TANDTC tổ chức Hội thảo áp dụng án lệ: Khuyến khích các Tòa án viện dẫn án lệ khi xét xử

Tống Toàn| 14/08/2014 21:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 2 ngày 14,15/8, tại Hà Nội, TANDTC phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp (do Ủy ban châu Âu, Chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển tài trợ) tổ chức Hội thảo áp dụng án lệ. Dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC.

Việt Nam đã từng sử dụng án lệ

Các đại biểu của một số cơ quan Trung ương và nhiều Thẩm phán TANDTC đã được nghe ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC; ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chánh tòa Tòa Hành chính TANDTC thông tin về quá trình phát triển, áp dụng án lệ tại Việt Nam, những thuận lợi và khó khăn. Đồng thời, các đại biểu đã được nghe ông Jacob Gammelgaard, Cố vấn trưởng Chương trình đối tác tư pháp cùng các giáo sư tại Đại học Tilburg, nguyên Thẩm phán Tòa án tối cao Hà Lan nói về các giá trị cơ bản của cơ quan tư pháp và quá trình giải quyết các vụ án phức tạp.

TANDTC tổ chức Hội thảo áp dụng án lệ: Khuyến khích các Tòa án viện dẫn án lệ khi xét xử

Toàn cảnh buổi hội thảo

Theo ông Nguyễn Văn Cường, trên thế giới từ lâu đã hình thành nguyên tắc “Stare decisis”, nghĩa là phải tuân theo các phán quyết đã có (án lệ bắt buộc). Theo nguyên tắc này, một phán quyết của Tòa án ngoài ý nghĩa là cách giải quyết một vụ án cụ thể, còn có ý nghĩa thiết lập ra một “tiền lệ” để áp dụng cho những vụ án tương tự sau này, tạo ra sự bình đẳng trong việc xét xử, giúp tiên lượng được trước kết quả của các vụ tranh chấp. Điều này giúp các bên lưu ý khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng, tiết kiệm công sức của các Thẩm phán và các bên tham gia tranh tụng vì sử dụng những tình huống tương tự đã được giải quyết làm căn cứ giải quyết vụ việc…

Trên thế giới hình thành hai trường phái án lệ, đó là: “Án lệ ràng buộc” và “án lệ thuyết phục”. Tuy nhiên, việc phân biệt này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Án lệ ràng buộc hoặc bắt buộc chính là luật được lập ra và phải được tôn trọng và tuân thủ theo. Án lệ có sức thuyết phục là án lệ có tính phù hợp và có sức ảnh hưởng nhưng không nhất thiết phải được áp dụng. Đối với các nước thuộc hệ thống Common Law thì theo trường phái án lệ ràng buộc, đối với các nước thuộc hệ thống Civil Law thì theo trường phái án lệ thuyết phục.

Ở Việt Nam, việc sử dụng khái niệm “án lệ” có từ trước năm 1960. Khái niệm “án lệ” đã tồn tại và được sử dụng trong các văn bản pháp luật chính thức, công khai trên các tạp chí chuyên ngành, đường lối xét xử của Tòa án về những vụ việc cùng loại được tập hợp, phân tích, bình luận. Tuy nhiên, từ sau năm 1975 đến trước năm 2006 thì khái niệm án lệ hầu như không được sử dụng chính thức, trong các sách báo pháp lý, khái niệm án lệ vẫn được bàn luận nhưng chỉ mang tính chất nghiên cứu học thuật.

Khái niệm án lệ tiếp tục được sử dụng chính thức tại Nghị quyết số 49-NQ/TW: “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Như vậy, “án lệ” đang dần được khẳng định vai trò của mình, biểu hiện cụ thể cho việc này chính là việc TAND các cấp tham khảo Quyết định của các Tòa chuyên trách, Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và thông qua việc tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hành Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đến Tòa án các cấp.

Sẽ có nhiều thay đổi về áp dụng án lệ

Việt Nam đang nỗ lực hội nhập nền kinh tế quốc tế, tham gia vào các điều ước thương mại quốc tế song phương hoặc đa phương và gia nhập WTO. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu là công tác tài phán phải tiếp cận các vụ án có yếu tố nước ngoài. Điều này tạo được sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế như là một điều kiện quan trọng để các doanh nhân có thể yên tâm về việc lựa chọn tài phán tại Việt Nam thay vì phải đưa vụ tranh chấp ra các cơ quan tài phán của nước ngoài. Mặt khác, việc sử dụng án lệ tạo ra sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ giống nhau, góp phần giải thích các quy định chưa rõ của pháp luật, tiên đoán được kết quả giải quyết vụ án, tăng cường giáo dục pháp luật, tạo niềm tin cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước về tính minh bạch, công khai của hệ thống Tòa án.

Do đó, hiện nay, TANDTC đã có một lộ trình trong việc học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm xây dựng và áp dụng án lệ từ các hệ thống pháp luật nước ngoài. Qua nghiên cứu những học thuyết về án lệ và thực tiễn áp dụng của các nước theo hệ thống Common Law hay hệ thống Civil Law thấy rằng, việc sử dụng án lệ trong công tác xét xử không còn là vấn đề mới, thực tế được sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, khái niệm án lệ còn ít được nhắc đến, nhưng án lệ đã được sử dụng trong thực tiễn xét xử. Việc triển khai án lệ trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam sẽ góp phần hiện thực hóa những chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp trong những năm tới.

Theo đó, án lệ là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách TANDTC, được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua, trở thành án lệ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ không cứng nhắc, TANDTC thay đổi án lệ khi có sự sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật và sự thay đổi đường lối xét xử. TANDTC cho rằng, án lệ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể, việc sử dụng án lệ chỉ coi là thứ yếu, sau văn bản quy phạm pháp luật và không phải là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, án lệ được ban hành khi chưa có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Đồng thời, TANDTC khuyến khích các Tòa án khi xét xử viện dẫn án lệ của TANDTC. Việc viện dẫn án lệ vào một quyết định của Tòa án không có nghĩa, án lệ là cơ sở pháp lý cho quyết định của vụ án mà Tòa án xét xử. Cơ sở cho quyết định của Tòa án phải dựa trên cơ cở pháp luật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Viện dẫn án lệ là cách bày tỏ quan điểm về sự tôn trọng tính thống nhất trong áp dụng pháp luật của Thẩm phán, đảm bảo tính chặt chẽ và tính có căn cứ trong quyết định của mình, Thẩm phán tự mình quyết định có theo đường lối xét xử trong án lệ viện dẫn hay không. TANDTC giám sát các Tòa án cấp dưới trong sử dụng án lệ để đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Khi xét xử các vụ việc liên quan đến quyết định đã trở thành án lệ, các Thẩm phán phải có trách nhiệm viện dẫn án lệ, áp dụng án lệ đó nếu nhận thấy vụ việc đang xét xử có tính tương tự. Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải chỉ ra lý do chính đáng khi không áp dụng án lệ.

Án lệ sẽ bị bãi bỏ và những vướng mắc cần tháo gỡ

Theo đó, án lệ sẽ bị bãi bỏ khi văn bản QPPL mới được ban hành, thay đổi, bổ sung văn bản QPPL cũ hoặc quy định những vấn đề pháp lý mà án lệ đề cập đến. Án lệ có thể bị bãi bỏ bởi Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thiết lập ra án lệ, việc bãi bỏ án lệ của TANDTC do chính TANDTC thực hiện. Án lệ là sự bổ sung cho sự thiếu hụt của các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật khi chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh. Khi các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành những văn bản QPPL điều chỉnh những vấn đề được án lệ giải quyết trước đó thì án lệ đó không được áp dụng nữa.

Việc thừa nhận thẩm quyền ban hành án lệ để áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử không xâm phạm đến thẩm quyền giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi vì, quyết định của TANDTC trái với giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không thể trở thành án lệ.

Cho đến nay, án lệ vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam, có nhiều nguyên nhân, đó có thể là những cản trở về tư duy nhận thức án lệ. Khi nói đến án lệ, đã có nhiều quan điểm cho rằng, án lệ chỉ thích hợp với những nước trong hệ thống Common Law. Mặt khác, hiện nay, quan điểm cứng nhắc về pháp luật vẫn ngự trị trong tư duy của rất nhiều người cho rằng, khái niệm về pháp luật gắn với luật thực định hay nói cách khác, pháp luật chính là hệ thống các văn bản QPPL được Nhà nước ban hành theo một trình tự, thủ tục nhất định. Việc thừa nhận và triển khai áp dụng án lệ ở Việt Nam đang gặp phải những cản trở rất lớn là còn có những hạn chế về nhận thức sử dụng án lệ, như: Thẩm phán sẽ viện dẫn án lệ như thế nào? Án lệ có phải là cơ sở pháp lý cho quyết định của Thẩm phán khi xét xử hay không?...

Vì vậy, theo ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, để thực hiện định hướng phát triển án lệ đã được nêu tại Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”… và để hỗ trợ thực hiện tốt chức năng tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, thuận lợi cho việc tiếp tục triển khai án lệ, phù hợp với việc Việt Nam là nước theo hệ thống pháp luật thành văn, Nhà nước cần bổ sung nguyên tắc ban hành và sử dụng án lệ vào Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Ngày mai (15/8), Hội  thảo sẽ tiếp tục với phần trình bày của các đại biểu trong và ngoài nước. Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về hội thảo với những vấn đề đang rất được quan tâm về án lệ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC tổ chức Hội thảo áp dụng án lệ: Khuyến khích các Tòa án viện dẫn án lệ khi xét xử