TAND TP Hà Nội sơ kết triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại

Mai Đỉnh| 04/04/2019 23:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 4/4, TAND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết, thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp TP Hà Nội.

Tham dự hội nghị có đồng chí Tống Anh Hào, Thẩm phán TANDTC, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, nguyên Phó Chánh án TANDTC; đồng chí Nguyễn Hữu Chính, Thành ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND TP Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Cùng dự còn có các đại biểu đại diện cho các ban, ngành của Trung ương và Thành phố; các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc, hòa giải viên, đối thoại viên, Thư ký của 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP Hà Nội.

TAND TP Hà Nội sơ kết triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại

Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào đánh giá cao những thành tích mà các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Hà Nội đạt được trong thời gian qua.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết: Ngày 01/11/2018, Chánh án TAND TP Hà Nội ban hành Quyết định thành lập 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP Hà Nội và TAND các quận, huyện; với 85 đồng chí hòa giải viên, đối thoại. Đến nay, sau 3 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ, về cơ bản các đồng chí Hòa giải viên, Đối thoại viên đều có phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại tốt; tâm huyết, nhiệt tình với công tác hòa giải đối thoại.

Để hướng dẫn quy trình, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng hòa giải, đối thoại cho các hòa giải viên, đối thoại viên, bên cạnh các Hội nghị tập huấn do TANDTC tổ chức, TAND TP Hà Nội cũng đã chủ động triển khai trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và tiếp tục quán triệt một số nội dung cần lưu ý trong quá trình tổ chức hoạt động của các trung tâm hòa giải, đối thoại. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về việc triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại đến nhân dân cũng được TAND TP Hà Nội quan tâm triển khai thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

TAND TP Hà Nội sơ kết triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính phát biểu tại Hội nghị

Tính đến ngày 15/3/2019, 16 trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP Hà Nội đã tiếp nhận 5.422 đơn khởi kiện các loại do Tòa án chuyển sang; đã thụ lý 4.189 đơn đủ điều kiện giải quyết tại trung tâm; đã giải quyết 3.197 đơn (hòa giải, đối thoại thành: 2.174 vụ việc; hòa giải, đối thoại không thành 1.174 vụ việc). Tỷ lệ hòa giải thành trên tổng số đơn đã giải quyết đạt 68%.

Triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại TP Hà Nội, mặc dù gặp không ít khó khăn về số lượng vụ việc thụ lý nhiều, tính chất vụ việc, thời gian triển khai gấp nhưng với tinh thần cố gắng, quyết tâm cao, việc triển khai thí điểm đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ và kịp thời. Một số đơn vị giải quyết được rất nhiều đơn và tỷ lệ hòa giải thành cao, điển hình như: Hoàng Mai, hòa giải thành 364 đơn (tỷ lệ hòa giải thành trên tổng số đơn đã giải quyết đạt 85, 65%); Long Biên, hòa giải thành 223 đơn (tỷ lệ hòa giải thành trên tổng số đơn đã giải quyết đạt 87, 11%).

TAND TP Hà Nội sơ kết triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại

Đồng chí Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội báo cáo tại Hội nghị

Các hòa giải viên, đối thoại viên đã nhanh chóng tiếp thu quy trình, quy định về hòa giải, đối thoại theo hướng của TANDTC, tiếp thu kinh nghiệm của các đồng chí Thẩm phán TANDTC và chuyên gia quốc tế, nhiều vụ sau khi hòa giải, đương sự đã cảm ơn về sự tận tâm cũng như kỹ năng hòa giải của hòa giải viên. Đây là những kết quả bước đầu đáng khích lệ khi lần đầu tiên mô hình này được triển khai thí điểm hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội. 

Đạt được những kết quả trên trước hết là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo TANDTC, Thường trực Thành ủy Hà Nội, sự giúp đỡ nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của chuyên gia quốc tế, sự cố gắng của các đơn vị, cá nhân được giao thực hiện thí điểm, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của các hòa giải viên, đối thoại viên với quyết tâm cao, mong muốn góp phần vào việc thực hiện thành công đề án thí điểm tại Hà Nội.

TAND TP Hà Nội sơ kết triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại

Quang cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc gặp phải như: Với đặc thù của Thủ đô, lượng đơn đầu vào lớn, các quan hệ pháp luật phức tạp trong khi số lượng hòa giải viên, đối thoại viên còn hạn chế nên làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết đơn. Ngoài ra, các Thư ký của Trung tâm hòa giải, vừa phải tiến hành tống đạt, vừa ghi biên bản và làm báo cáo số liệu, khối lượng công việc phải thực hiện là rất lớn, trong khi số lượng Thư ký còn hạn chế; kinh phí để chi cho Thư ký không có nên cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hay việc hòa giải, đối thoại đang trong quá trình thí điểm, chưa có luật riêng nên quy trình hòa giải, ban hành quyết định hòa giải thành sau khi ra biên bản hòa giải thành tại Trung tâm còn chưa đồng nhất với Luật tố tụng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào đã biểu dương những kết quả mà các Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND hai cấp TP Hà Nội đã đạt được, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo cán bộ hệ thống Tòa án đã tham gia tích cực cùng các Hòa giải viên, Đối thoại viên tại các trung tâm hòa giải, đối thoại trong thời gian qua. 

Cùng với đó, đồng chí Tống Anh Hào cũng lưu ý, giải thích và đưa ra một số yêu cầu về kỹ năng cần thiết đối với hòa giải viên, đối thoại viên trong quá trình tiếp xúc làm việc với đương sự cần nhận thức đầy đủ và làm theo bằng những hành động thiết thực nhất, luôn tôn trọng, lắng nghe các bên đương sự tùy theo vụ việc cụ thể.

Luôn chủ động nắm bắt thông tin, bản chất vụ việc trước khi thực hiện quy trình hòa giải, đối thoại. Cần phân tích, giải thích để các bên đương sự nhận thức rõ đúng sai mà rút đơn khởi kiện hoặc rút quyết định hành chính, hành vi hành chính nhằm hạn chế các vụ việc tranh chấp phải đưa ra xét xử. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các tổ chức cá nhân hiểu rõ hơn mục đích ý nghĩa, tác dụng của hoạt động hòa giải, đối thoại. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND TP Hà Nội sơ kết triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại