BLTTHS năm 2015: Bổ sung quy định về sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng

Phương Nam| 28/09/2016 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm khắc phục bất cập của BLTTHS năm 2003, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung các quy định về đình chỉ xét xử phúc thẩm, sự có mặt của thành viên HĐXX,thủ tục phiên toà phúc thẩm...

Sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng

Để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định để xử lý đối với các trường hợp còn thời hạn tạm giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo hoặc đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm (Điều 347). Theo đó, Trường hợp còn thời hạn tạm giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm sử dụng thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án ra quyết định tạm giam mới.

Về đình chỉ xét xử phúc thẩm, BLTTHS năm 2003 đã quy định nhưng chưa cụ thể. BLTTHS năm 2015 (Điều 348) bổ sung quy định: Trường hợp rút một phần kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút.

Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm (các Điều 349, 350 và 351). Theo đó:

 Phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án. Các thành viên Hội đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Trường hợp có Thẩm phán không tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế làm thành viên Hội đồng xét xử. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không tiếp tục tham gia xét xử được thì Thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử làm chủ toạ phiên tòa và Thẩm phán dự khuyết được bổ sung làm thành viên Hội đồng xét xử. Trường hợp không có Thẩm phán dự khuyết hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp Thư ký Tòa án bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn có thể xét xử vụ án nếu có Thư ký Tòa án dự khuyết; nếu không có người thay thế thì tạm ngừng phiên tòa (Điều 349).

Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì có thể có nhiều Kiểm sát viên. Trường hợp Kiểm sát viên không thể có mặt tại phiên tòa thì Kiểm sát viên dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu được thay thế để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa (Điều 350).

BLTTHS năm 2015: Bổ sung quy định về sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng

Hội đồng xét xử một phiên toà hình sự (Ảnh: Xuân Hưng)

Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị được triệu tập đến phiên tòa thì phải có mặt tại phiên tòa. Nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử giải quyết: Người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Trường hợp người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử.

Trường hợp phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa; Người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp những người này vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị hại, đương sự; Bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, bị kháng nghị nếu vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án, quyết định không có lợi cho bị cáo. Nếu sự vắng mặt của bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và sự vắng mặt đó không gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử  (Điều 351).

Quy định cụ thể hơn về thủ tục phiên tòa phúc thẩm

BLTTHS năm 2015 (Điều 352) quy định: Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp: Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 349, 350 và 351 của Bộ luật này; Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.

BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể hơn về thủ tục phiên tòa phúc thẩm và phiên họp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm (Điều 354 và Điều 362). Theo đó:

 Phiên tòa: Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.  Chủ toạ phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị (Điều 354).

Phiên họp: Hội đồng xét xử phúc thẩm phải triệu tập người kháng cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị tham gia phiên họp. Trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiến hành phiên họp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải mở phiên họp. Trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ra quyết định thì Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án kèm theo quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án. Tại phiên họp, một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm trình bày tóm tắt nội dung quyết định sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có). Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên họp và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định (Điều 362).

BLTTHS năm 2015 cũng mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm.

Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm:

Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm: khi xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật.

Sửa bản án sơ thẩm: Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau: Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;  Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể: Áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp; Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn; Không cho bị cáo hưởng án treo.

 Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại khi: Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường hợp: Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm; Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ; Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.

Quy định này nhằm khắc phục vướng mắc hiện nay do Tòa án cấp phúc thẩm không có đầy đủ thẩm quyền trong việc hủy, sửa bản án sơ thẩm nên phải kiến nghị Tòa án cấp trên kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, làm kéo dài vụ án không cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BLTTHS năm 2015: Bổ sung quy định về sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng