TAND huyện Năm Căn, Cà Mau: Nữ Chánh án với bài học “gần dân, học dân”

Quang Trung| 10/12/2016 08:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2016, TAND huyện Năm Căn đã giải quyết 419 vụ án các loại. Riêng cá nhân Thẩm phán Nguyễn Thị Hiền, Chánh án TAND huyện Năm Căn đã giải quyết 161 vụ, không có án quá hạn luật định, không án bị hủy.

Với thành tích đã đạt được, Thẩm phán Hiền đã được Cụm thi đua số V chọn báo cáo điển hình tiêu biểu.

Cụ thể, Thẩm phán Hiền được giao thụ lý 162 vụ án các loại, đã giải quyết được 161 vụ, đạt tỷ lệ 99,4%, còn 1 vụ, không có án quá hạn luật định. Trong số án giải quyết, hòa giải thành 82 vụ, đạt 55,40%. Thẩm phán Hiền được Cụm thi đua số V đề nghị Chánh án TANDTC tặng “Bằng khen” đối với công tác hòa giải thành.

Thẩm phán Nguyễn Thị Hiền cho biết, đơn vị có 4 Thẩm phán, trong năm có Thẩm phán đi ôn thi cao học và nhiều Thư ký đi học trung cấp chính trị, cho nên đơn vị cũng gặp khó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vì thiếu cán bộ. Nhưng với vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo đã sắp xếp, bố trí một cách linh hoạt, khoa học phù hợp với khả năng sở trường của từng cán bộ, từ đó, mỗi cán bộ phát huy được năng lực của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đơn vị không có án quá hạn luật định, không xét xử oan, không bỏ lọt tội phạm. Không có án hủy, án sửa do lỗi chủ quan là 1,19%.

TAND huyện Năm Căn, Cà Mau: Nữ Chánh án với bài học “gần dân, học dân”

Thẩm phán Nguyễn Thị Hiền

Để giải quyết án được nhanh chóng, rút ngắn thời gian giải quyết một vụ án và tăng cường công tác hòa giải thành, Thẩm phán Hiền đã thực hiện phương châm “Dân vận trong công tác giải quyết án”. Đặc thù của Năm Căn là nơi tập trung dân cư của nhiều địa phương khác đến sinh sống, làm ăn nên tập quán của người dân không giống nhau, phần lớn trình độ văn hóa phổ thông thấp, nhận thức pháp luật không đồng đều, đặc biệt có đông đồng bào là dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, tình trạng các vụ án về hụi tạm đình chỉ nhiều do bị đơn trốn khỏi địa phương phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT, từ đó số vụ án chưa giải quyết dứt điểm do tạm đình chỉ. Với tình hình trên, trong quá trình giải quyết án, Thẩm phán phải tăng cường trách nhiệm của mình. Ngoài sự tuân thủ pháp luật nói chung, bản thân Thẩm phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của tranh chấp, phải hiểu được đương sự trong vụ án họ mong muốn điều gì khi kết thúc vụ án. Từ việc làm tốt công tác dân vận nên trong năm 2016, đơn vị đã giải quyết được 125 vụ án về tranh chấp hụi.

Có thể, mỗi Thẩm phán sẽ có một kỹ năng xét xử khác nhau nhưng làm thế nào cũng phải tuân thủ đúng luật, phải áp dụng pháp luật thống nhất và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử, giải quyết án, Thẩm phán chỉ cần làm thế nào để “dân tin, dân theo” là đã làm tốt công tác dân vận. Những cách nói, cách làm tưởng chừng như đơn giản nhưng nó thật khó trong thực tế đối với người làm công tác xét xử, phải làm sao dung hòa được lý và tình. Trong xét xử phải luôn công tâm, khách quan, đặt hết trách nhiệm, ứng xử ân cần, thân thiện, trong mỗi phán quyết mang tính chuẩn mực nhưng giúp dân dễ hiểu, mang tính khả thi cao đó là tất cả nghệ thuật” của mỗi Thẩm phán mà không có trường lớp, thầy cô nào đào tạo riêng. Mỗi Thẩm phán chỉ học và duy nhất có được, đó là “học dân”.

Với những cố gắng, nỗ lực trong năm qua với vai trò Thẩm phán; đồng thời thực hiện chức trách quản lý, lãnh đạo, tập thể đơn vị và bản thân Thẩm phán Nguyễn Thị Hiền đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giải quyết án đạt về số lượng và chất lượng. Bản thân Thẩm phán nhận thấy được giá trị sâu sắc nhất của bài học “gần dân”, nó thực đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác xét xử, giải quyết án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Năm Căn, Cà Mau: Nữ Chánh án với bài học “gần dân, học dân”