Vị Thẩm phán hòa giải thành nhiều vụ án hôn nhân

Tống Toàn| 11/02/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trò chuyện với Thẩm phán Nguyễn Văn Chiến, Phó Chánh án TAND TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang mới phần nào hiểu được nỗi vất vả của người chuyên giải quyết án hôn nhân và gia đình…

Có thể nói, hòa giải có ý nghĩa vô cùng to lớn, làm cho những tranh chấp, mâu thuẫn được dập tắt hoặc không vượt quá giới hạn sự nghiêm trọng, giúp cho các bên tránh được một sự xung đột gay gắt, dẫn đến hậu quả không thể lường trước được. Chính vì vai trò to lớn này, nên trong quy định pháp luật thường đặt ra vấn đề hòa giải trong giải quyết các tranh chấp.

Trong giải quyết án kiện về hôn nhân và gia đình cũng vậy, ông Chiến khẳng định, việc hòa giải để vợ chồng đoàn tụ càng có ý nghĩa sâu sắc hơn và là vấn đề cốt lõi, mục đích chủ yếu mà Luật Hôn nhân và gia đình hướng tới. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của nội dung này nên khi giải quyết án ông luôn quan tâm và chú ý khai thác các khía cạnh mâu thuẫn, để giải quyết thành công nhiều vụ kiện, nhằm tạo điều kiện để vợ chồng không còn xung đột gay gắt.

Ông tâm sự, trong 5 năm qua, dù là một thành viên trong Ban lãnh đạo của TAND TP. Rạch Giá bận nhiều việc, lại được giao nhiều nhiệm vụ khác nhưng ông đã trực tiếp tham gia giải quyết, xét xử được 1.169 vụ việc các loại. Trong số án này chủ yếu là về hôn nhân và gia đình. Bình quân mỗi tháng, ông đã giải quyết được 19,48 vụ việc/tháng, chủ yếu bằng những giải pháp, kinh nghiệm và cách làm như đã nêu trên. Đặc biệt, ông đã hòa giải thành được 719/1.169 vụ án các loại, chiếm tỷ lệ 61,5%. Trong đó hòa giải đoàn tụ thành được 187/807 vụ án hôn nhân và gia đình, chiếm tỷ lệ 23,1%.

Vị Thẩm phán hòa giải thành nhiều vụ án hôn nhân

Phó Chánh án TAND TP. Rạch Giá Nguyễn Văn Chiến

Theo ông Chiến, trong án hôn nhân và gia đình, đây là một quan hệ pháp luật nhạy cảm, vì những người đang tranh chấp là vợ - chồng, họ có một thời yêu thương, dám hy sinh cho nhau tất cả. Nhưng, vì một lý do nào đó trong cuộc sống, họ đã quay mặt với nhau.

Trong những vụ án hòa giải đoàn tụ thành, ông Chiến nhớ nhất là vụ nguyên đơn Nguyễn Thị Lan, SN 1965; bị đơn là Trần Minh Ái, SN 1960; cả anh chị đều sinh sống tại TP. Rạch Giá. Hai người có một người con gái 5 tuổi. Lý do chị Lan xin ly hôn vì anh Ái thường xuyên đi nhậu, thiếu trách nhiệm của người làm chồng, làm cha, bỏ bê gia đình. Sở dĩ ông đặc biệt nhớ vụ kiện này là bởi ông kiên trì hòa giải, còn chị Lan kiên quyết ly hôn, thậm chí chị còn dọa nếu Tòa không xử cho chị ly hôn sớm, chị sẽ tự tử và Tòa án phải chịu trách nhiệm.

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa xuất phát từ đâu dẫn đến mâu thuẫn, ông đã làm việc với từng bên, kiên trì tìm hiểu cặn kẽ và phát hiện ra nguyên nhân đích thực là do anh Ái có qua lại với người phụ nữ khác. Từ đó, anh Ái thường xuyên kiếm cớ đi nhậu, không về nhà. Tuy nhiên, chị Lan cũng có lỗi khi sống thiếu trách nhiệm trong việc gia đình và nuôi dạy con cái, thường xuyên đi chơi với bạn bè. Vì thế, ông Chiến đã làm việc riêng với anh Ái, phân tích để anh hiểu thấu tình đạt lý, về trách nhiệm làm cha, khi tạo ra con cái thì phải có bổn phận nuôi dưỡng, giáo dục cho con nên người. Gia đình nên cơ sự thế này cũng do lỗi của anh gây nên. Về phía chị Lan, ông Chiến cũng phân tích cho chị thấy trách nhiệm của người vợ, người mẹ, nhưng chị chưa hoàn thành. Mặt khác, do nắm bắt được việc anh Ái rất thương con và sợ người mẹ ruột nên ông đã vận dụng điểm yếu này mà tác động vào. Đối với con anh Ái, khi hòa giải, ông yêu cầu chị Lan dẫn cháu vào phòng làm việc để cháu tâm sự với ba, để làm rung động tình phụ tử, mẫu tử. Qua người mẹ anh Ái, ông cũng nhờ bà can thiệp, tác động vào.

Sau một thời gian kiên trì thuyết phục, ông đã khiến anh Ái không chịu ly hôn mà xin đoàn tụ. Còn chị Lan, ông đã phân tích cho chị hiểu được hôn nhân và hạnh phúc, khi một người chồng thấy sai và rất cần chị tha thứ, nó cũng là phần quà cho con của anh chị. Cuối cùng, anh Ái phải xin lỗi chị Lan và cam kết không mắc sai lầm nữa, cùng chị lo làm ăn và nuôi dạy con cái nên người. Chị Lan đã đồng ý tha thứ cho anh Ái và hai người trở về đoàn tụ. Đến nay, anh chị chung sống với nhau thật hạnh phúc và sinh thêm một cháu trai. Kể đến đây, ông Chiến cười tươi khi góp phần không nhỏ vào việc cứu một sắp gia đình đổ vỡ, nếu điều đó xảy ra, không biết đến nay sự thể sẽ thế nào?

Hàng năm, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tỷ lệ giải quyết án đều đạt và vượt chỉ tiêu thi đua của Tòa án đề ra. Nhiều năm liền ông được Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, riêng năm 2009 được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua TAND”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị Thẩm phán hòa giải thành nhiều vụ án hôn nhân