Ứng xử như thế nào với đạo Mẫu để xứng tầm là Di sản văn hóa nhân loại?

Hà Thu| 07/12/2016 16:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng ta sẽ phải ứng xử như thế nào để Tín ngưỡng thờ Mẫu xứng tầm là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt

Ở nhiều nước trên thế giới, tín ngưỡng thờ nữ thần đã tồn tại từ rất sớm trong lịch sử văn minh của loài người. Còn ở Việt Nam, trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là một trong những tín ngưỡng lâu đời và phổ biến bậc nhất.

Ứng xử như thế nào với đạo Mẫu để xứng tầm là Di sản văn hóa nhân loại?

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội, hướng tới cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc và may mắn. Đây là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc từ quan niệm thần thánh hóa thiên nhiên của người Việt cổ, dưới khái niệm Thánh Mẫu, hay nữ thần Mẹ. Tín ngưỡng thờ Mẫu biến chuyển, thích ứng trong sự đổi thay của xã hội người Việt. Đồng thời lại được ra đời từ trong cuộc sống đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, cường quyền đè nén và nạn ngoại xâm tàn bạo, nên tín ngưỡng đã trở thành mối gắn bó rất tự nhiên với người dân lao động.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được hiểu là gắn liền với nhiều hình tượng người phụ nữ, là các nhân vật lịch sử hoặc được lịch sử hóa như Thánh mẫu Liễu Hạnh, Quốc mẫu Âu Cơ, Vương Mẫu (tương truyền là người mẹ của Thánh Gióng), Linh Sơn Thánh Mẫu…

Trong dân gian, tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ.

Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển và hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (ba phủ trên có thêm Địa phủ). Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật Chầu văn hay còn gọi là Hát văn - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia.

Được biết, trong số các hồ sơ gửi UNESCO xét duyệt, Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam là 1 trong số 18 hồ sơ được thông qua mà không cần thảo luận. 19 hồ sơ còn lại trong phiên họp của Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO đều gây ra những tranh luận quyết liệt, bao gồm cả di sản Yoga của Ấn Độ.

Hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận với những tiêu chí nổi bật. Di sản được coi là một phương thức quan trọng đối với các cộng đồng để thể hiện ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết và đáp ứng nhu cầu tâm linh.

Việc ghi danh di sản này sẽ góp phần vào khả năng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản ở các cấp độ khác nhau, do có những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tôn thờ các thánh mẫu (nữ thần) như là biểu tượng của lòng từ bi và ban ơn trong các phần còn lại của thế giới, và sự kết hợp của đạo giáo, Phật giáo và nhiều tôn giáo khác đại diện cho di sản này.

Đây là di sản chung của nhiều nhóm dân tộc ở Việt Nam, do đó việc ghi danh sẽ khuyến khích đối thoại và tôn trọng sự đa dạng văn hóa ở cấp địa phương. Sự sáng tạo của con người sẽ phong phú hơn vì các yếu tố nghệ thuật của di sản bao gồm những bộ trang phục, điệu múa và âm nhạc chiếm một vị trí quan trọng trong lễ hội.

Từ những năm 1990, Việt Nam đã tiến hành những biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản từ cấp Trung ương đến địa phương. Những biện pháp này thể hiện sự cam kết của Chính phủ, cộng đồng và các nhóm chuyên nghiệp trong việc bảo tồn di sản.

Mục tiêu tổng quát là nhằm bảo vệ di sản chống lại các mối đe dọa đến từ bên ngoài và bên trong, chẳng hạn như việc thương mại hóa quá mức hay các nghi thức cúng bái bị bóp méo.

Nếu buông lỏng…hậu quả sẽ khôn lường

Ứng xử như thế nào với đạo Mẫu để xứng tầm là Di sản văn hóa nhân loại?

Hầu đồng- Ảnh: Nguyễn Á/Tuổi trẻ

Trong đời sống hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu được cộng đồng biết tới qua khái niệm "hầu đồng" – hình thức diễn xướng chủ yếu của tín ngưỡng này. Thực tế, trong quá khứ, cũng đã có một thời gian dài tín ngưỡng thờ Mẫu và diễn xướng hầu đồng không được phép vận hành vì các biến tướng liên quan tới mê tín dị đoan.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, tín ngưỡng này đã được nhìn nhận lại với quan điểm đa chiều hơn – trong đó, những yếu tố về văn hóa truyền thống, âm nhạc và nghệ thuật diễn xướng được giới chuyên môn đánh giá khá cao.

