Các biện pháp phòng ngừa tội phạm có tổ chức theo chức năng của Toà án

Mạnh Tiến| 28/10/2016 14:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo chủ trương của Đảng cũng nhưng quy định pháp luật hiện hành đã xác lập địa vị pháp lý của TAND là một chủ thể có vai trò là trung tâm của CCTP và xét xử là trọng tâm. Bằng hoạt động của mình, TAND đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tội phạm.

Góp phần xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật

Vai trò phòng ngừa tội phạm của Tòa án đã được nêu trong các chính sách, chủ trương lớn của Đảng như: Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 48-CT/TW, Kết luận số 05/KL-TW của Ban Bí thư. Các Nghị quyết, Chị thị đã được cụ thể hóa bằng những quy định của pháp luật như Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND 2014, BLHS 2015, BLTTHS 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính thể hiện rất rõ nhiệm vụ, vai trò phòng ngừa tội phạm của Tòa án trong hệ thống chính trị. Nghị quyết số 08-NQ/TW đã nhấn mạnh: các cơ quan tư pháp…phải là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm; quan điểm chỉ đạo của Đảng là:  công tác tư pháp phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tội phạm hình sự, đặc biệt là các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức… đồng thời phải là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm…. Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã xác định nhiệm vụ, vai trò của TAND trong công cuộc phòng ngừa tội phạm như sau: “Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác”.

Các biện pháp phòng ngừa tội phạm có tổ chức theo chức năng của Toà án

Xét xử lưu động để tuyên truyền pháp luật nhằm ngăn ngừa tội phạm

Trong những năm qua, Tòa án có nhiều biện pháp khác nhau để thực hiện việc phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức nói riêng. Tội phạm có tổ chức là những tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS, do một tổ chức tội phạm thực hiện bằng hình thức phạm tội có tổ chức giữa các thành viên trong tổ chức tội phạm đó hoặc có sự câu kết, móc nối với các thành viên khác ngoài xã hội để thực hiện, gây ra hàng loạt các vụ phạm tội cụ thể trong quá trình chúng tồn tại và phát triển. Trước thực trạng trên, TAND thường xuyên tham mưu cho Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm có tổ chức. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong quá trình xét xử, TAND các cấp tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm, từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp trong việc tổ chức phòng ngừa tội phạm; kiện toàn, tổ chức, ban hành chính sách phù hợp với từng điều kiện cụ thể để ngăn chặn những nguy cơ phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Tòa án với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, nên TANDTC, TAND cấp tỉnh thường xuyên tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng pháp luật cho các Toà án cấp dưới. Công tác này đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tiễn xét xử và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án đặc biệt là các vụ án phạm tội có tổ chức (VD: Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 5/1/1986). TANDTC kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn luật, tổng kết công tác xét xử, nghiên cứu phát hành hệ thống án lệ; phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng hệ thống văn bản dưới luật, đảm bảo cho công tác quản lý ở mọi lĩnh vực bằng pháp luật. Ngoài ra, TAND các cấp còn tổ chức hội thảo khoa học, khảo sát thực tế theo chuyên đề liên quan đến pháp luật xử lý hình sự, TTHS, thi hành án hình sự, đánh giá hiệu lực và hiệu quả của các văn bản pháp luật có liên quan để phục vụ cho công tác xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật về phòng, chống tội phạm có tổ chức (Hội đồng Thẩm phán TANDTC đang soạn thảo nghị quyết hướng dẫn BLTTHS 2015, trong đó có Hướng dẫn Điều 326- Hội đồng xét xử phải thảo luận về kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm).

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Thời gian qua, TAND các cấp thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền về hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm có tổ chức nói riêng. Các chương trình giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua báo cáo viên pháp luật, sinh hoạt của các câu lạc bộ, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; được lồng ghép trong hệ thống nhà trường, Học viện Tòa án; in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền qua các phương tiện báo chí. Ngoài ra, Tòa án còn phối hợp với cơ quan nội chính và các cơ quan tổ chức khác lồng ghép nội dung của kế hoạch tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ an ninh trật tự vào chương trình của hội đồng nhân dân về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngoài ra, Tòa án còn tuyên truyền thông qua xét xử lưu động - đây là biểu hiện rõ nhất của công tác phòng ngừa trực tiếp. Các Tòa án thông qua hoạt động này đã cung cấp tri thức pháp luật một cách có mục đích, có chủ định, có tổ chức đến đối tượng giáo dục, nhằm hình thành ở họ các quy tắc ứng xử và lòng tin vào pháp luật, làm cơ sở cho hoạt động phòng ngừa tội phạm. Các phiên tòa xét xử lưu động ở địa bàn khu dân cư nơi xảy ra tội phạm đã làm cho người tham dự phiên tòa thấy sự gần gũi của công lý, thấy trách nhiệm của mình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng ngừa tội phạm. Việc xét xử lưu động còn được các phương tiện thông tin đại chúng thông tin rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân, nên  vừa đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, vừa thể hiện sự công khai, dân chủ, khách quan của hoạt động của TAND, góp phần nâng cao nhận thức trong hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức nói riêng.

Ngay từ khi nghiên cứu hồ sơ, xét thấy có đồng phạm trong vụ án phạm tội có tổ chức chưa bị truy tố, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ trả hồ sơ yêu cầu khởi tố thêm bị can hoặc triệu tập, dẫn giải người liên quan (có thể là đồng phạm trong vụ án) đến phiên tòa. Quá trình thẩm vấn, Thẩm phán cho cách ly giữa những bị cáo trong vụ án, người làm chứng, để đấu tranh làm rõ các tình tiết vụ án cũng như những đặc điểm của băng nhóm tội phạm. Mặt khác, để phòng ngừa tội phạm, các Tòa án ngày càng nâng cao chất lượng tranh tụng trong quá trình xét xử, đảm bảo không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Quá trình xét xử, nội dung vụ án được điều tra xem xét, một cách toàn diện; thông qua việc tranh luận, phân tích, phản biện chứng cứ các bên đưa ra công khai tại phiên tòa để rút ra được các nguyên nhân, điều kiện phạm tội, công cụ, thủ đoạn, nhân thân của các đối tượng (Điều 322 khoản 1 BLTTHS 2015) để từ đó Tòa án thực hiện kiến nghị hoặc tham mưu cho các cơ quan pháp luật xây dựng, ban hành các văn bản trong hoạt động phòng, chống tội phạm.

Ngoài ra, nhận thức được vai trò quan trọng của phòng ngừa từ xa, phòng ngừa xã hội, Tòa án đã chủ động, tích cực áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, quyết định thi hành án hình sự. Việc xử lý đúng, đầy đủ, kịp thời các biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện đã làm giảm nguyên nhân của tội phạm, làm gián đoạn những mắt xích của tổ chức tội phạm, hạn chế những tác hại đến đời sống kinh tế, xã hội. Quá trình thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, Tòa án đã kéo người nghiện trở về với cuộc sống bình thường, tránh xa tệ nạn xã hội, giúp họ tránh sa ngã hoặc tham gia vào đường dây, tổ chức tội phạm...

Với trách nhiệm của mình, Tòa án cùng với các cơ quan tố tụng, cơ quan hữu quan khác đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.            

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm có tổ chức theo chức năng của Toà án