Góp ý Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): “Tranh tụng” và “thẩm quyền của Toà án”

Ngô Cường| 09/10/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để có thể thực hiện được nguyên tắc tranh tụng nên cơ cấu lại Bộ luật theo hướng quy định bên đương sự có quyền yêu cầu và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho bên đối lập dưới sự giám sát của Thẩm phán, không “thả nổi” cho đương sự tự chứng minh như hiện nay.

Để có thể thực hiện được nguyên tắc tranh tụng nên cơ cấu lại Bộ luật theo hướng quy định bên đương sự có quyền yêu cầu và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho bên đối lập dưới sự giám sát của Thẩm phán, không “thả nổi” cho đương sự tự chứng minh như hiện nay.    

Dự thảo BLTTDS đưa ra nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng”. Dưới đây xin nêu lên những nội dung cơ bản của tố tụng dân sự theo mô hình tranh tụng cũng như những đặc điểm căn bản của tố tụng dân sự không thuộc mô hình tố tụng tranh tụng và kinh nghiệm cho Việt Nam.

a. Tố tụng tranh tụng là mô hình tố tụng của những quốc gia theo truyền thống thông luật như Anh, Mỹ, Úc, Canada… Trong mô hình này, tố tụng dân sự có những nội dung cơ bản như sau:

Góp ý Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): “Tranh tụng” và  “thẩm quyền của Toà án”

Luật sư tại một phiên tòa  (Ảnh: PV)

Thứ nhất, thủ tục tố tụng được cơ cấu mà theo đó hai bên đương sự chịu trách nhiệm chính trong việc làm sáng tỏ vụ kiện. Hai bên đương sự bắt buộc phải xuất trình những chứng cứ liên quan theo yêu cầu của bên đương sự kia, trừ văn bản do đương sự viết ra để chuẩn bị lập luận tại phiên toà. Ngoài ra, thủ tục tố tụng còn bao gồm cơ chế thẩm vấn giữa các bên: đương sự trực tiếp tống đạt văn bản thẩm vấn cho bên đương sự kia mà không thông qua Toà án, bên nhận được  thẩm vấn sẽ trả lời các câu hỏi mà bên đương sự kia nêu ra.

Thứ hai, trong giai đoạn trước phiên toà, Thẩm phán đóng vai trò tích cực trong việc hướng dẫn các bên đương sự tìm kiếm chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Bảo đảm không để bên đương sự nào lợi dụng quy định của tố tụng để kéo dài thời gian vụ kiện. Tuy nhiên, tại giai đoạn phiên toà, Thẩm phán không can thiệp vào việc các bên trình bày chứng cứ và việc triệu tập nhân chứng, kiểm tra nhân chứng chủ yếu do các bên đương sự thực hiện (các bên quyết định triệu tập nhân chứng đến phiên toà chứ không phải Toà án, và thẩm vấn (kiểm tra chéo) các nhân chứng).

Thứ ba, Luật sư phải trung thực với Toà án: cấm bịa đặt ra chứng cứ hoặc trình bày những chứng cứ sai. Luật sư có nghĩa vụ tiết lộ những thông tin trong quá trình tìm kiếm chứng cứ và không phải tiết lộ những chứng cứ bất lợi của các bên nếu không thuộc trường hợp quy định của luật.

Xin nêu ra đây quy trình giải quyết vụ án dân sự ở Canada - một quốc gia theo truyền thống thông luật: Các vụ án dân sự được giải quyết theo ba bước:

- Bước thứ nhất: Luật sư của hai bên thu thập toàn bộ chứng cứ của vụ kiện gửi cho Thẩm phán. Sáu tuần sau khi nhận được toàn bộ chứng cứ của hai bên đương sự, Thẩm phán và Luật sư của hai bên sẽ tổ chức một phiên họp xem xét đánh giá chứng cứ của mỗi bên. Nếu thống nhất, vụ án sẽ kết thúc ở bước này, Thẩm phán sẽ ra bản án.

- Bước thứ hai: Nếu hai bên đương sự không thống nhất được việc giải quyết vụ án ở bước thứ nhất, Luật sư hai bên sẽ chuẩn bị lý lẽ và chứng cứ để giải quyết những vấn đề còn chưa thống nhất, phiên họp sẽ diễn ra 5 tuần sau phiên họp thứ nhất. Trường hợp hai bên đương sự thống nhất với nhau, vụ án sẽ kết thúc ở đây, Thẩm phán sẽ ra bản án.

- Bước thứ ba: Phiên toà xét xử sẽ được tiến hành khi hai bên đương sự không thống nhất được với nhau ở phiên họp lần hai.

Trên thực tế, khoảng 98% các vụ kiện dân sự được giải quyết ở bước thứ nhất và bước thứ hai.

