Nơi gửi gắm niềm tin công lý

Nguyễn Thị Lụa - Chánh án TAND tỉnh Lai Châu| 12/09/2016 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau Cách mạng Tháng Tám, tỉnh Lai Châu được chia tách, sáp nhập vào nhiều đơn vị hành chính khác nhau. Theo đó, công tác Tòa án đều do Tòa án Liên khu Tây Bắc, Khu Tây Bắc, Khu tự trị Thái mèo đảm nhiệm.

Đến năm 1963, sau khi tỉnh Lai Châu được tái lập lại, hệ thống TAND tỉnh cũng được thành lập và tiếp tục thực hiện chức năng xét xử các loại án, thi hành án hình sự, dân sự và công tác tư pháp theo quy định của pháp luật. Từ đó đến nay, TAND tỉnh không ngừng kiện toàn tổ chức, xây dựng và phát triển.

Gian khó những ngày đầu

Những ngày đầu thành lập, ngành TAND tỉnh Lai Châu gặp muôn vàn khó khăn do đội ngũ cán bộ vừa yếu, vừa thiếu; cơ sở vật chất chưa có gì; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm xét xử của đội ngũ cán bộ còn rất hạn chế. Biên chế của TAND cấp tỉnh thời kỳ đó chỉ có 4 Thẩm phán, TAND cấp huyện chỉ có Chánh án vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp xét xử. Tuy ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển có những khó khăn nhất định nhưng TAND hai cấp tỉnh Lai Châu luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp rất lớn vào đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XI về điều chỉnh địa giới hành chính và chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên, ngày 20/1/2004, TAND tỉnh Lai Châu cũng được chia tách và tái thành lập. Sau thành lập, TAND hai cấp tỉnh Lai Châu (mới) chỉ có 6 đơn vị trực thuộc, với 67 cán bộ, trong đó. Ở TAND tỉnh có 10 cán bộ được điều động từ TAND tỉnh Lai Châu cũ, điều kiện và trang thiết bị làm việc nghèo nàn, thiếu thốn.

Nơi gửi gắm niềm tin công lý

 Chánh án TAND tỉnh Lai Châu Nguyễn Thị Lụa

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, TAND hai cấp tỉnh Lai Châu đã tranh thủ sự lãnh đạo và giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và Tòa án tối cao từng bước kiện toàn ổn định bộ máy Tòa án các cấp; điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ của ngành... Nhờ  đó, TAND hai cấp tỉnh Lai Châu đã có những bước phát triển vững chắc, hệ thống Tòa án các cấp hoạt động ổn định và hiệu quả. Đến nay, TAND tỉnh đã có 6 tòa, phòng; cấp huyện, thành phố có 8 đươn vị TAND. Hai cấp Tòa án có 111 cán bộ, trong đó có 33 Thẩm phán, 13 Thẩm tra viên, 40 thư ký và 25 chức danh khác. Hiện nay, TAND hai cấp tỉnh Lai Châu vẫn đang tiếp tục cử nhiều cán bộ đi đào tạo trên đại học, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ nhằm từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới.

Cùng với công tác kiện toàn tổ chức và cán bộ, TAND hai cấp tỉnh Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp hiệp thương nhân sự, tham mưu và đề nghị HĐND các huyện, thành phố bầu được 153 vị Hội thẩm nhân dân (HTND). Qua tham gia hoạt động xét xử, các vị HTND đã phát huy dân chủ trong tranh tụng, nêu cao vai trò trách nhiệm trong các phiên tòa, góp phần giúp chủ tọa phiên tòa phán quyết đúng người, đúng tội, không để oan sai, bỏ lọt người phạm tội.

Để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, thi hành các bản án và tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, TAND hai cấp tỉnh Lai Châu thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật đưa ra xét xử các vụ án đảm bảo đúng người, đúng tội, dân chủ, công minh, khách quan, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm; trừng trị đích đáng và nghiêm minh những người cố ý phạm tội, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; luôn khoan hồng, giảm nhẹ tội cho những người biết ăn năn, hối cải.

Ngày càng trưởng thành và vững mạnh

Từ năm 2004 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Lai Châu đã thụ lý và xét xử 8.255 vụ án các loại (bình quân 800 - 1.100 vụ án/năm). Trong đó, án hình sự 5.863 vụ/ 8.816 bị cáo; án tranh chấp dân sự và vụ việc dân sự 590 vụ việc; án hôn nhân và gia đình 1.763 vụ việc; án hành chính, kinh tế và lao động 39 vụ. Nhiều vụ án lớn, án điểm đưa ra xét xử và trừng trị nghiêm minh được dư luận quần chúng quan tâm và đồng tình ủng hộ…

Cùng với công tác xét xử, TAND hai cấp tỉnh Lai Châu luôn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân qua các phiên tòa xét xử lưu động tại các khu vực biên giới, các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo bình yên cuộc sống, xứng đáng là nơi gửi gắm niềm tin công lý cho nhân dân.

Ngoài ra, TAND hai cấp tỉnh Lai Châu thường xuyên quan tâm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng trong cán bộ, đảng viên. Luôn đấu tranh phòng chống tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, các biểu hiện tiêu cực trong thực thi công việc để xây dựng TAND hai cấp tỉnh Lai Châu ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là cơ quan công lý, thực thi pháp luật.

Ghi nhận những thành tích đạt được, trong những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân của TAND hai cấp tỉnh Lai Châu được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh án TANDTC tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì, Cờ thi đua xuất sắc, bằng khen, chiến sỹ thi đua ngành, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở…

Kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống TAND các cấp, 54 năm Ngày thành lập TAND tỉnh và đặc biệt là kết quả sau hơn 12 năm chia tách và thành lập TAND tỉnh Lai Châu mới, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TAND hai cấp tỉnh Lai Châu luôn trân trọng và thật đáng tự hào. Những kết quả đạt được là sự khuyến khích, động viên và là những phần thưởng cao quý. Điều này đã minh chứng TAND hai cấp tỉnh Lai Châu đã có nhiều bước tiến vượt bậc.

Để tiếp tục xây dựng TAND hai cấp tỉnh Lai Châu vững mạnh về mọi mặt, từng bước đáp ứng với yêu cầu hội nhập và phát triển, TAND hai cấp tỉnh Lai Châu tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức Tòa án các cấp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giỏi về nghiệp vụ, vững về chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Thẩm phán, thư ký và các chức danh tư pháp khác. Không ngừng nâng cao chất lượng xét xử các vụ án theo tinh thần cải cách tư pháp, phấn đấu giải quyết, xét xử các vụ án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan người không có tội, không bỏ lọt tội phạm. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với thi đua thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chi Minh là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn liền với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, góp phần xây dựng hệ thống TAND tỉnh Lai Châu trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi gửi gắm niềm tin công lý