Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Hoàn thiện thẩm quyền của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ

Trần Quang Huy| 22/10/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã thêm mới, bổ sung nhiều quy định nhằm hoàn thiện thẩm quyền của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ.

Tòa án có quyền xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 xác định: Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp. Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu, xác định rõ nội hàm quyền tư pháp; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp”. Để xây dựng một thể chế quy định đúng, đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, tạo cơ sở pháp lý cho TAND bảo vệ công lý, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” và “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, tại khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án. Tòa án có quyền xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp. Khi xét thấy cần thiết, Tòa án trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của BLTTHS; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm…

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Hoàn thiện thẩm quyền của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ

Hội đồng xét xử trong một vụ án hình sự

Như vậy, theo các quy định nêu trên, khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ; yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa. Đây là những điểm mới về thẩm quyền của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Mặt khác, quy định của pháp luật TTHS của Việt Nam hiện nay là theo hệ tố tụng thẩm vấn, Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện. Do đó, để đảm bảo thực hiện quyền tư pháp của TAND theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì việc hoàn thiện BLTTHS  là cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp.

Những vấn đề cần hoàn thiện

Đối với vấn đề trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, theo quy định tại Điều 179 và khoản 2 Điều 121 BLTTHS hiện hành thì Tòa án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Quy định tại khoản 2 Điều 199 BLTTHS hiện hành thì Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng không phải lúc nào Viện kiểm sát cũng chấp nhận việc trả hồ sơ của Tòa án. Rất nhiều trường hợp sau khi nhận hồ sơ thì Viện kiểm sát lại có công văn trả lại ngay mà không thực hiện những yêu cầu của Tòa án về vấn đề trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tòa án cho rằng còn thiếu chứng cứ quan trọng, Viện kiểm sát lại cho rằng chứng cứ đã được thu thập đầy đủ dẫn đến tình trạng Tòa cứ trả còn Viện thì không điều tra bổ sung mà vẫn giữ nguyên Cáo trạng đã truy tố và chuyển hồ sơ sang Tòa án. Nay theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức TAND 2014 thì Tòa án “Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của BLTTHS”. Như vậy, khi Tòa án thấy cần thiết điều tra bổ sung và trả hồ sơ, nhưng Viện kiểm sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Tòa án tiếp tục yêu cầu bổ sung chứng cứ, nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm thì Tòa án trực tiếp xác minh, thu thập chứng cứ.

Trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi), Ban soạn thảo đã thêm Điều 248 (đây là Điều mới) quy định về Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ. Theo đó, Toà án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động sau: Tiếp nhận những tài liệu, đồ vật, chứng cứ liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án; xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án.

Về trưng cầu giám định, theo quy định tại Điều 155 BLTTHS hiện hành “Khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định”. Như vậy, có thể hiểu không chỉ có Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mà cả Tòa án cũng có thẩm quyền trưng cầu giám định trong trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định hoặc khi xét thấy cần thiết để xác định tính khách quan và giải quyết đúng đắn của vụ án hình sự.

Tuy nhiên, về thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và của Viện trưởng Viện kiểm sát đều được quy định tại Điều 34, Điều 36 BLTTHS hiện hành, còn thẩm quyền quyết định trưng cầu giám định của Tòa án chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, để bổ sung thẩm quyền này cho Tòa án trong quá trình xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, Điều 248 Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã quy định Tòa án có quyền “trưng cầu giám định, định giá tài sản ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, định giá tài sản quy định tại Điều 202 và Điều 207 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản”.

Những quy định trên là nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự, làm rõ hơn nội dung các quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Hoàn thiện thẩm quyền của Tòa án trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