Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại TAND

PV| 21/10/2017 08:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội nghị sơ kết kết ba năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử vừa qua, TANDTC xác định các công việc về đổi mới thủ tục hành chính tư pháp cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Theo chỉ thị số 03/2016/CT-CA về tăng cường cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND, các Tòa án cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng từng quy trình xử lý công việc đảm bảo đơn giản, tiện ích, khâu trước phải là tiền đề chuẩn bị cho khâu sau, đồng thời rút ngắn, đơn giản hóa các bước, thủ tục để tạo Điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có việc liên hệ với Tòa án. Trước mắt, cần rà soát các thủ tục hành chính tư pháp hiện hành để hủy bỏ các thủ tục không còn phù hợp và tiến tới xây dựng Bộ tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân.

Trên cơ sở các mô hình tổ chức bộ phận hành chính tư pháp và quy trình xử lý công việc đã được xác định cần tiến hành sắp xếp cán bộ cho phù hợp, đồng thời xây dựng các phần mềm ứng dụng để thực hiện thống nhất trong các Tòa án, nhằm nâng cao hiệu quả của từng khâu, từng hoạt động.

Cùng với việc chú trọng tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm ứng dụng thì cần chú ý tập trung đầu tư xây dựng các Trang thông tin điện tử, các “ki ốt” điện tử cho các Tòa án để thường xuyên cập nhật, công bố công khai các thủ tục hành chính tư pháp để mọi cá nhân và tổ chức biết. Thiết lập các đầu mối, địa chỉ, số điện thoại để người dân liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin về quá trình giải quyết công việc của mình tại tất cả các Tòa án, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Tòa án.

Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án Tòa án điện tử, trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Đề án đưa ra để có thể tiến tới triển khai Tòa án điện tử trước năm 2020. Nghiên cứu, hướng dẫn quy định tại Điều 190, Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 119 Bộ luật Tố tụng hành chính về việc gửi và nhận đơn trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử; trên cơ sở đó triển khai thực hiện thí điểm việc này tại một số Tòa án có đủ Điều kiện.

Bố trí kinh phí trong kế hoạch trung hạn để phục vụ việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Tòa án. Bên cạnh đó, các Tòa án cũng cần chủ động báo cáo cấp ủy địa phương để hỗ trợ các nguồn lực cho Tòa án triển khai việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại TAND

Người dân theo dõi, giám sát tiến độ giải quyết các vụ án được niêm yết công khai tại TAND quận Long Biên, Hà Nội

Thường xuyên quan tâm, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức Tòa án nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác hành chính tư pháp nói riêng nhằm nâng cao tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân trong quá trình thi hành công vụ; trong đó, cần đặc biệt quan tâm việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân.

Xây dựng giáo trình môn học về cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tư cách, tác phong, thái độ ứng xử của người cán bộ Tòa án khi tiếp công dân và thi hành công vụ.

Xây dựng và thực hiện thống nhất hệ thống chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại các Tòa án. Nâng cao trình độ tin học, thường xuyên tập huấn việc sử dụng các phần mềm ứng dụng và kỹ năng vận hành thành thạo các phương tiện điện tử cho các cán bộ, công chức Tòa án, nhằm chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực để thực hiện chủ trương tin học hóa và vận hành có hiệu quả mô hình Tòa án điện tử trong tương lai.

Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để học hỏi kinh nghiệm về cải cách thủ tục hành chính tư pháp; làm tốt công tác hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực và kinh nghiệm của các nước trong cải cách hành chính tư pháp.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và phổ biến, nhân rộng các bài học kinh nghiệm tốt trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp; việc đánh giá hiệu quả cải cách hành chính tư pháp phải thông qua việc lượng hóa các quy trình, thủ tục giải quyết từng loại công việc. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này tại các Tòa án.

Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử. Theo đó, tại Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49 NQ-TW của Bộ Chính trị vừa qua, TANDTC xác định các công việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới: Đối với TANDTC, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng từng quy trình xử lý công việc của bộ phận hành chính tư pháp, đảm bảo đơn giản hóa các bước, thủ tục để đưa hồ sơ vụ việc tới đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết một cách nhanh chóng. Trước mắt, cần rà soát các thủ tục hành chính tư pháp hiện hành để hủy bỏ các thủ tục không còn phù hợp và tiến tới xây dựng Bộ tiêu chí chung về cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại từng cấp Tòa án để áp dụng chung trong toàn hệ thống. Trên cơ sở các quy trình xử lý công việc đã được xác định, xây dựng các phần mềm ứng dụng để thực hiện thống nhất trong các tòa án, nhằm nâng cao hiệu quả của từng khâu, từng hoạt động.

Đối với các tòa án khác, sớm triển khai mô hình hành chính tư pháp một cửa. Theo đó, các Tòa án cần khẩn trương hình thành bộ phận hành chính tư pháp để thực hiện chức năng tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện; thụ lý các loại vụ án; tham mưa cho Chánh án phân công Thẩm phán xét xử, giải quyết các loại vụ án; theo dõi phần mềm quản lý án; thống kê, báo cáo các loại vụ việc thụ lý, giải quyết và thực hiện một số công việc hành chính khác. Trong đó lưu ý việc bố trí các cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm để công tác ở bộ phận này. Đảm báo tách bạch hoạt động quản lý hành chính với hoạt động nghiệp vụ tại Tòa án. Thực hiện phân công án cho các Thẩm phán đảm bảo ngẫu nhiên và khách quan. Có cơ chế để các Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đồng thời tự chịu trách nhiệm về các phán quyết của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại TAND