Luật Tố tụng hành chính 2015: Những quy định mới về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử

PV| 21/11/2016 15:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND, Bộ luật TTHC 2015 có những quy định mới về nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong xét xử vụ án hành chính.

Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính

Luật TTHC 2010 chỉ quy định giải thích cụm từ “quyết định hành chính”, “hành vi hành chính”. Luật TTHC 2015 bổ sung quy định giải thích cụm từ “quyết định hành chính bị kiện”, “hành vi hành chính bị kiện” (các khoản 2, 4 Điều 3). Theo quy định này thì quyết định hành chính bị kiện khi có đủ các yếu tố sau: Là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành; Quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính; Được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể; Làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 Hành vi hành chính bị kiện khi có đủ các yếu tố sau: Là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; Làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quy định này tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc khởi kiện và thụ lý đơn khởi kiện; khắc phục bất cập của thực tiễn do việc đánh giá, nhận diện quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện còn có những cách hiểu và vận dụng khác nhau dẫn đến việc thụ lý trong nhiều trường hợp không đúng quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan trong vụ án hành chính (Điều 6), Luật TTHC 2015 đã bổ sung 1 điều luật mới về nguyên tắc này. Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời cho Tòa án.

Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.

Quy định này phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật tổ chức TAND 2014; Bảo đảm giải quyết vụ án đúng đắn, toàn diện; Bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong nhà nước pháp quyền, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử

Luật TTHC năm 2010 không quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Tuy đã có một số quy định về tranh tụng và bảo đảm tranh tụng nhưng do Luật chưa quy định rõ nội dung tranh tụng và bảo đảm tranh tụng nên vấn đề chưa được thể hiện thống nhất và có tính hệ thống.

 Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung 1 điều luật mới về nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng trong xét xử” với nội dung như sau: Chủ thể tranh tụng: đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Phạm vi tranh tụng: trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm;

Nội dung bảo đảm tranh tụng: Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác.

 Luật TTHC 2015 có nhiều quy định mới để bảo đảm thực hiện nguyên tắc này, cụ thể là: Các quy định mới về quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ của đương sự: Bổ sung quyền, nghĩa vụ của đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ (Điều 55); Quy định rõ 08 biện pháp thu thập chứng cứ đương sự được tự mình thực hiện (Điều 84); Quy định về thời hạn giao nộp chứng cứ không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, trường hợp có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ (các điều 83, 133).

 Các quy định mới về quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ của đương sự:

 Đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp, trao đổi tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân (Điều 98);

 Đương sự có nghĩa vụ nộp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để Tòa án gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác, trừ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân (Khoản 9 Điều 55); Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì trong thời hạn 05 ngày làm việc họ phải thông báo cho đương sự khác biết về việc họ đã giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để đương sự khác liên hệ với Tòa án thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ (Điều 98);

 Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án phải thông báo cho đương sự biết để họ thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ (Điều 98).

Các quy định mới về trình tự, thủ tục tố tụng bảo đảm tranh tụng:

 Quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm nhằm tạo điều kiện cho các đương sự được biết về các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, thống nhất về chứng cứ và phạm vi yêu cầu, khởi kiện (từ Điều 136 đến Điều 139);

 Quy định về thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thay cho thủ tục cấp giấy chứng nhận để tạo điều kiện thuận lợi cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng (Điều 61);

 Quy định về thủ tục trình bày chứng cứ, hỏi, tranh luận tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ;  Tòa án có thể triệu tập đương sự hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác có liên quan tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm (từ Điều 175 đến Điều 177, từ Điều 236 đến Điều 240, Điều 267, Điều 270).

 Trách nhiệm bảo đảm tranh tụng thuộc về Tòa án. Toà án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện quyền tranh tụng, như: buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý; ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ...; trực tiếp tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ...

Toà án có trách nhiệm xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai mọi tài liệu, chứng cứ, trừ trường hợp không được công khai do Luật định. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Tố tụng hành chính 2015: Những quy định mới về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử