Luật Tố tụng hành chính 2015: Quy định mới về thẩm quyền của Tòa án, người tiến hành tố tụng

Phương Nam| 21/11/2016 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức TAND 2014, Luật TTHC 2015 quy định bổ sung về thẩm quyền của Tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng...

Nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Luật TTHC 2010 không quy định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý. Luật TTHC 2015 bổ sung quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án. Nội dung nguyên tắc này là:

Cơ quan tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp, tạo điều kiện, cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để trợ giúp pháp lý (Khoản 1 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý);

Thẩm phán có nhiệm vụ giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý (Khoản 6 Điều 38);

Khi người được trợ giúp pháp lý yêu cầu cử người tham gia tố tụng, trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng (Khoản 1 Điều 39 Luật Trợ giúp pháp lý);

Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (điểm b Khoản 2 Điều 61).

 Về nguyên tắc tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính, Luật TTHC 2010 không quy định về việc sử dụng ngôn ngữ của người tham gia tố tụng hành chính là người khuyết tật. Luật TTHC 2015 bổ sung quy định người tham gia tố tụng hành chính là người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói hoặc người khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng của người khuyết tật để dịch lại.

Quy định này để phù hợp với Luật Người khuyết tật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 Nguyên tắc giám đốc việc xét xử:  Luật TTHC 2010 quy định Toà án cấp trên giám đốc việc xét xử của Toà án cấp dưới, TANDTC giám đốc việc xét xử của Toà án các cấp.

 Nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND 2014,  Luật TTHC 2015 quy định TANDTC giám đốc việc xét xử của các Tòa án; TAND cấp cao giám đốc việc xét xử của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Về thẩm quyền của Tòa án

Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án:  Luật TTHC 2010 chỉ loại trừ khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Luật TTHC 2015 bổ sung quy định loại trừ khiếu kiện đối với quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; đồng thời, bổ sung thêm đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là danh sách cử tri trưng cầu ý dân.

Luật Tố tụng hành chính 2015: Quy định mới về thẩm quyền của Tòa án, người tiến hành tố tụng

Một phiên tòa hành chính

Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể bị khiếu nại, kiến nghị hoặc kháng nghị và được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND năm 2014 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính có thể bị khiếu nại, tố cáo và được giải quyết theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thẩm quyền của TAND cấp tỉnh:  Luật TTHC 2010 quy định, quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Luật TTHC 2015: quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện:  Luật TTHC năm 2010 không quy định cụ thể. Luật TTHC năm 2015: pháp điển hoá các quy định của Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTHC về việc giải quyết trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện; tách, nhập, chuyển vụ án cho Toà án khác và tranh chấp về thẩm quyền giữa các Toà án.

 Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

Về người tiến hành tố tụng hành chính: Luật TTHC 2010 quy định người tiến hành tố tụng hành chính gồm có: Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên.

Luật TTHC 2015: bổ sung hai chủ thể mới là người tiến hành tố tụng gồm Thẩm tra viên, Kiểm tra viên và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của  hai chủ thể này trong tố tụng hành chính (các Điều 40, 44).

Quy định này bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Luật tổ chức VKSND năm 2014.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên: Luật TTHC 2015 đã quy định bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới của Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và yêu cầu thực tiễn.

Luật TTHC 2015 đã sửa đổi quy định về việc thực hiện quyền kháng nghị của Chánh án, Viện trưởng trong trường hợp Chánh án, Viện trưởng vắng mặt như sau: Khi Chánh án, Viện trưởng vắng mặt, một Phó Chánh án, Phó Viện trưởng được Chánh án, Viện trưởng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án, Viện trưởng trừ quyền quyết định kháng nghị (Khoản 2 Điều 37, Khoản 2 Điều 42).

  Người tham gia tố tụng

Về người đại diện theo pháp luật: Luật TTHC 2010 quy định người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính là cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người đứng đầu cơ quan, tổ chức do được bổ nhiệm hoặc bầu theo quy định của pháp luật; chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình; tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác.

Luật TTHC 2015 bổ sung quy định về người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người được Tòa án chỉ định. Đồng thời, không tiếp tục quy định về người đại diện theo pháp luật của hộ gia đình, tổ hợp tác mà xác lập cơ chế đại diện theo ủy quyền.

Quy định này nhằm phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về chủ thể của quan hệ dân sự và người đại diện.

Về người đại diện theo ủy quyền: Luật TTHC 2010 chỉ quy định điều kiện trở thành người đại diện theo ủy quyền. Luật TTHC 2015 bổ sung các quy định:

Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính.

Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật.

Quy định này nhằm phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về chủ thể của quan hệ dân sự và người đại diện. Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng thực tế trong những năm qua là người bị kiện thường ủy quyền cho cán bộ, công chức không có thẩm quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện hoặc không có đủ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cần thiết. Thậm chí, có trường hợp ủy quyền cho Luật sư tham gia tố tụng, làm cho việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa gặp khó khăn, không hiệu quả, việc giải quyết vụ án bị kéo dài, không bảo đảm để Tòa án xem xét giải quyết khách quan, toàn diện vụ án.

Đối với các quy định liên quan đến người đại diện của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân thì có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 theo quy định về hiệu lực của Bộ luật dân sự năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Tố tụng hành chính 2015: Quy định mới về thẩm quyền của Tòa án, người tiến hành tố tụng