Tìm về cội nguồn nghệ thuật dân gian vùng Đất Tổ

Phạm Bá Khiêm| 06/04/2017 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - chúng ta về Đất Tổ, viếng mộ, thăm Đền Hùng, cùng nhau tìm hiểu thêm về cội nguồn nghệ thuật dân gian đầu tiên của dân tộc Việt Nam để tăng thêm niềm tự hào dân tộc.

Năm 1437, khi được Vua Lê Thái Tôn sai soạn Lễ nhạc, Nguyễn Trãi đã viết: “Thời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng nhạc. Ngày nay định ra lễ nhạc chính là phải lắm; song không có gốc thì không thể bền vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc...”.

Phú Thọ, vùng Đất Tổ Hùng Vương, nơi khởi phát cội nguồn dựng nước của dân tộc Việt Nam. Đất Tổ Hùng Vương cũng là nơi phát tích cái nôi nuôi dưỡng, tiếp nối và phát triển nền văn hóa bản địa, trong đó có nền nghệ thuật dân gian ngày càng phong phú và độc đáo của dân tộc ta.

Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - chúng ta về Đất Tổ, viếng mộ, thăm Đền Hùng, cùng nhau tìm hiểu thêm về cội nguồn nghệ thuật dân gian đầu tiên của dân tộc Việt Nam, để tăng thêm niềm tự hào dân tộc. 

Tìm về cội nguồn nghệ thuật dân gian vùng Đất Tổ

Tiết mục hát xoan Phú Thọ do các nghệ nhân của phường Xoan Phù Đức trình diễn tại miếu Lãi Lèn. Ảnh: Lê Hoàng

Miếu Lãi Lèn - “Nhà hát” đầu tiên

Theo Sự tích hát Xoan của xã Kim Đức, miếu Lãi Lèn là nơi các Vua Hùng truyền dạy điệu hát Xoan cho thôn dân, vì vậy, hát Xoan còn được gọi là hát Lãi Lèn. Câu hát đệm chính của Xoan là “Len là len hỡi là len...” góp thêm một lý giải cho sự tích này. Theo lịch hát hàng năm, thì cứ sáng ngày mồng 1 Tết các họ Xoan sẽ hát ở miếu Lãi Lèn.  Đó cũng là ngày đầu năm mới, cả làng náo nức nghênh xuân.

Miếu Lãi Lèn được xây trên một gò đất giữa đồng thuộc thôn Phù Đức, cách Đền Hùng khoảng ba cây số. Chung quanh miếu là những thửa ruộng nước xen kẽ hàng trăm quả đồi hình bát úp. Kiến trúc miếu Lãi Lèn như một điểm nhấn giữa một vùng đồi cọ, đồng lúa xanh ngút ngát. Được xây dựng công phu và tinh tế, ngôi miếu mang hình chữ đinh, đầu đao góc mái, cao hơn 5m, rộng chừng 250m2.

Di tích miếu Lãi Lèn được phục dựng trên nền móng của ngôi miếu cũ. Trong quá trình đào móng, những người thợ xây dựng miếu không phát hiện được gì nhiều ngoài một vài dấu tích của gạch đá ong. Giả định rằng ngôi miếu cổ này có từ thời đại Hùng Vương thì cũng chỉ được làm bằng tre, gỗ, mái lợp lá cọ, đến nay không thể lưu lại gì. Cổ xưa là thế, giản dị, mộc mạc như chuyện Vua Hùng dạy dân cấy lúa, như hai nàng Mỵ nương công chúa soi gương bằng giếng ngọc. Nhưng quý thay, lời hát, điệu múa không mất đi, thậm chí trải qua nhiều thế kỷ, hát Xoan vẫn dùng nhiều từ Việt cổ cho đến nay không còn nguyên nghĩa. Miếu Lãi Lèn - “Nhà hát” đầu tiên của người Việt.

Nàng Quế Hoa - Ca nương đầu tiên

Theo truyền thuyết dân gian vùng Đất Tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước (hơn 2000 năm trước Công nguyên). Người ta tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, chúc tụng các Vua Hùng mà còn để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn...

Tập "truyền thuyết Hùng Vương" đã ghi sự tích của hát Xoan như sau: "Vợ Vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Có một người hầu tâu với Vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vợ Vua Hùng nghe lời, cho mời nàng Quế Hoa đến. Quế Hoa vâng theo lời triệu, đến chầu Vua Hùng. Bấy giờ vợ Vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội, mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa vâng lời miệng hát, tay múa, đi qua, đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt, khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sinh được ba người con trai khôi ngô dẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa hát chầu vợ vua Hùng vào đầu mùa xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là hát xoan".

