BLHS năm 2015: Nhiều quy định có lợi cho người phạm tội

Trần Quang Huy| 21/10/2016 10:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chánh án TANDTC đã ban hành Công văn số 301/TANDTC-PC yêu cầu Chánh án TAND, TAQS các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC thực hiện nghiêm túc việc áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội theo BLHS năm 2015.

Để thực hiện  quy định tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015, Nghị quyết số 109/2015/QH13, Nghị quyết số 144 của Quốc hội và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC đã ban hành Công văn số 301/TANDTC-PC yêu cầu Chánh án TAND, TAQS các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC thực hiện nghiêm túc việc áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội theo BLHS năm 2015.

8 trường hợp được áp dụng có lợi cho người phạm tội

Theo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội thì có 6 trường hợp được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 9/12/2015 (ngày BLHS năm 2015 được công bố). Đó là, không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của BLHS năm 2015 thì không thi hành và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Ngoài ra, không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và các điểm b, c khoản 2 Điều 14 của BLHS năm 2015. Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản này thì đương nhiên được xóa án tích.

BLHS năm 2015: Nhiều quy định có lợi cho người phạm tội

Một phiên tòa hình sự

Ngoài 6 trường hợp được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội theo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109, thì ngày 30/6/2016, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn bổ sung thêm 2 trường hợp áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 9/12/2015. Đó là: người thực hiện hành vi mà theo quy định của BLHS năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của BLHS năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố định tội và cấu thành tội phạm đó (nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109); người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội trừ các tội quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015.

Tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 của Quốc hội cũng quy định: Kể từ ngày 1/7/2016, thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13. Như vậy, theo các quy định và hướng dẫn nêu trên thì chỉ có 8 trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 9/12/2015; các quy định khác có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và được thống kê tại Danh mục kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 được áp dụng kể từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, lãnh đạo TANDTC lưu ý việc áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể phải bảo đảm quy định mới của BLHS năm 2015 là có lợi cho người phạm tội.

Áp dụng linh hoạt quy định để xử lý một số tội danh

Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 thì nếu các hành vi này xảy ra trước 0 giờ ngày 1/7/2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý. Nếu sau thời điểm 0 giờ ngày 1/7/2016 (thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành) mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999 mà áp dụng quy định của BLHS năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng.

Tuy nhiên, tại điểm c khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 của Quốc hội quy định: Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS... có ghi thời điểm “ngày 1/7/2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành”. Do đó, đối với các hành vi hoạt động phỉ, đăng ký kết hôn trái pháp luật, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành.

Lãnh đạo TANDTC yêu cầu trong quá trình thực hiện nếu TAND, TAQS các cấp có vướng mắc thì báo cáo về TANDTC (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để kịp thời hướng dẫn bổ sung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BLHS năm 2015: Nhiều quy định có lợi cho người phạm tội