TAND hai cấp tỉnh Điện Biên: Điểm sáng nơi biên giới

Trung Thành| 05/06/2016 06:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong suốt những năm vừa qua, tập thể cán bộ, công chức TAND tỉnh Điện Biên luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trên một vùng biên giới.

Điện Biên là một tỉnh miền núi phía Bắc, tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc, có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó phần lớn là dân tộc thiểu số nên trình độ, hiểu biết về kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế, không đồng đều. Trong mấy năm vừa qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là nhóm tội phạm về ma túy.

Đứng trước tình hình đó, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Điện Biên thường xuyên quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt chú trọng đến công tác xét xử các loại án phải đảm bảo kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xét xử oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm, chất lượng xét xử, giải quyết án ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, nhận thức được sâu sắc vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị, trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống TAND, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Điện Biên thường xuyên chỉ đạo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của cơ quan tổ chức thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; triển khai và quán triệt việc thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của địa phương và của lãnh đạo TANDTC đến từng đơn vị và cán bộ, công chức.

TAND hai cấp tỉnh Điện Biên: Điểm sáng nơi biên giới

Chất lượng xét xử của TAND tỉnh Điện Biên ngày càng được nâng cao

Nhờ vậy, các phong trào thi đua yêu nước của TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã có những chuyển biến quan trọng và toàn diện về cả nội dung và hình thức, tạo sức lan tỏa sâu rộng, tới từng tập thể, từng cá nhân thực sự là động lực thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của hệ thống TAND và của tỉnh Điện Biên. Các phong trào thi đua đó đều gắn với chủ đề xuyên suốt là “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, gắn công tác thi đua khen thưởng với việc nâng cao chất lượng và tiến độ giải quyết các loại án.

Trong giai đoạn thi đua từ năm 2010 đến 2015, TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã thụ lý 7.137 vụ, việc các loại; đã giải quyết 6.965 vụ, việc; đạt tỷ lệ 97,6%. Trong đó, án hình sự thụ lý 3.942 vụ, đã giải quyết 3918 vụ đạt tỷ lệ 99,3%; án dân sự thụ lý 662 vụ, giải quyết 595 vụ, đạt 90%; án hành chính, lao động, kinh doanh thương mại thụ lý 74 vụ, giải quyết 64 vụ, đạt 86%; giám đốc thẩm thụ lý 5 vụ, giải quyết 5 vụ, đạt tỷ lệ 100%. Công tác thi hành án hình sự đã ra quyết định thi hành án đối với 5.224/5.224 người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật. Xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù 14 đợt cho 2.316 phạm nhân.

Trên cơ sở phong trào thi đua, từ đầu mỗi năm công tác, TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh xây dựng và nhân điển hình tiên tiến. Để tạo sức lan tỏa cho phong trào, lãnh đạo đơn vị cũng luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng gương điển hình thông qua việc biểu dương, khen thưởng tại các đợt sơ kết, tổng kết phong trào thi đua hàng năm, thi đua ngắn ngày, tại các hội nghị và các cuộc họp giao ban. Nhiều tập thể, cá nhân chủ động đăng ký phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến.

Nhằm phát huy những thành quả đã đạt được để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2016 và những năm tiếp theo, lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Điện Biên cũng đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức tiếp tục bồi dưỡng, nhằm nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; tiếp tục triển khai thực hiện, phấn đấu đưa các phong trào thi đua trở thành động lực thúc đẩy và khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND hai cấp tỉnh Điện Biên: Điểm sáng nơi biên giới