Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Bản lĩnh, sự quyết đoán là yếu tố cần có của mỗi Thẩm phán

Mai Thoa| 27/10/2016 08:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ đã có những chia sẻ như vậy về nghề và những vụ án mà ông từng tuyên vô tội khi ông còn là Thẩm phán TANDTC. Xung quanh vấn đề Tòa án với việc xử lý oan sai thời gian qua, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông.

PV: Là người từng công tác trong hệ thống Tòa án và nhiều năm làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, ông có đánh giá như thế nào về công tác của Tòa án và việc xử lý oan sai trong tố tụng thời gian qua?

Ông Nguyễn Trọng Tỵ: Có thể nói, suốt cả chiều dài lịch sử từ ngày lập quốc đến nay, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TAND có sự thay đổi cùng với sự thay đổi trong nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về cách thức tổ chức, phân công nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Điều đó thể hiện qua các bản Hiến pháp 1946, 1980, 1992 và đến Hiến pháp 2013, vị thế TAND đã được thể hiện rõ hơn, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.

Qua theo dõi tôi thấy rằng, các mặt hoạt động của Tòa án trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng chục ngàn vụ án được xét xử mỗi năm, nhưng tỷ lệ oan sai rất ít - đó là nỗ lực vô cùng lớn của toàn hệ thống Tòa án.

Cá nhân tôi cũng đồng tình cao với quan điểm của các lãnh TANDTC hiện nay, phải làm hết sức mình vì một Tòa án trong sạch, liêm chính và nếu có oan sai phải kịp thời sửa sai - công khai xin lỗi và bồi thường oan sai theo quy định. Từ những quan điểm này mà những vụ án có đơn kêu oan thời gian qua đã được TANDTC thụ lý giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao. Một số vụ án đã xảy ra từ nhiều năm trước, có đơn kêu oan kéo dài, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an đã tích cực phối hợp xác minh và đã minh oan được cho một số trường hợp. Trong đó, đáng lưu ý là trường hợp minh oan cho ông Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh - vụ án đã được xét xử cách đây hơn 40 năm. Hay vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn trước đó cũng vậy, đều đã được các cơ quan tố tụng minh oan, tiến hành xin lỗi công khai và bồi thường theo quy định…

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Bản lĩnh, sự quyết đoán là yếu tố cần có của mỗi Thẩm phán

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ

PV: Các cơ quan tố tụng, trong đó có Tòa án đã rất nỗ lực đối với những việc như trên, song vẫn có những nhận định chủ quan từ phía các cơ quan ngôn luận là có oan sai khi mà vụ án chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn, gây sức ép và ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân đối với cơ quan tố tụng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Tỵ: Thực tế thấy rằng, báo chí có vai trò rất to lớn trong việc đồng hành với người dân đi tìm công lý. Nhiều vụ án được minh oan nhờ có công của báo chí. Báo chí có vai trò phản biện xã hội rất tốt làm cho các cơ quan tố tụng nói riêng và các cơ quan khác  nói chung cẩn trọng hơn, trách nhiệm hơn trong việc đưa ra những phán quyết, kết luận của mình một cách trung thực, khách quan nhất.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, đôi khi nó cũng giống như “sự hăng hái thái quá” mà không phải lúc nào cũng đem lại kết quả khả quan hay trung thực nhất, có thể làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào cơ quan nhà nước một cách không đáng có. Ví dụ như vụ án ba thanh niên phạm tội hiếp dâm ở Hà Đông, Hà Nội cách đây vài năm. Vụ việc đó, qua báo chí tưởng chừng như đó là vụ án oan “tày trời” và mọi nghi ngờ đổ dồn về phía cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng. Nhưng vụ án đã được chứng minh rằng việc điều tra, truy tố, xét xử là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có oan sai.

Hay mới đây, vụ án ông Trần Văn Vót cũng vậy, tôi được biết các cơ quan tố tụng đã xem xét đơn kêu oan và đã có văn bản trả lời vụ việc từ những năm trước đó nhưng gần đây lại rộ lên, báo chí đưa khá đậm đặc về vụ án này. Phán quyết oan hay không thuộc về cơ quan có thẩm quyền, nhưng tôi cho rằng, vụ việc dù sao cũng cần được nhìn nhận khách quan và từ nhiều phía.

PV: Từ thực tế những vụ án oan vừa qua, ông có bình luận gì về những nguyên nhân gây oan sai không?

Ông Nguyễn Trọng Tỵ: Mặc dù nghỉ công tác ở Đoàn Luật sư Hà Nội đã vài năm nay, nhưng tôi vẫn luôn cập nhật tin tức về các hoạt động của Tòa án nói riêng và các vấn đề liên quan đến tố tụng nói chung.

Từ những vụ án oan sai vừa qua thấy rằng, quá trình tố tụng còn nhiều vấn đề phải bàn, từ giai đoạn khởi tố điều tra cho đến khi xét xử, xem xét những đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Theo tôi dù là mong muốn chủ quan của cấp nào đó nhưng việc có xảy ra án oan là điều rất khó tránh. Đó là việc trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng quyền con người của cán bộ điều tra chưa đầy đủ. Thậm chí biết nhưng họ không thực hiện bởi nhiều lý do, trước hết là làm sao có thành tích cá nhân của họ đối với việc làm án bất chấp tất cả. Mặt khác cũng có thể có những tác động tiêu cực trong xã hội thúc đẩy những việc làm tiêu cực gây nên oan sai. Nên rất dễ gây ra những sai lầm, bức cung, ép cung, mớm cung, nhục hình ngay từ giai đoạn này. Hầu hết các vụ oan sai hiện nay đều bắt nguồn từ thực tiễn đó. Đến giai đoạn hồ sơ chuyển sang Tòa án, những thay đổi sẽ khó khăn hơn khi chúng ta vẫn theo mô hình tố tụng thẩm vấn, những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án sẽ được coi trọng hơn khi đánh giá vấn đề. Chính vì vậy chúng ta vẫn có câu “án tại hồ sơ” là vì vậy.

