Thu Vọng Nguyệt: Nối tiếp dòng chảy văn hóa và nỗ lực phát triển du lịch

Hà Thu| 03/11/2017 16:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn 200 hình ảnh của 30 “tay máy” mang tới một diện mạo mới đầy sức sống và rực rỡ cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám với nỗ lực thu hút du khách trong và ngoài nước.

Sáng nay (3/11), tại sân Thái Học, Văn Miếu Quốc Tử Giám, lễ khai mạc Triển lãm ảnh Thu Vọng Nguyệt chính thức khai mạc. Đến tham dự chương trình, có đại diện của Sở Văn hóa và Thể thao du lịch Hà Nội, Ban quản lý Văn Miếu, nhà sử học Dương Trung Quốc…cùng các học giả, nghệ nhân, nghệ sĩ như nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ sĩ Chiều Xuân, Xuân Bắc, họa sĩ Lê Thiết Cương, đạo diễn Phạm Hoàng Nam…

Thu Vọng Nguyệt: Nối tiếp dòng chảy văn hóa và nỗ lực phát triển du lịch

Triển lãm ảnh Thu Vọng Nguyệt ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám

Theo phía BTC cho biết, 30 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và cả không chuyên đã chụp lại gần 10.000 bức ảnh với 3 chủ đề chính: Thu tinh hoa, Thu tương ngộ và Thu tuổi thơ trong những đêm trung thu vừa qua tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám.  Và sau gần một tháng làm việc, BTC đã chọn ra hơn 200 tác phẩm với tiêu chí bắt được các khoảnh khắc đắt giá nhất nhằm vẽ lên một hình ảnh Văn Miếu cổ kính nhưng mới lạ, sống động mang đậm hơi thở của thời đại hoà quyện cùng các giá trị truyền thống. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm là bản hòa tấu đa sắc màu đánh thức mọi giác quan người xem bằng sự giao thoa hòa quyện giữa bản sắc xưa - nay, cũ - mới, truyền thống và hiện đại, thể hiện qua: Đêm hoa đăng (tác giả Nguyễn Việt Thanh), Lung linh Khuê Văn Các (tác giả Lê Việt Khánh), Tiếng xưa (tác giả Minh Ngọc), Đất trời giao thoa (tác giả Hải Bá), Thu tuổi thơ (tác giả Chí Linh), Trăng cười (tác giả Hòa Nguyễn), Ông đồ già (tác giả Quý Đoàn)...

Thu Vọng Nguyệt: Nối tiếp dòng chảy văn hóa và nỗ lực phát triển du lịch

Bức ảnh đoạt Giải nhất - Lung linh Khuê Văn Các của tác giả Lê Việt Khánh

Thu Vọng Nguyệt: Nối tiếp dòng chảy văn hóa và nỗ lực phát triển du lịch

Bức ảnh nhận Giải nhì - Em cầm đèn sao của Hoàng Thuận 

Thu Vọng Nguyệt: Nối tiếp dòng chảy văn hóa và nỗ lực phát triển du lịch

Bức ảnh Giải ba - Cổ tích đêm trăng - Tiến Dũng

Thu Vọng Nguyệt: Nối tiếp dòng chảy văn hóa và nỗ lực phát triển du lịch

Bức ảnh Giải ba - Góc sân tuổi thơ - Minh Ngọc

Theo đại diện BTC, Triển lãm ảnh lần này tiếp tục dòng chảy văn hóa đó, với việc "làm mới" và "sống động hóa" các di tích ngay tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám cũng là một trong những cách để thu hút khách du lịch, đồng thời khơi gợi sự trân trọng và gìn giữ di sản văn hóa, tinh hoa của cha ông còn được Ban tổ chức gửi gắm qua việc phát hành bộ sách ảnh và Postcard cùng tên.

