Thẩm quyền của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong BLTTHS vẫn còn nhiều hạn chế

Trần Quang Huy| 15/10/2015 16:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLTTHS hiện hành chưa thể hiện sự kiểm soát giữa cơ quan thực hiện quyền tư pháp với các cơ quan hoạt động tư pháp.

Tòa án chỉ được yêu cầu mà không có quyền quyết định, nên không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, không bảo đảm cho Tòa án thực hiện đầy đủ quyền tư pháp.

Thẩm quyền của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo BLTTHS hiện hành

Thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua cho thấy, thẩm quyền của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ được quy định trong BLTTHS năm 2003 còn có nhiều hạn chế, chưa mở rộng quyền hạn và tạo điều kiện cho Tòa án được quyết định một số vấn đề trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa. Cụ thể là theo Điều 10 BLTTHS về xác định sự thật của vụ án quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng”. Theo quy định này thì 3 cơ quan tiến hành tố tụng đó là: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm chứng minh tội phạm.

Đối với Tòa án, Điều 38 BLTTHS quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án. Điều 39 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán trong nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà; tham gia xét xử các vụ án hình sự; tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà… Điều 40 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội thẩm trong nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà; tham gia xét xử các vụ án hình sự; tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử….

Bên cạnh đó, tại Điều 64 BLTTHS cũng quy định về chứng cứ mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định bị cáo có hay không có hành vi phạm tội. Điều 65 về thu thập chứng cứ, quy định: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày những vấn để có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án…

Thẩm quyền của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong BLTTHS vẫn còn nhiều hạn chế

TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án hình sự Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm

Các điều luật trên thể hiện Tòa án có quyền xác minh, thu thập chứng cứ và khởi tố vụ án; cũng vì mục đích đi tìm sự thật khách quan của vụ án nên việc xét xử của Tòa án chính là sự tiếp tục điều tra. Điều 104 BLTTHS cũng quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử vụ án hình sự có quyền: Ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra. Thông qua việc tranh tụng và thẩm vấn công khai tại phiên tòa, những chứng cứ thu được là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xác định bị cáo có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc có hành vi phạm tội hay không.

Những hạn chế của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ

Theo các quy định của BLTTHS hiện hành thì Tòa án chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu điều tra bổ sung theo các Điều 179, 199 BLTTHS. Còn việc điều tra, thu thập chứng cứ của Tòa án là tại phiên tòa; Tòa án phải triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa để điều tra công khai. Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử cũng có quyền xem xét tại chỗ theo Điều 213: “Nếu xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm những người tham gia phiên tòa về những vấn để có liên quan đến những nơi đó..”.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong thời gian chuẩn bị xét xử, hoặc trong giai đoạn xét xử, Thẩm phán và Hội đồng xét xử thấy cần phải điều tra bổ sung các chứng cứ quan trọng để xác định bị cáo có tội hay không có tội hoặc cần khởi tố, truy tố thêm người phạm tội, thêm hành vi phạm tội, nhưng Viện kiểm sát không chấp nhận hoặc chỉ làm thêm một số vấn đề nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu của Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử thì Tòa án vẫn phải tiến hành xét xử vụ án theo khoản 2 Điều 179 BLTTHS và Thẩm phán phải triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa. Hiện nay, việc triệu tập những người làm chứng, người biết những tình tiết liên quan đến vụ án là hết sức khó khăn vì đa số những người được triệu tập không muốn liên lụy đến vụ án. Có nhiều trường hợp do bị đe dọa, sợ bị trả thù, thậm chí bị mua chuộc, do nể nang là họ hàng, bạn bè, làng xóm thân thích nên người làm chứng không muốn có mặt để khai báo ở phiên tòa. Khi triệu tập không được, Thẩm phán ra lệnh áp giải thì không ít trường hợp Công an lập biên bản và xác định họ đi làm, gia đình không biết hiện ở đâu. Mặt khác, có nhiều vụ án, tại phiên tòa, bị cáo cho rằng mình bị ép cung, buộc phải nhận tội; lời khai tại Cơ quan điều tra mâu thuẫn với lời khai tại phiên tòa nhưng Hội đồng xét xử không làm rõ được có bị ép cung hay không nên gặp khó khăn trong việc đánh giá vụ án một cách khách quan, dễ dẫn đến bỏ lọt người phạm tội, làm oan người vô tội.

Do Tòa án không thể điều tra làm rõ ở phiên tòa; các tài liệu, chứng cứ không được thẩm tra, việc xem xét tại chỗ cũng khó có thể thực hiện được, đặc biệt là đối với các vụ án bị cáo kêu oan và hậu quả là Tòa án có thể tuyên bị cáo không phạm tội, nên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị hại. Nếu vụ án có kháng cáo, kháng nghị có thể bị hủy để điều tra lại làm cho vụ án bị kéo dài thời hạn tố tụng, gây tốn kém thời gian, kinh phí của Nhà nước và nhân dân. Trong trường hợp Thẩm phán yêu cầu khởi tố thêm người phạm tội, thêm hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát không chấp nhận có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm; nếu cấp sơ thẩm không giải quyết thì cấp phúc thẩm có thể cũng không được giải quyết mà phải giải quyết ở cấp giám đốc thẩm, hủy án để điều tra xét xử lại cũng làm cho vụ án kéo dài. Hoặc trường hợp bị cáo kêu oan mà xét xử trên hồ sơ thì Hội đồng xét xử khó mà đánh giá được tính khách quan, toàn diện của vụ án.

Do đó, có thể nói BLTTHS hiện hành chưa thể hiện sự kiểm soát giữa cơ quan thực hiện quyền tư pháp với cơ quan hoạt động tư pháp. Tòa án chỉ được yêu cầu mà không có quyền quyết định, nên không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, không bảo đảm cho Tòa án thực hiện đầy đủ quyền tư pháp. Để đảm bảo cho TAND thực hiện nhiệm vụ hiến định là bảo vệ công lý thì Tòa án phải kiểm soát toàn bộ quá trình TTHS từ khi khởi tố cho đến khi tuyên án. Tòa án phải có quyền tự điều tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ để từ đó phát hiện và khắc phục việc điều tra sai, truy tố sai (nếu có). Theo đó, khi Tòa án đã yêu cầu điều tra bổ sung mà VKSND, Cơ quan Điều tra chưa đáp ứng được yêu cầu điều tra bổ sung thì khi nhận lại hồ sơ để xét xử, Tòa án có quyền chủ động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ và có quyền khởi tố vụ án nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan Điều tra để điều tra, Viện kiểm sát truy tố trước Tòa án. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm quyền của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong BLTTHS vẫn còn nhiều hạn chế