 23/10/2018 14:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo nội dung của Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chánh án TANDTC quyết định thành lập; chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát trực tiếp của Tòa án nơi đặt Trung tâm.

Hoạt động của Trung tâm không vì mục đích lợi nhuận. Hòa giải viên, đối thoại viên không thuộc biên chế của Tòa án; thù lao của hòa giải viên, đối thoại viên được chi trả từ ngân sách Nhà nước.

Việc hòa giải, đối thoại bảo đảm các bên tự nguyện và bình đẳng

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có 6 chương, 45 điều quy định những nguyên tắc cơ bản về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; phạm vi hòa giải, đối thoại, chính sách của Nhà nước, tổ chức, hoạt động của Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên, đối thoại viên; trình tự, thủ tục, xử lý kết quả hòa giải, đối thoại; xử lý vi phạm đối với hòa giải viên, đối thoại viên và các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Phạm vi hòa giải, đối thoại được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC hoặc các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính do một hoặc các bên yêu cầu Tòa án hòa giải, đối thoại. Hoạt động hòa giải, đối thoại theo pháp luật TTDS, pháp luật TTHC không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 

Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc, hòa giải viên, đối thoại viên. Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND cấp huyện, cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở số lượng vụ việc hòa giải, đối thoại và số lượng hòa giải viên, đối thoại viên. Đối với TAND nơi chưa thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì phải có danh sách hòa giải viên, đối thoại viên thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại. Hòa giải viên, đối thoại viên phải là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được Chánh án TANDTC ra quyết định bổ nhiệm để tiến hành hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này.

Quá trình hòa giải, đối thoại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc các hình thức khác; tiến hành trong nhiều phiên, giải quyết lần lượt các yêu cầu hòa giải, đối thoại; các phiên hòa giải, đối thoại được thực hiện công khai hoặc không công khai theo thỏa thuận của các bên. Các bên có thể đề xuất, đàm phán, thống nhất về các phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện. Hòa giải viên, đối thoại viên phân tích, gợi ý, hỗ trợ các bên thống nhất các giải pháp hòa giải, đối thoại nhưng không được áp đặt. Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Việc hòa giải bảo đảm các bên tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, dựa trên sự nhượng bộ lẫn nhau. Việc đối thoại bảo đảm dân chủ, tôn trọng ý kiến của các bên; không được ép buộc các bên thực hiện việc giải quyết khiếu kiện hành chính trái với ý chí của họ. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có quyền đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại; yêu cầu hòa giải viên, đối thoại viên giữ bí mật hoặc công khai những thông tin cung cấp; được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải, đối thoại; yêu cầu Tòa án công nhận hòa giải thành, đối thoại thành. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có nghĩa vụ tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác.

Chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhà nước không thu tiền lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Khuyến khích những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tham gia làm hòa giải viên, đối thoại viên. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; kinh phí hàng năm cho công tác này do Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án TANDTC trên cơ sở số lượng vụ việc được hòa giải thành, đối thoại thành. Chánh án TANDTC quy định chi tiết về mức chi và việc quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Bài 5- Khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thẩm phán Hoa Kỳ Gordon J. Low (ngồi giữa) trao đổi kinh nghiệm với hòa giải viên, đối thoại viên

Trường hợp hòa giải thành, Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành khi có đủ các điều kiện theo quy định. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba. Quyết định công nhận hòa giải thành có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận hòa giải thành có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Trình tự, thủ tục kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật TTDS. Quyết định công nhận hòa giải thành được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Đối với đối thoại trong khiếu kiện hành chính, Tòa án ra quyết định công nhận đối thoại thành khi có yêu cầu của một trong các bên; có biên bản ghi nhận đối thoại thành. Người ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định hoặc chấm dứt hành vi hành chính và người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện. Quyết định công nhận đối thoại thành có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận đối thoại thành có thể bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm trong trường hợp có căn cứ cho rằng nội dung các bên đã thống nhất và cam kết là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Trình tự, thủ tục kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được thực hiện theo quy định của Luật TTHC. Quyết định công nhận đối thoại thành được thi hành theo pháp luật về thi hành án hành chính.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu hoà giải viên, đối thoại viên vi phạm quy định của Luật này sẽ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến xóa tên khỏi danh sách hòa giải viên, đối thoại viên; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Hàng năm, những Trung tâm hòa giải, đối thoại và hoà giải viên, đối thoại viên có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải, đối thoại sẽ được Chánh án TANDTC khen thưởng.

(còn nữa)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 5- Khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại tại Tòa án