BLTTDS 2015: Quy định mới về các điều kiện hoãn phiên tòa, nội quy phiên tòa

Quang Anh| 09/08/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) có nhiều quy định mới phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế, quốc tế.

Trong đó, những điểm mới về các điều kiện hoãn phiên tòa; nội quy phiên tòa dân sự được đánh giá là có những cải cách đáng kể.

Theo quy định của BLTTDS 2004 và Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP thì Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng thì phải hoãn phiên tòa.

Tuy nhiên, theo quy định của BLTTDS 2015, Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa. Bên cạnh đó BLTTDS 2015 bổ sung quy định cụ thể về sự vắng mặt của bị đơn trong trường hợp có yêu cầu phản tố và không có yêu cầu phản tố nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn xét xử khi BLTTDS 2004 không có quy định về việc bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố mà vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm. Cụ thể, bị đơn không có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ. Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật (điểm b, c khoản 2 Điều 227 BLTTDS 2015).

Sự tham gia của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm cũng có nhiều điểm mới so với trước đây. BLTTDS 2004 quy định Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm mà vắng mặt thì phải hoãn phiên toà. Quy định này chưa hợp lí bởi lẽ phiên toà sơ thẩm được tiến hành nhằm giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên đương sự. Trong khi đó, Viện kiểm sát tham gia phiên tòa chỉ để kiểm sát việc tuân theo pháp luật nên sự vắng mặt của Kiểm sát viên không thể ảnh hưởng đến việc mở phiên tòa. Vì vậy, BLTTDS 2015 đã khắc phục được điều đó bằng quy định: “Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa”.

BLTTDS 2015: Quy định mới về các điều kiện hoãn phiên tòa, nội quy phiên tòa

Một phiên tòa dân sự

Để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo vệ nhanh chóng, kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự cũng như tính hiệu quả trong xét xử thì BLTTDS 2015 bổ sung thủ tục tố tụng dân sự rút gọn để giải quyết vụ án dân sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng, bị đơn thừa nhận nghĩa vụ. Đồng thời với việc bổ sung thủ tục tố tụng dân sự rút gọn thì BLTTDS 2015 bổ sung quy định thời hạn hoãn phiên tòa đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn. Theo đó, thời hạn hoãn là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 1 Điều 233). Như vậy, thời hạn hoãn đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn ngắn hơn thời hạn hoãn đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục tố tụng thông thường nhằm đáp ứng tính nhanh chóng, hiệu quả của thủ tục tố tụng dân sự rút gọn. Ngoài ra, Bộ luật này còn bỏ quy định hoãn phiên tòa đối với giám định lại, giám định bổ sung vì đây là căn cứ tạm ngừng phiên tòa.

 Về cơ bản, BLTTDS 2015 vẫn giữ nguyên quy định về nội quy phiên tòa trong BLTTDS 2004. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo mọi người đều phải tôn trọng nội quy phiên tòa, bảo đảm an ninh phiên tòa cũng như bảo đảm quyền nhân thân của thành viên của Hội đồng xét xử và đương sự, BLTTDS 2015 bổ sung các quy định mới tại Điều 234. Theo đó, khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa; nghiêm cấm mang vào phòng xử án vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa; người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa; trường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa thông qua lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.

Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải có mặt tại phiên tòa trong suốt thời gian xét xử vụ án, trừ trường hợp được Chủ tọa phiên tòa đồng ý cho rời khỏi phòng xử án khi có lý do chính đáng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BLTTDS 2015: Quy định mới về các điều kiện hoãn phiên tòa, nội quy phiên tòa