PV: Thẩm phán phải chịu nhiều áp lực trong công tác chuyên môn cũng như từ phía các cơ quan báo chí, vậy ông có chia sẻ gì từ kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp của mình hay không?

Ông Nguyễn Trọng Tỵ: Tòa án là cơ quan tư pháp nhân danh Nhà nước, thay mặt nhân dân xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết các tranh chấp trong xã hội nên trong các hoạt động này luôn có sự liên quan và gắn bó chặt chẽ với quyền con người, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Việc xét xử công tâm trên tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ giúp chấm dứt tình trạng vi phạm quyền con người, xâm phạm lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức...

Trong xét xử, để tránh oan sai, điểm mấu chốt quan trọng là phải bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình, trong đó luật sư và những người tham gia tố tụng có quyền trình bày hết ý kiến, tôn trọng hơn nữa vai trò của luật sư tại phiên tòa để bảo đảm việc tranh luận giữa luật sư với đại diện Viện kiểm sát được khách quan.

Cùng với đó, vai trò của Thẩm phán hết sức quan trọng. Thẩm phán phải có tâm, có tầm, ngoài trình độ chuyên môn, thì sự quyết liệt là bản lĩnh cần phải có trong thực hiện nhiệm vụ của mình; phải biết cẩn trọng xem xét từng tình tiết nhỏ, bởi nhiều khi đó lại là mấu chốt của vụ án. Phiên tòa được coi là cuộc điều tra công khai, nên Thẩm phán cần tôn trọng cuộc điều tra đó. Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về CCTP đã đề cập đến vấn đề này, tức là phải lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa để kết luận. Nếu Thẩm phán không đủ trình độ, sự kiên quyết mạnh mẽ sẽ không thể làm được điều đó.

 Còn nhớ, những năm 1980, khi tôi còn là Thẩm phán TANDTC tham gia xét xử phúc thẩm một vụ án giết người ở Thanh Hóa có mức án chung thân đối với bị cáo. Phiên xử đông kín vòng trong, vòng ngoài là người dân địa phương và thân nhân bị hại. Hồ sơ vụ án thể hiện do mâu thuẫn, bị cáo Nguyễn Văn Đ dùng chiếc cuốc (dùng để cuốc đất ở vùng nông thôn) bổ vào đầu anh hàng xóm khiến anh này chết tại chỗ. Các cơ quan tố tụng kết án Đ về tội giết người và phải chịu mức án chung thân. Cá nhân Đ thì cho rằng án chung thân đối với mình là quá nặng, còn gia đình bị hại cho rằng phải tử hình Đ mới đúng…Chính vì vậy vụ án xét xử phúc thẩm lúc đó tôi làm chủ tọa vô cùng căng thẳng và áp lực.

Tuy nhiên, khi xem xét hồ sơ vụ án và thẩm vấn công khai tại tòa mới thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ giết người phần lớn lỗi do người bị hại. Chỉ từ mâu thuẫn nhỏ của hai đứa trẻ con, người bố đó đã sang nhà hàng xóm tìm đánh cháu, và đánh cả mẹ cháu bé là vợ Đ. Lúc đó vừa đi làm về đến nhà, thấy vợ mình bụng chửa vượt mặt đang bị anh hàng xóm túm tóc lôi xềnh xệch, đấm đá túi bụi vào bụng, vào mặt, do không kiềm chế được, Đ đã dùng ngay chiếc cuốc đang vác trên vai bổ vào đầu anh hàng xóm và gây ra cái chết ấy.

Sau khi cho đối chất hai bên, xác minh sự thật này, với tư cách chủ tọa phiên tòa, tôi đã tuyên Nguyễn Văn Đ mức án 15 năm tù. Vụ án đó đã gây không ít sóng gió khi gia đình bị hại bao vây HĐXX, nhưng với những phân tích thấu tình, đạt lý của HĐXX nên nhận được sự đồng thuận của dư luận.

Hay vụ án thầy giáo Nguyễn Hữu Đạo ở Thanh Hóa bị tuyên án tử hình về tội “Giết người”. Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, thẩm vấn công khai tại phiên tòa, với tư cách chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, tôi tuyên bị cáo vô tội và trả tự do ngay tại phiên tòa…

Liêm chính tư pháp là mục tiêu mà lãnh đạo TANDTC đặt ra, và để làm được điều đó tôi cho rằng, chúng ta phải xây dựng, củng cố, duy trì được đội ngũ Thẩm phán trong sạch, có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, có phẩm chất đạo đức và có sự công tâm của người làm nghề xét xử. Nếu họ giữ vững tinh thần “chí công vô tư”, thượng tôn pháp luật, đạo đức chuẩn mực, liêm khiết, đề cao nguyên tắc tranh tụng trong xét xử thì sẽ không còn các vụ án oan, sai. Trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, Thẩm phán có đức, có tài là mục tiêu trọng tâm và cũng là hướng đi đúng của hệ thống Tòa án.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Bản lĩnh, sự quyết đoán là yếu tố cần có của mỗi Thẩm phán