Những nỗ lực trong cải cách tư pháp đã nâng tầm vị thế Tòa án

Quốc Huy| 04/03/2016 21:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tòa án đã rất trách nhiệm trong việc đề xuất mô hình tổ chức hoạt động và xét xử theo tinh thần CCTP mà Nghị quyết số 08-NQ/TW/2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW/2005 của Bộ Chính trị đã đề ra. Cùng với đó là việc giải quyết triệt để các vụ án oan…

Đây là những vấn đề nổi bật mà các các đại biểu Quốc hội đã nhận định và đánh giá cao về công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016) của Chánh án TANDTC.

Triển khai có hiệu quả

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận định, hệ thống Tòa án đã rất trách nhiệm trong việc đề xuất mô hình tổ chức hoạt động và xét xử theo tinh thần CCTP mà Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002 về “một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới”, Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Các Nghị quyết này cũng đã nêu vấn đề đổi mới mô hình tổ chức hoạt động của Tòa án, như tổ chức Tòa án theo cấp xét xử, thêm Tòa án cấp cao, tổ chức thêm các Tòa chuyên trách… Hệ thống Tòa án đã nỗ lực rất lớn trong đề xuất chính sách, pháp luật nhằm củng cố, hoàn thiện vai trò, vị trí của Tòa án, đổi mới hoạt động của TAND các cấp. Đặc biệt, khi xây dựng Hiến pháp năm 2013, Tòa án đã tổng kết hoạt động của mình, từ đó đưa ra nhiều đề xuất trở thành nguyên tắc Hiến định, vị thế của Tòa án được nâng cao.

Những nỗ lực trong cải cách tư pháp đã nâng tầm vị thế Tòa án

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý

Cũng theo ông Phan Trung Lý, khi triển khai thể chế hóa 2 nghị quyết nêu trên, một số nội dung sau khi bàn đi, bàn lại đã bị đẩy lùi, chưa thực hiện được. Riêng trong lĩnh vực của mình, hệ thống Tòa án đã có rất nhiều cố gắng để thể chế hóa được các chủ trương của Đảng. Trong quá trình bàn về nguyên tắc tranh tụng, vì lý do này, lý do khác, không ít cơ quan, cá nhân không ủng hộ, thậm chí kiên quyết phản đối, nhưng cuối cùng vẫn được Tòa án bảo vệ thành công, trở thành nguyên tắc Hiến định.

Qua tổng kết thấy rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, cùng với yêu cầu làm tốt công tác giải quyết xét xử các loại vụ án, các Tòa án các cấp đã triển khai hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4; tích cực tham gia ý kiến trong quá trình sửa đổi Hiến pháp và tổ chức thi hành Hiến pháp, mà trọng tâm là đề xuất những nội dung liên quan tới chức năng, nhiệm vụ và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Tòa án được quy định trong Hiến pháp, trên cơ sở đó tổng kết, rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp, đặc biệt là Luật Tổ chức TAND và các luật tố tụng tư pháp.

Sau khi Luật Tổ chức TAND năm 2014 được Quốc hội thông qua, TANDTC phải khẩn trương chuẩn bị về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo hoạt động của TAND và Tòa án quân sự các cấp theo quy định mới của Luật Tổ chức TAND. Cũng trong các năm 2014, 2015, các Tòa án phải tập trung rà soát để chủ trì và tham gia sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật quan trọng như: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự...

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, TANDTC đã triển khai xây dựng nhiều Đề án về cải cách tư pháp, làm cơ sở đề xuất hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, nên nhiều chủ trương cải cách tư pháp đã được Tòa án đề xuất thể chế hóa trong Hiến pháp và các văn bản luật, nổi bật là: Hiến pháp năm 2013 đã quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; bổ sung nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”. Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng có nhiều điểm mới, như: Hệ thống TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, gồm 4 cấp; trong cơ cấu tổ chức của các TAND có Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Thẩm phán TANDTC phải được Quốc hội phê chuẩn trước khi trình Chủ tịch nước bổ nhiệm; quy định TANDTC có thẩm quyền lựa chọn và phát triển án lệ và có chức năng đào tạo đối với cán bộ, công chức Tòa án. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng các Luật tố tụng tư pháp, TANDTC đã đề xuất nhiều quy định nhằm thể chế hóa tinh thần cải cách tư pháp và quy định của Hiến pháp năm 2013, như quy định việc chuyển hướng không xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (Bộ luật Hình sự) hay là Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có quy định của pháp luật (Bộ luật Tố tụng dân sự)...

Giải quyết triệt để án oan

Tuy vẫn còn để xảy ra 3 vụ án oan và cho rằng với người dân thì 1 vụ án oan cũng gây thiệt hại rất lớn, nhưng nhiều thành viên trong UBTVQH đều nhận định: Nhiệm kỳ này, số vụ án oan đã giảm đáng kể. Điều quan trọng là hệ thống Tòa án đã nắm được số vụ án oan, lý do vì sao xảy ra oan và tìm ra hướng khắc phục. Bên cạnh đó việc dũng cảm nhận sai, kịp thời sửa sai, xin lỗi và bồi thường cho người bị kết án oan cũng thể hiện sự cố gắng rất lớn của Tòa án. Một số vụ án oan, Tòa án đã tiến hành xin lỗi công khai và bồi thường cho người bị oan, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Theo đó, trong nhiệm  kỳ, các Tòa án thụ lý 27 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết được 17 trường hợp thông qua thương lượng với tổng số tiền phải bồi thường là gần 11 tỷ đồng; đình chỉ giải quyết 8 trường hợp; còn lại 2 trường hợp đang trong quá trình thương lượng, giải quyết. Việc thương lượng về mức bồi thường, tổ chức xin lỗi công khai người được bồi thường được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định; sau khi có quyết định bồi thường, các Tòa án đã khẩn trương hoàn tất thủ tục để chi trả tiền bồi thường cho đương sự, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Đồng thời, các Tòa án đã thụ lý 51 vụ án dân sự do đương sự khởi kiện các cơ quan Nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN (trong đó, có 39 vụ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự; 5 vụ yêu cầu bồi thường thuộc lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước và 7 vụ yêu cầu bồi thường thuộc lĩnh vực thi hành án dân sự); đã giải quyết, xét xử 39 vụ, trong đó Tòa án đã tuyên các cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổng số tiền trên 32 tỷ đồng; còn lại 12 vụ đang trong quá trình xem xét, giải quyết. Với trách nhiệm của mình, TANDTC đã chỉ đạo Tòa án các cấp xem xét, giải quyết khách quan, thận trọng, đúng pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi của người được bồi thường, vừa đảm bảo đúng quy định, tránh phát sinh tiêu cực.

Từ kết quả đó, cùng với sự nỗ lực của mình, nhiệm kỳ tới, hệ thống Tòa án thể hiện quyết tâm chính trị của mình trong việc thực hiện triệt để hơn nguyên tắc tranh tụng để bảo đảm xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức TAND 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nỗ lực trong cải cách tư pháp đã nâng tầm vị thế Tòa án