Việc giám định hàm lượng ma túy là cần thiết

Bùi Thị Minh, Phó Chánh tòa Tòa hình sự TANDTC| 23/01/2015 10:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc giám định chất ma túy theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP bảo đảm tính đúng đắn, khoa học, được thể hiện rõ ràng, phù hợp với quy định của BLHS, Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật có liên quan.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống ma túy thì:

(1) Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

(2) Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

(3) Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

(4) Tiền chất là các hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.

(5) Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong các danh mục do Bộ Y tế ban hành, có chứa các chất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

(6) Cây có chứa chất ma tuý bao gồm cây thuốc phiện (cây anh túc), cây côca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định.

Trong Danh mục chất ma túy ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ thì chất ma túy bao gồm nhiều loại chất gây nghiện, chất hướng thần khác nhau; mỗi loại có cấu tạo, thành phần, mức độ nguy hiểm khác nhau, từ đó các biện pháp quản lý, kiểm soát và xử lý đối với người vi phạm cũng khác nhau.

Theo quy định tại Chương XVIII của Bộ luật Hình sự thì có một số loại thảo mộc có chứa chất ma túy như: Lá, hoa, quả cây cần sa; lá côca; quả thuốc phiện; có những chất ma túy được tinh chế qua quá trình sản xuất như: Hêrôin, Côcain, nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, các chất ma túy khác ở thể rắn và thể lỏng. Tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của từng loại ma túy, khung hình phạt áp dụng tương ứng với trọng lượng của từng loại chất ma túy được quy định khác nhau. Ví dụ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 194 của Bộ luật Hình sự thì người mua bán trái phép quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ 50kg đến dưới 150kg thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm; nếu chất ma túy là Hêrôin thì trọng lượng quy định là từ 30g đến dưới 100g. Như vậy, việc xác định loại chất ma túy, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy trong các vụ án về ma túy là rất quan trọng và là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.4 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 17) thì: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma tuý hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma tuý, tiền chất. Nếu chất được giám định không phải là chất ma tuý hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma tuý hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, thì tuỳ hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma tuý.

Việc giám định hàm lượng ma túy là cần thiết

Bà Bùi Thị Minh trình bày tham luận tại Hội nghị

Trường hợp một người biết là chất ma tuý giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma tuý thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma tuý mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự, nếu thoả mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này”.

Tại tiết a và b tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 17 cũng đã hướng dẫn:

“a) Đối với các chất ma tuý ở thể rắn được hoà thành dung dịch (như dung dịch thuốc phiện, dung dịch hêrôin dùng để tiêm, chích) hoặc chất ma tuý ở thể lỏng đã được pha loãng để tiện cho việc sử dụng thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma tuý ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng moocphin trong dung dịch để tính trọng lượng của chất ma tuý đó.

b) Đối với xái thuốc phiện thì không coi là nhựa thuốc phiện mà phải xác định hàm lượng moocphin trong xái thuốc phiện để tính trọng lượng của thuốc phiện”.

Có thể nói, yêu cầu về giám định chất ma túy theo các hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 nêu trên đã bảo đảm tính đúng đắn, khoa học và được thể hiện rõ ràng; hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, đã qua 7 năm, các hướng dẫn nêu trên vẫn chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng quán triệt và thực hiện đúng. Đến nay, thực hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013 không cho phép tiếp tục vi phạm.

Ngày 17/9/2014, TANDTC đã ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS yêu cầu các TAND và Tòa án quân sự cần quán triệt và thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17, đó là: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma tuý hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma tuý, tiền chất...”. Theo đó, khi xét xử các vụ án về các tội phạm về ma túy thì phải có kết quả trưng cầu giám định hàm lượng ma túy trong các chất thu giữ được nghi là ma túy để  lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo, bảo đảm việc xét xử khách quan, chính xác. Nội dung của Công văn số 234/TANDTC-HS nêu trên không phải là hướng dẫn mới gây cản trở hoạt động tố tụng như một số thông tin đã đưa ra mà chỉ là văn bản quán triệt, yêu cầu các Tòa án thực hiện đúng hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17 của liên ngành tư pháp Trung ương.

Theo Từ điển tiếng Việt thì hàm lượng là “lượng của một chất chứa trong một hỗn hợp hoặc trong một chất nào đó, tính bằng phần trăm (%)”. Như vậy, có thể hiểu hàm lượng chất ma túy là phần trăm chất ma túy có trong chất nghi là ma túy được giám định. Ví dụ: Tang vật nghi là chất ma túy thu giữ được có trọng lượng là 1.000g; kết quả giám định có 5% là Hêrôin thì trọng lượng Hêrôin được xác định sẽ là 1.000g x 5% = 50g. Nếu cho rằng trọng lượng Hêrôin thu được là 1.000g thì Tòa án sẽ xử bị cáo ở mức án tử hình; nếu xác định chính xác chỉ có 50g Hêrôin thì bị cáo chỉ bị xét xử tối đa là 20 năm tù.

Tại Công văn số 20542/QLD-KD ngày 25/11/2014 của Cục quản lý dược, Bộ Y tế gửi TANDTC cũng đã xác định về sự cần thiết phải giám định để xác định loại ma túy, hàm lượng và trọng lượng ma túy khi giải quyết các vụ án về ma túy. Thực tế hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật ở một số địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác giám định; đặc biệt là ở những khu vực xa trung tâm nên đã nảy sinh những khó khăn, lúng túng trong việc giám định hàm lượng chất ma túy. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người. Bởi vậy, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử luôn phải đảm bảo sự công bằng, công lý và vì quyền con người.

Những khó khăn, bất cập trong công tác giám định chất ma túy cần phải được giải quyết theo hướng tăng cường năng lực cho các cơ quan có chức năng giám định trong tố tụng hình sự, đặc biệt là việc trang bị máy móc, phương tiện kỹ thuật và đào tạo nghiệp vụ. Có thực hiện nghiêm việc giám định hàm lượng chất ma túy theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 thì Tòa án mới có căn cứ để tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc giám định hàm lượng ma túy là cần thiết