Bạch Hạc - Có phường xiếc đầu tiên biểu diễn

Trong cuốn “Thiên Nam vân lục liệt truyện” (tân biên) của Nguyễn Hãng, hiệu Nại Hiên tiên sinh, quê làng Dòng (Xuân Lũng, Lâm Thao) viết vào thời Lê Thánh Tông (1460-1479) có truyện “Quỷ xương cuồng”, nói về cây chiên đàn và những trò diễn xưa ở đất Bạch Hạc, thuộc thành phố Việt Trì bây giờ. Chuyện rằng: “Thời thượng cổ, đất Phong Châu có một cây cổ thụ lớn là cây chiên đàn, gỗ thơm, cao hơn ngàn trượng, cành lá um tùm phủ quanh đến mấy chục dặm. Có hàng ngàn con chim hạc lông trắng sống trên cây nên người ta gọi đất ấy là đất Bạch Hạc. Cây lâu năm, hóa “Mộc tinh”, thành yêu quái dũng mãnh đầy uy lực chuyên làm hại dân lành. Kinh Dương Vương dùng thần thuật thắng nó khiến yêu khí có bớt nhưng vẫn xuất hiện đây đó rất khó lường. Dân quanh vùng sợ lắm, gọi nó là quỷ xương cuồng (quỷ điên), dựng đền thờ nó. Cứ cuối năm, phải dùng người sống tế thì mới được yên. Năm nào cũng thế mà không làm gì được.

Đến thời Đinh Tiên Hoàng, nhà vua mời một đạo sỹ tên là Vân Du dùng thuật lạ mới giết được con quỷ điên này. Thuật lạ bao gồm: kỵ (cưỡi), can (xào), điếu (câu), hiểm (vỗ tay) thường tổ chức vào dịp cuối năm để dâng hiến các thần, cũng có thể dùng để lừa quỷ điên.
Kỵ là cưỡi ngựa phi chạy, lựa mình nhặt lấy vật rơi dưới đất.

Can là nằm ngửa dùng chân nâng gậy để người khác quất vào đầu gậy mà không đổ

Điếu là làm cầu phi vân cao 12 thước, bện đay làm chão dài 26 thước, buộc hai đầu chôn dưới đất mắc lên cây mà đi lại, chạy nhảy, treo mình, cúi ngửa trên cây mà không ngã xuống.

Hiểm là vỗ tay nhảy nhót, hoan hô gào thét, lăn đi lật lại, tiến lui lên xuống.

Những trò diễn này thường có chuông trống náo loạn, có ngâm vịnh, nhảy múa góp vui. Trong lúc bày cuộc vui náo nhiệt, thờ phụng, quỷ điên vui vẻ hưởng lễ, không để ý đến việc khác, Vân Du lừa lúc nó không đề phòng, đọc câu quyết thần bí rồi dùng kiếm chém chết. Bộ hạ của quỷ điên chạy tan tác cả. Từ đó yêu khí hết, dân chúng yên ổn làm ăn”.

Trống đồng Đền Hùng - Nhạc khí đầu tiên

Trống đồng Đền Hùng (Hy Cương ), được phát hiện năm 1990 trong trường hợp rất tình cờ. Gia đình ông Triệu Văn Thành trong khi đào hố tôi vôi đã phát hiện trống ở độ sâu 0,5m cách mặt đất. Trống đồng Đền Hùng đã được các nhà khoa học xếp vào loại đứng đầu hàng dọc trong hệ thống trống loại Hêgơ I đã tìm thấy ở Việt Nam.

Là loại trống lớn, mặt trống có hình mặt trời gồm 12 tia, có họa tiết chim Lạc và người hóa trang cách điệu. Mặt trống không chờm khỏi tang, thân trống chia làm 3 phần rõ rệt, có các họa tiết hình thuyền chở người hóa trang, hình chim cách điệu, họa tiết văn trám lồng, văn khắc vạch, văn tròn có chấm giữa, có cặp quai kép. So với các trống cùng niên đại như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ thì trống đồng Đền Hùng có kích thước lớn hơn (ĐK mặt: 93cm; ĐK đáy: 94cm; Cao: 66cm; Trọng lượng: 90kg) và có kiểu dáng bề thế hơn.

Nhìn trên bản đồ phía tả ngạn sông Thao từ Lào Cai về đến Việt Trì thì hiện nay duy nhất phát hiện được trống loại I đó là trống đồng Đền Hùng. Với kỹ thuật đúc và nghệ thuật trang trí đạt tới trình độ cao về kỹ thuật luyện kim đồng thau. Trống Đền Hùng có hoa văn trang trí khá phong phú và cách điệu cao đã phản ánh được tư duy và cuộc sống của con người thời Hùng Vương.

Văn hóa dân gian là tài sản của nhân dân, thuộc về nhân dân và sống trong đời sống của nhân dân. Nhiệm vụ của chúng ta là chăm bón, vun xới, vừa giữ vững cho gốc, vừa kích thích để làm nảy nở những chồi non vươn lên hấp thụ ánh sáng, hội nhập cùng thời đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm về cội nguồn nghệ thuật dân gian vùng Đất Tổ