Với việc được vinh danh lần này, Tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại thứ 11 mà Việt Nam sở hữu. 10 danh hiệu trước đó thuộc về Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ, Ca trù (đều trong năm 2009), Hội Gióng (2010), Hát xoan Phú Thọ ( 2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ( 2012), Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh ( 2014) và Nghi thức kéo co (2015).

Theo GS.TSKH Ngô Đức Thịnh, việc hồ sơ quốc gia “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại là một niềm vui lớn lao nhưng cũng đặt ra vấn đề: “Việt Nam phải ứng xử với đạo Mẫu như thế nào để xứng tầm là Di sản của nhân loại”.

Nói như GS Ngô Đức Thịnh, nước ta hiện nay có hàng nghìn tín đồ đạo Mẫu, đền phủ thờ Mẫu… nhưng nếu cứ buông lỏng như hiện tại hậu quả sẽ khôn lường. Ông khẳng định, trong tín ngưỡng thờ Mẫu không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng và luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa. Đây là vấn đề của cả nhân loại, cả thế giới đang kêu gọi chung tay bảo vệ chứ không riêng của Việt Nam.

Lý do khiến đạo Mẫu trở nên phát triển mạnh là bởi đây là một tín ngưỡng thuần Việt xuất phát từ nhu cầu tâm linh của người Việt. Bên cạnh đó, xã hội phát triển theo cơ chế thị trường cộng với việc đô thị hoá ngày càng cao đã thúc đẩy đạo Mẫu bùng phát. Sự bùng phát này không theo một khuôn khổ hay trật tự nào cả dẫn đến những hệ luỵ mang tính tất yếu.

“Đã đến lúc cần phải có sự tính toán và có thái độ như thế nào đó để đạo Mẫu không bát nháo như bây giờ. Cái quan trọng nhất là bây giờ cần phải tổ chức các tín đồ đạo Mẫu lại để hướng họ đi theo một hướng dễ quản lý nhất. Thực tế là chúng ta đã buông lỏng vấn đề này từ lâu, để cho các cá nhân tự do trong tín ngưỡng của họ. Điều này xét về góc độ tôn giáo thì rất tích cực nhưng nó cũng đã tạo ra những hệ luỵ rất đáng tiếc.

Cụ thể là sự biến tướng của nghi lễ hầu đồng và rất nhiều hoạt động mê tín dị đoan trá hình. Vấn đề này chúng tôi cũng đã đề cập với Ban Tôn giáo Chính phủ khá lâu và họ cũng đã có những đề án nhất định. Trong thời gian tới đây, chắc chắn chúng ta sẽ phải quyết tâm làm”, GS Ngô Đức Thịnh cho biết.

Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu

Cho tới nay, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta chưa biết chính xác có từ khi nào. Các nhà nghiên cứu cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III hoặc thứ II trước công nguyên. Và thờ Mẫu có nguồn gốc ở miền Bắc.

Các vị được thờ trong các đền, chùa, miếu, điện; đặc biệt là có Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ trong một loại hình kiến trúc riêng là Phủ: Phủ Dầy, Phủ Tây Hồ. Vào đến miền Nam, “đạo” này đã hoà nhập “Mẫu” với các nữ thần trong tín ngưỡng địa phương: Thánh Mẫu Thiên Y A Na (Huế), Thánh Mẫu Linh Sơn (Tây Ninh).

Theo GS. Ngô Đức Thịnh, đạo Mẫu bắt nguồn từ thờ nữ thần (thần Lúa) và thờ mẫu thần (bà Ỷ Lan), nó mang tính bản địa, cái đó có từ thời nguyên thủy. Phát hiện khảo cổ học hiện nay người ta đã đào được tượng của nữ thần, tượng của phụ nữ với những đặc tính nữ tính rất rõ rệt. Những yếu tố bản địa phải đến thế kỷ thứ XV-XVI khi đạo thờ nữ thần, mẫu thần bản địa Việt Nam tiếp xúc với đạo giáo Trung Hoa, chúng ta đã tiếp nhận một số đặc điểm nào đó và từ đó mới hình thành nên đạo mẫu tam phủ, tứ phủ. Do vậy mà đạo Mẫu có 3 lớp: Thờ Nữ thần; Thờ Mẫu thần; Thờ Mẫu tam phủ – tứ phủ và Mẫu tam phủ – tứ phủ là đỉnh cao của thờ Mẫu, chính là sự hòa trộn giữa cái tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa với ảnh hưởng của đạo giáo Trung Hoa.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử như thế nào với đạo Mẫu để xứng tầm là Di sản văn hóa nhân loại?