Vì toàn bộ chứng cứ đã phải xuất trình và được xem xét ở cấp sơ thẩm, nên có rất ít kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Và do đó, cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại vụ kiện về khía cạnh luật pháp chứ không xem xét lại các tình tiết của vụ kiện, trừ trường hợp có chứng cứ mới mà ở giai đoạn sơ thẩm đương sự không thể biết và chứng cứ này có thể làm thay đổi kết quả giải quyết vụ kiện.

b. Ở những quốc gia theo truyền thống luật dân sự, như Pháp, Việt Nam… tố tụng dân sự cũng tương tự như tố tụng ở những quốc gia theo truyền thống thông luật: tức là cũng dựa trên nguyên tắc các bên trình bày. Theo đó, các bên đương sự có nghĩa vụ xuất trình chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Tuy nhiên, mô hình tố tụng dân sự này có những điểm khác biệt căn bản so với mô hình tố tụng tranh tụng, đó là giải quyết vụ kiện thông qua hai cơ chế: nghĩa vụ nói sự thật của các bên và nghĩa vụ làm rõ của Thẩm phán.

Nghĩa vụ nói sự thật của các bên có nghĩa là các bên phải xuất trình chứng cứ và nói lên sự thật của sự việc để chứng minh cho yêu cầu của mình. Tuy nhiên, lại không có chế tài, nên nghĩa vụ phải nói sự thật không có hiệu quả: đương sự thường giấu chứng cứ và xuất trình ở bất cứ giai đoạn nào nếu muốn. Đương sự không có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho bên kia. Có thể nói, đương sự được “thả nổi” trong việc chứng minh vụ kiện.

Nghĩa vụ làm rõ của Thẩm phán, nguyên tắc này được xem như một nguyên tắc không tách rời nguyên tắc nói sự thật của các bên. Theo đó, Thẩm phán sẽ đưa ra câu hỏi cho các đương sự trong suốt quá trình kiện tụng nhằm làm sáng tỏ tất cả các tình tiết của vụ kiện và quyết định việc mời những người làm chứng cũng như những người liên quan khác tham gia vào vụ kiện. Tại phiên toà, Thẩm phán cũng đóng vai trò trung tâm khi thực hiện việc hỏi các bên đương sự, người làm chứng… Ở Việt Nam, nghĩa vụ làm rõ của Thẩm phán dường như rất “nặng nề” khi luật quy định một trong những trường hợp Toà án cấp trên huỷ bản án của Toà án cấp dưới là việc chứng minh và thu thập chứng cứ không theo đúng quy định của luật hoặc chưa được thực hiện đầy đủ.

c. BLTTDS hiện hành của Việt Nam ảnh hưởng một cách nặng nề các BLTTDS của Trung Quốc và Liên Xô trước đây, những Bộ luật biến thể từ mô hình tố tụng dân sự của truyền thống luật dân sự. Nó được cơ cấu không khác gì BLTTHS. Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) cũng không có thay đổi nhiều so với BLTTDS hiện hành. Do đó, việc ghi nhận nguyên tắc “bảo đảm quyền tranh tụng” sẽ không có ý nghĩa gì.

Để có thể thực hiện được nguyên tắc này, nên cơ cấu lại Bộ luật theo hướng quy định các bên đương sự có quyền yêu cầu và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho bên đối lập dưới sự giám sát của Thẩm phán, không “thả nổi” cho các đương sự tự chứng minh như hiện nay. Tất cả các chứng cứ của vụ kiện phải được xuất trình và xem xét ở giai đoạn trước phiên toà sơ thẩm. Cùng với đó, cần quy định giảm nhẹ trách nhiệm của Thẩm phán trong việc làm rõ vụ kiện bằng cách bỏ quy định “huỷ án” chỉ vì thu thập chứng cứ không đầy đủ. Nên quy định cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại vụ kiện về mặt pháp luật, không xem xét lại về tình tiết vụ kiện, trừ trường hợp chứng cứ mới không thể biết được ở cấp sơ thẩm.

Về quy định “thẩm quyền của Toà án”

Như chúng ta đều biết, từ sau hoà bình năm 1954, hệ thống pháp luật của nước ta còn rất đơn giản và chưa có BLDS, trước tình hình đó thẩm quyền của Toà án về các vụ việc dân sự được quy định theo kiểu liệt kê. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta đã có BLDS (cũng đang được sửa đổi, bổ sung) và dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đã bổ sung quy định “Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” (khoản 2 Điều 4 Dự thảo BLTTDS sửa đổi).

Vì vậy, Mục 1 Chương III “Những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án” quy định theo kiểu liệt kê những loại vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án là một quy định thừa và mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Bộ luật như đã nêu trên.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): “Tranh tụng” và “thẩm quyền của Toà án”