Thu Vọng Nguyệt: Nối tiếp dòng chảy văn hóa và nỗ lực phát triển du lịch

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Văn Miếu Quốc Tử Giám và đại diện Sở Văn Hóa và Thể Thao Hà Nội

TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia sẻ:  “Tôi cũng như rất nhiều người đều bị bất ngờ, không nghĩ rằng sau Thu Vọng Nguyệt được tổ chức vào rằm Tháng 8 vừa qua, BTC của chương trình lại tiếp tục dòng cảm xúc này, sự kiện này để có chương trình Triển lãm ảnh lại diễn ra đúng vào ngày Rằm tháng 9 này. Dịp này, chúng ta lại về Văn Miếu Quốc Tử Giám, trong không gian cổ kích và trang nghiêm ở đây, lại tiếp tục dòng cảm xúc từ Thu Vọng Nguyệt cách đây 1 tháng.

Ban đầu những người trong BTC đề xuất được tổ chức chương trình tại đây, chúng tôi cũng vô cùng ái ngại bởi trong không gian cổ kính, trang nghiêm như Văn Miếu Quốc Tử Giám, để tổ chức các sự kiện không phải là dễ dàng gì. Nhưng khi chứng kiến toàn bộ quá trình thực hiện của ê-kip, chúng tôi không còn lo lắng nữa khi ê-kip là những người tận tâm và tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống”.

“ Chương trình này đã làm cho Văn Miếu Quốc Tử Giám có một sức sống mới. Trước kia, chúng ta thường biết đến Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa,lịch sử, nhưng đều mang tính trừu tượng, khi Thu Vọng Nguyệt được tổ chức thì sự trừu tượng đó đã bước ra ngoài cuộc sống của chúng ta, vì thế mà chương trình đã làm cho những giá trị văn hóa lịch sử vốn mang tính trừu tượng đó hiển hiện ra, đến gần hơn với mọi người, nhất là đối với thế hệ trẻ. Tất cả những hoạt động trong chương trình đều nhân văn, nhân bản, vì xét cho đến cùng nó gắn với con người và làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.

Dòng sông ánh sáng của chương trình, tôi rất mong rằng nó sẽ nuôi dưỡng và tưới mát cho tình yêu, tình thương của người Việt , làm cho người Việt chúng ta yêu nhau hơn, thương nhau hơn, sống cùng với nhau, sống cùng thế  giới và sống trong thế giới”- TS. Lê Xuân Kiêu cho biết.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam bộc bạch: “Với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ, các nhà thiết kế như Đức Hùng, Anh Thư, Xuân Bắc, Tự Long…và đặc biệt là những nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên, chúng tôi chỉ việc sắp đặt lại những mảng màu sắc ấy ở không gian Văn Miếu để tạo thành một bức tranh chung”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, Giám đốc mỹ thuật của Thu Vọng Nguyệt thì lại có chia sẻ như thế này: “ Tôi là nghệ sĩ nên làm cái gì cũng phải có cảm hứng. Vì thế, khi nhận được lời mời của Đạo diễn Phạm Hoàng Nam, tôi có nói là đây là lần đầu tiên trong đời tôi được  làm một sự kiện lớn như thế ở Văn Miếu, nơi chứa đựng không gian văn hóa vô cùng đặc biệt. “Đề bài” mà anh Nam, chị Hạnh ra là rất hay. Tôi có tìm hiểu qua bạn bè, qua sách báo…, tôi thấy từ năm 1975 đến nay chưa có một sự kiện nào về Tết Trung Thu được tổ chức ở Văn Miếu. Và tôi đặc biệt nhớ câu nói khi anh Nam mời tôi, anh bả: “Ông toàn quyền tự do sáng tạo”, tôi không bị anh Nam bảo là nên làm theo hướng này, nên làm theo hướng kia”.

Thu Vọng Nguyệt: Nối tiếp dòng chảy văn hóa và nỗ lực phát triển du lịch

Nghệ sĩ Chiều Xuân

Trong số những anh em nghệ sĩ có mặt tại lễ khai mạc triển lãm ảnh, nghệ sĩ Chiều Xuân có lẽ là người “nổi bật” nhất và cũng xúc động nhất. Chị diện chiếc áo dài truyền thống có in hình cánh hạc với họa tiết hoa sen. Nghệ sĩ Chiều Xuân cũng là MC của Thu Vọng Nguyệt. Trở lại lần này, nghệ sĩ Chiều Xuân bảo rằng chị vẫn còn nguyên cảm xúc của Thu Vọng Nguyệt hôm Rằm tháng 8 và đến buổi triển lãm này lại càng thấy hân hoan, phấn khích và thấy tự hào hơn.

“Mọi thứ của Thu Vọng Nguyệt ở Văn Miếu đều rất là đẹp, đều khiến tôi có cảm giác như được trẻ lại, trở về với tuổi thơ, rất trong trẻo và hồn nhiên, tôi đang được thưởng thức những điều đẹp đẽ. Không những bản thân mình mà tôi còn thấy mọi người xung quanh, từ người già cho đến trẻ con, ai vào đây cũng đều vui vẻ, lúc ra về đều hân hoan, cho nên tôi thực sự cảm động. Dù khá là hồi hộp và lo lắng, nhưng nhìn mọi người và vì tình yêu với trung thu, với giá trị văn hóa truyền thống, tôi cũng đã dũng cảm, vượt qua chính mình để lần đầu tiên làm MC, dẫn dắt mọi người cùng hòa vào không khí ấy, không gian ấy…tham gia vào điều tốt đẹp này”.

Cũng trong mạch cảm xúc của nghệ sĩ Chiều Xuân, NSƯT Xuân Bắc dí dỏm nói rằng anh có quá nhiều kỷ niệm với Thu Vọng Nguyệt khi đến tham gia Triển lãm ảnh lần này. Anh bảo, khi được làm việc tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, anh em nghệ sĩ đều cảm thấy rất sung sướng vì đây không chỉ là địa điểm văn hóa tâm linh của người Việt mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc. Khi nhìn những bức ảnh, Xuân Bắc kể lại, trước và sau sự kiện Thu Vọng Nguyệt, anh đều ở lại đến cuối cùng để chụp ảnh đến tận 1,2 h sáng. Không chỉ có anh mà anh còn mời cả gia đình của mình và một số gia đình khác ở lại sau cùng, anh bảo chụp ảnh đến mức mà chụp đến đâu, rút đèn đến đó để thu dọn cho mọi người.

“Tôi muốn kể điều này ra vì muốn nói rằng khác với các chương trình mà tôi tham gia, thường tôi có mặt, hết chương trình thì tôi về để chuẩn bị cho sự kiện khác thì Thu Vọng Nguyệt lại là chương trình tôi cũng như anh em nghệ sĩ rất để tâm, tôi yêu thích và thật sự tự hào. Tôi xuống Hà Nội được 25 năm và đây là trung thu ấn tượng nhất của tôi. Rất mong BTC tiếp tục tổ chức chương trình ý nghĩa như thế này nữa…”- Xuân Bắc chia sẻ.

Thu Vọng Nguyệt: Nối tiếp dòng chảy văn hóa và nỗ lực phát triển du lịch

NSƯT, NTK Đức Hùng cũng có mặt tại buổi khai mạc triển lãm ảnh

Rất nhiều anh em nghệ sĩ như Nghệ sĩ Chiều Xuân, NSƯT Xuân Bắc, họa sĩ Lê Thiết Cương cùng nhiều người dân Hà Nội đều bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều chương trình, sự kiện văn hóa ý nghĩa như thế này được diễn ra, vừa giúp lan tỏa tình yêu quê hương đất nước vừa giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.

Được biết, Chương trình Triển lãm ảnh Thu Vọng Nguyệt diễn ra từ ngày 03/11 đến hết ngày 11/11/2017 tại sân Thái Học – Văn Miếu Quốc Tử Giám.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu Vọng Nguyệt: Nối tiếp dòng chảy văn hóa và nỗ lực phát triển du lịch