Bản án hôn nhân và gia đình: Cần chọn ngôn ngữ, cách diễn đạt phù hợp với phong tục, văn hóa

Trần Quang Huy| 10/04/2017 20:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, gia đình với nhau nên bản án HN&GĐ phải phù hợp với phong tục, văn hóa, quan hệ giữa các đương sự; nhiều vấn đề liên quan đến cá nhân cần được giữ bí mật trước công chúng.

Bản án HN&GĐ chỉ do một cơ quan duy nhất ban hành- đó là Tòa án, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Bản án HN&GĐ về cơ bản thường giải quyết ba mối quan hệ tranh chấp: quan hệ hôn nhân; quan hệ nuôi con chung; quan hệ chia tài sản. Ngoài ra, trong lĩnh vực HN&GĐ có trường hợp còn giải quyết tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; tranh chấp về cấp dưỡng; tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ; tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo... nhưng đều có đặc trưng ở chỗ gắn liền với những quan hệ hôn nhân, quan hệ gia đình hoặc thỏa thuận khác. Mặt khác, do đương sự trong vụ án HN&GĐ là những người có quan hệ gia đình với nhau; quan hệ giữa các đương sự trong vụ án thường diễn ra trong một thời gian dài; nguyên nhân xảy ra tranh chấp, những sự kiện pháp lý trong quan hệ HN&GĐ nhiều khi là những vấn đề có tính chất tế nhị nên nhiều vấn đề liên quan đến cá nhân cần được giữ bí mật trước công chúng.

Bản án hôn nhân và gia đình: Cần chọn ngôn ngữ, cách diễn đạt phù hợp với phong tục, văn hóa

Một phiên tòa giải quyết vụ ly hôn

Xuất phát từ những đặc điểm riêng của vụ án HN&GĐ, theo Thẩm phán TANDTC Chu Xuân Minh, khi soạn thảo bản án HN&GĐ Thẩm phán cần phải thể hiện được đầy đủ ba mối quan hệ là: hôn nhân, nuôi con chung và chia tài sản. Do đó, phần nội dung vụ án, phần nhận định của Tòa án và phần quyết định của bản án đều phải nêu được đầy đủ về ba mối quan hệ này.

Còn đối với các bản án HN&GĐ đặc biệt như: tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ cho con... thì chỉ nêu những sự kiện trực tiếp liên quan đến tranh chấp thuộc phạm vi giải quyết vụ án. Hơn nữa, do đương sự trong vụ án HN&GĐ là những người có quan hệ gia đình với nhau, vì vậy dùng đại từ nhân xưng đối với các đương sự trong bản án HN&GĐ phải chính xác và hợp lý.

Theo đó, khi viết bản án HN&GĐ cần phải lựa chọn đại từ nhân xưng (ông, bà, anh, chị) của từng đương sự một cách hợp lý về thứ bậc và quan hệ gia đình phù hợp với phong tục, văn hóa. Chẳng hạn, trong vụ án ly hôn, nguyên đơn và bị đơn dưới 50 tuổi thì nên gọi là anh, chị để có thể gọi cha, mẹ họ là ông, bà, các con đương sự là cháu; tránh tình trạng con cái và cha mẹ cùng được gọi là ông, bà hay anh, chị như nhau.

Bên cạnh đó, Thẩm phán TANDTC Chu Xuân Minh cho rằng: bản án HN&GĐ phải xác định đúng và đủ những sự kiện pháp lý liên quan đến mối quan hệ cần giải quyết căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà, kết quả tranh tụng và quy định pháp luật mà Hội đồng xét xử căn cứ vào đó để ra quyết định. Đồng thời, bản án phải thể hiện đầy đủ, cụ thể, rõ ràng các quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án.

Tuy nhiên, quan hệ giữa các đương sự trong vụ án HN&GĐ thường diễn ra trong một thời gian dài nên sẽ có những sự kiện pháp lý ở những thời điểm tuy là có liên quan đến các đương sự nhưng không phải là sự kiện có ý nghĩa quyết định trong việc giải quyết yêu cầu của đương sự thì không cần thiết phải nêu trong bản án.

Khi viết bản án HN&GĐ cần phải biết chọn lọc sự kiện pháp lý để đưa vào bản án. Ví dụ: chị B kiện đòi ly hôn anh A, thì không cần thiết phải nêu cả sự kiện trước khi lấy chị B, anh A đã có vợ là chị C; do chị C không sinh được con nên phải nhờ chị B mang thai hộ; sau đó tranh chấp con giữa anh A, chị B; rồi anh A lại có tình cảm với chị B; vì vậy anh A bỏ chị C để lấy chị B ...

Với đặc điểm của vụ án HN&GĐ, Thẩm phán TANDTC Chu Xuân Minh lưu ý đến nguyên tắc trình bày ý kiến của các đương sự về các sự kiện, các tranh chấp, các yêu cầu, tâm lý đương sự trong bản án HN&GĐ cần theo mô hình là: sự kiện pháp lý - chứng cứ - cơ sở pháp luật - yêu cầu. Khi trình bày sự kiện pháp lý, bản án chỉ chọn lọc các sự kiện có liên quan đến yêu cầu của đương sự, không chép nguyên tất cả nội dung lời trình bày của đương sự; tiếp theo là các chứng cứ chứng minh cho sự kiện pháp lý đã nêu ra; tiếp đến là nêu cơ sở pháp luật của yêu cầu; cuối cùng mới nêu đến yêu cầu cụ thể của đương sự.

Một vấn đề mà bản án HN&GĐ cần cân nhắc đó là khi mô tả nguyên nhân mâu thuẫn gia đình cũng như nhận xét những vấn đề tế nhị trong cuộc sống. Bản án HN&GĐ phải chọn ngôn ngữ, cách thể hiện, diễn đạt làm sao để giữ gìn danh dự, phẩm chất và đạo đức cho đương sự. Vì thế, tránh viết lại cụ thể những từ thô tục, những đánh giá có tính chất mạt sát lẫn nhau, những hành vi thể hiện lối sống đồi trụy, sa đoạ; tránh trích dẫn nguyên văn những lời khai của đương sự làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của họ.

Mặt khác, trong vụ án HN&GĐ thường có những yêu cầu giữ bí mật nhiều hơn các vụ án dân sự khác; đôi khi có những vấn đề liên quan đến danh dự, uy tín và có tính chất riêng tư của cá nhân cần giữ bí mật trước công chúng nên tùy từng trường hợp cụ thể, từng loại phạm vi giữ bí mật mà Thẩm phán cần cân nhắc khi đưa vào bản án.

Một việc nữa mà các Thẩm phán cần cần lưu ý là phải viết đúng mẫu bản án theo quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP,ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành về một số biểu mẫu Tố tụng dân sự trong đó có mẫu bản án dân sự. Cụ thể là, khi viết bản án sơ thẩm về HN&GĐ, Thẩm phán phải thực hiện theo mẫu bản án số 52-DS; khi viết bản án phúc thẩm về HN&GĐ phải thực hiện theo mẫu số 75-DS theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản án hôn nhân và gia đình: Cần chọn ngôn ngữ, cách diễn đạt phù hợp với phong tục, văn hóa