Điều kiện thụ lý, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm

Quốc Huy| 22/05/2016 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 tới đây. Theo đó, có nhiều quy định liên quan đến thủ tục giải quyết các vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm có những thay đổi so với trước đây.

Những quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp trong thời gian tới. TANDTC cũng đã có những hướng dẫn cơ bản về vấn đề này.

Có thể gửi đơn khởi kiện, chứng cứ qua Cổng thông tin điện tử

Nhằm đảm bảo mọi người đều được tiếp cận công lý một cách thuận lợi; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, BLTTDS 2015 đã có những thay đổi quan trọng về thủ tục gửi, nhận và giải quyết đơn khởi kiện. Trong đó, có những nội dung đáng chú ý như: Ngoài thủ tục gửi đơn khởi kiện bằng phương thức nộp trực tiếp tại Tòa án, gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính, người khởi kiện còn có thể gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án giải quyết vụ việc qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Đây cũng là điểm mới nhằm tiến tới hiện đại hóa hoạt động của Tòa án và tạo mọi thuận lợi cho người khởi kiện.

Khi đương sự đến nộp đơn trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Còn trường hợp nhận đơn qua Cổng thông tin điện tử thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn đó. Sau khi nhận đơn, trong thời hạn 3 ngày việc, Chánh án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện phải có một trong các quyết định: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện theo thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 1 Điều 137 của Bộ luật này; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác hoặc trả lại đơn khởi kiện.

Điều kiện thụ lý, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm

Một phiên tòa giải quyết vụ án dân sự

BLTTDS 2015 cũng quy định rõ những trường hợp trả lại đơn khởi kiện, như: “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp  pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó”. Đặc biệt, nhằm khắc phục khó khăn vướng mắc về địa chỉ của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Bộ luật đã quy định:  Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có nghĩa vụ, quyền lợi có liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú, làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu đia chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Những căn cứ để Tòa án đình chỉ vụ án

Đáng chú ý, trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.

Đương sự cũng có quyền khiếu nại, kiến nghị Tòa án về việc bị trả lại đơn khởi kiện của mình. Đó là: Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp… có vi phạm pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, đương sự có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị với Chánh án TAND cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án TAND cấp tỉnh hoặc với Chánh án TANDTC nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án TAND cấp cao. Và, khi giải quyết những khiếu nại này, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, kiến nghị của VKS thì Chánh án phải ra quyết định và quyết định này là quyết định cuối cùng. Việc bổ sung quy định này nhằm giải quyết trong những trường hợp hai cấp tòa giải quyết việc khiếu nại quyết định trả lại đơn khởi kiện không đúng.

Một vấn đề quan trọng nữa được quy định trong BLTTDS 2015 là việc tạm đình chỉ để giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật mới. Để phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án và Luật Phá sản, Bộ luật cũng đã bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án và TANDTC quán triệt các Tòa án thực hiện. Đó là: Khi cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh của UBTVQH, văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo quy định. Đồng thời để nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong việc giải quyết vụ án, BLTTDS còn quy định, trong thời hạn tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, VKSND cùng cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều kiện thụ lý, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm