Từ vụ trâu chọi húc chết chủ ở Đồ Sơn: Bao giờ mới an toàn, không bạo lực?

Hà Thu| 02/07/2017 19:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù được dự báo, thậm chí là cảnh báo từ trước, nhưng sự mất an toàn, thậm chí là thiệt mạng như ở Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa qua vẫn còn tái diễn khiến nhiều người lo lắng.

Nguy cơ thiếu an toàn

Thông tin một chủ trâu chọi bị tử vong sau khi bị chính trâu của mình húc trọng thương ở vòng loại tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 vào chiều 1/7 vừa qua làm dư luận không khỏi bàng hoàng. Sự cố đáng tiếc này ngay lập tức nhận được sự quan tâm rất lớn của cả xã hội. Ngay trong chiều 1/7/2017, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã có công văn hỏa tốc gửi Sở VH-TT Hải Phòng yêu cầu báo cáo sự việc, đồng thời yêu cầu kiểm tra, rà soát công tác Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong lễ hội.

Từ vụ trâu chọi húc chết chủ ở Đồ Sơn: Bao giờ mới an toàn, không bạo lực?

Trâu số 18 bất ngờ đuổi, húc chủ trâu đối thủ, rồi sau đó lại bất ngờ quay lại húc chính chủ của mình nhiều lần. (Ảnh: Thể thao Văn hóa)

Được biết, trong trường hợp khi công tác chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội chưa đảm bảo an toàn theo quy định, Bộ VHTTDL đã đề nghị UBND thành phố Hải Phòng tạm thời dừng việc tổ chức Lễ hội chọi trâu năm 2017. Báo cáo biện pháp khắc phục hậu quả của sự việc nêu trên về Cục Văn hóa cơ sở để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL trước ngày 5/7/2017.

Sự mất an toàn trong Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nói riêng và một số lễ hội chọi trâu trên phạm vi cả nước đã được cảnh báo, dự báo từ trước. Tuy nhiên, những tình huống nguy hiểm, mất an toàn như thế này vẫn diễn ra trong mùa lễ hội. Còn nhớ, năm ngoái, sau trận đấu loại căng thẳng, một thanh niên đã bị trâu chọi hất văng ra xa trên sân cỏ khi đang cố gắng lao vào bắt trâu đã khiến nhiều người giật mình. Đặc biệt, hẳn nhiều người còn nhớ vụ trâu điên số 24 ở vòng đấu loại của năm 2011 khi có tới 2 người bị trâu húc trọng thương, phải nhập viện. 

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ở TP.Hải Phòng đã có từ lâu đời. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đến năm 1990, lễ hội được phục dựng. Hàng năm, tại đây diễn ra vòng sơ loại để tuyển chọn những “ông trâu” xứng đáng lọt vào vòng chung kết.

Ngày chính hội cũng như vòng chung kết sẽ diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch. 16 “ông trâu” chia làm 8 cặp thi đấu theo thể thức loại trực tiếp để tìm ra “ông trâu” vô địch.

Còn nhớ, đầu năm nay, Lễ hội chùa Hương cũng gây bức xúc trong dư luận với một bức ảnh làm nóng mạng xã hội khi nhà sư thay vì phát lộc mà tung lộc, dẫn đến tình trạng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy nhau. Đây không chỉ là hành động phản cảm mà còn gây mất an toàn cho những người tham gia lễ hội. Đã có không ít người, vì tranh cướp mà bị giẫm đạp lên người, dẫn đến ngạt thở, ngất xỉu phải đi cấp cứu, v.v…

Có thể thấy, thời gian qua, mặc dù một vài lễ hội “nóng” đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, việc “chém lợn tế thần”, “phóng lao giết trâu”, “cướp lộc”, “cướp phết”…vẫn diễn ra, gây ra cái nhìn trái chiều về lễ hội truyền thống. Mặc dù làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã không chém lợn ở giữa sân đình nữa, hội Đả cầu cướp phết ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc), Cướp phết ở Hiền Quan (Phú Thọ), lễ hội chọi trâu, đâm trâu trên phạm vi cả nước đã diễn ra ít ẩu đả hơn, nhưng tình trạng mất an toàn vẫn còn là mối lo của nhiều người. Những lễ hội mang tính bạo lực như thế này tiếp tục bị dư luận và cả các đơn vị, tổ chức, như Tổ chức Động vật Châu Á lên án, kiên quyết phản đối vì những yếu tố phản cảm, bạo lực, gây đau đớn cho động vật…Không chỉ có vậy, bản thân người tham gia lễ hội, nếu không may, cũng mang “vạ” vào thân, nhẹ thì xây xát, nặng hơn có thể chảy máu, nặng hơn nữa có thể nhập viện, và thậm chí có thể mất mạng như người đàn ông ở Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa qua.

Bao giờ mới an toàn?

Chọi trâu, đâm trâu, chém lợn hay cướp phết không thể phủ nhận là những nghi thức trọng tâm, từng là nhân tố tạo nên nhiều hứng khởi, phấn khích cho mọi đối tượng tham gia lễ hội. Tuy nhiên, khi đã mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người, chưa nói đến vấn đề có còn phù hợp với tình hình hiện nay hay không thì tình trạng bạo lực trong lễ hội như thế tất yếu phải thay đổi. TS.Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam từng chia sẻ với báo chí rằng không hẳn là những nghi thức “đinh” ở các lễ hội truyền thống là không thể thay đổi. TS.Trần Hữu Sơn cho rằng, khi chưa có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối thì việc tổ chức nghi lễ mang tính trình diễn như hội Đả cầu cướp Phết là có thể chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung nhằm đảm bảo vừa giữ được tính thiêng của lễ hội, vừa hài hòa với nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng.

Từ vụ trâu chọi húc chết chủ ở Đồ Sơn: Bao giờ mới an toàn, không bạo lực?

Hình ảnh đẹp trong ngày đầu tiên diễn ra Lễ hội Đền Hùng năm nay. Ảnh: T.H

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa qua, trả lời chất vấn của các đại biểu về tình trạng một số lễ hội dân gian có tính chất bạo lực như lễ hội chém lợn, đâm châu, cướp lộc gây phản cảm, làm méo mó và làm xấu đi nét truyền thống văn hóa dân tộc, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã thẳng thắn thừa nhận những yếu kém trong quản lí mỗi khi diễn ra mùa diễn ra lễ hội do nhân tố con người.  Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa  nhận hiện tại chưa có một nghị định cụ thể nào điều chỉnh các loại hình lễ hội ở nước ta, vì thế Bộ đang đề nghị Chính phủ giao cho Bộ xây dựng Nghị định về quản lý lễ hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội. Trong đó, Lễ hội dân gian có hơn 7.000 lễ hội, chiếm 88,36%; Lễ hội lịch sử, cách mạng có 332 lễ hội, chiếm 4,16%; Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch có 40 lễ hội, bằng 0,5%; Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam có 11 lễ hội, bằng 0,12%. Bên cạnh đó, còn có loại hình Lễ hội tín ngưỡng được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

Sau khi mùa lễ hội năm 2015 kết thúc, Bộ VHTTDL đã quán triệt các địa phương với tinh thần tổ chức lễ hội giữ được nét đẹp văn hóa. Ban Bí thư cũng ban hành chỉ thị về tổ chức lễ hội, Thủ tướng cũng ban hành công điện và chỉ thị về vấn đề này; Bộ cũng có văn bản có liên quan.

Hiện, chính quyền các địa phương cũng đã vào cuộc, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị với các cộng đồng tổ chức lễ hội để thống nhất bỏ các yếu tố phản cảm trong lễ hội như thời gian vừa rồi.

Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư 15 về việc không tái diễn những tập tục mang tính bạo lực, man rợ trong lễ hội. Khoản 3 Điều 4 của Thông tư quy định rõ: “Không tổ chức các lễ hội có nội dung: Kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam…”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ trâu chọi húc chết chủ ở Đồ Sơn: Bao giờ mới an toàn, không bạo lực?