Sáng tạo nghệ thuật: Độc - lạ cỡ nào cũng cần Chân - Thiện - Mỹ

Nhật Minh| 11/01/2017 17:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người nghệ sĩ muốn công chúng biết tới và ghi nhận thì cần phải sáng tạo. Song sáng tạo thế nào cũng cần hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, bởi mục đích của nghệ thuật chân chính là phải vị nhân sinh.

Sáng tạo nghệ thuật: Độc - lạ cỡ nào cũng cần Chân - Thiện - Mỹ

Ca sĩ Hồ Trung Dũng đứng trên cây piano biểu diễn bài hát Fever trong chương trình Chào 2017

Sáng tạo không biên giới

Trong chương trình Chào 2017 - Hãy yêu nhau đi... phát sóng trên VTV1 tối 1/1/2017, ca sĩ Hồ Trung Dũng đã gây nhiều tranh cãi khi anh đứng trên cây đàn piano để hát ca khúc Fever. Vốn là một ca sĩ được liệt vào hàng… kỹ tính, vì thế nên khi nhìn bức ảnh nam ca sĩ đứng trên cây piano phiêu theo giai điệu bài hát, người hâm mộ không khỏi ngạc nhiên và… khó chịu.

Chất giọng đẹp, ngoại hình sáng sân khấu, khả năng hát live tốt, gout âm nhạc văn minh. Thêm vào đó, với xuất thân nghề giáo trước khi đặt chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp (hiện anh là giảng viên Khoa Ngữ văn Đức - ĐH KHXH&NV TP. HCM) cùng “profile sạch scandal” giúp Hồ Trung Dũng ghi điểm và có một lượng khán giả riêng. Khó có thể cho rằng nam ca sĩ Còn lại gì khi vắng em quá… vô tư nên không biết việc mình làm - theo đánh giá của nhiều người - không được đẹp mắt cho lắm. Chia sẻ trên Tuổi Trẻ, anh nói: “Khi đạo diễn chia sẻ ý tưởng thì tôi có hơi e ngại, không phải vì chuyện đứng trên đàn mà vì đây là cây đàn thật, đàn tốt chứ không phải đàn đạo cụ, bản thân tôi cũng không muốn làm hư đàn của người khác. Tuy nhiên, ekip sản xuất nói không vấn đề gì và đã bọc lót rất kỹ cho cây đàn. Góc quay khi lên hình có thể không thấy phần bọc lót đó nhưng tôi xác nhận là đàn đã được bọc lót rất kỹ”.

Trước đó, video clip Đừng vội vàng của Hoàng Thùy Linh cũng bị người hâm mộ chỉ trích vì “thiếu ý thức về an toàn giao thông”. Chuyện là trong MV mới này, cô ca sĩ xinh đẹp Hoàng Thùy Linh với mái tóc ngắn trẻ trung năng động đã tung tăng đi trên đường ray xe lửa làm nhiều người lo ngại “đi như vậy thì nguy hiểm quá”; đồng thời cho rằng một ca sĩ thần tượng mà có hành vi như vậy thì khác gì… cổ súy cho vi phạm giao thông v.v…

Lúc ấy, Hoàng Thùy Linh giải thích, cô đang làm clip giải trí về âm nhạc chứ không phải làm một clip tuyên truyền về an toàn giao thông. “Chính vì thế cho dù Linh có đang đi bộ trên đường ray hay đang đi máy bay trên trời đi chăng nữa thì cũng chỉ là vì Linh muốn truyền tải thông điệp của bài hát đến với khán giả mà thôi”, Hoàng Thùy Linh trả lời trên một tờ báo. Vì thế, theo nữ diễn viên Nhật ký Vàng Anh, việc nói cô đang cổ súy cho vi phạm giao thông là “hơi áp đặt”.

Sáng tạo nghệ thuật: Độc - lạ cỡ nào cũng cần Chân - Thiện - Mỹ

Ca sĩ Hoàng Thùy Linh "vi phạm luật an toàn giao thông" trong MV "Đừng vội vàng"

Cũng thời điểm đó, cộng đồng mạng xôn xao vì đoạn clip ca nhạc mới của ca sĩ Thủy Tiên đã dùng phòng trưng bày các bức tượng chiến tích chiến tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM để trình diễn. Xuất hiện trong tư thế không mấy đẹp mắt cùng trang phục gợi cảm, ngay lập tức, clip của Thủy Tiên nhận được hàng trăm bình luận chỉ trích gay gắt. Đặc biệt, khán giả khó chấp nhận việc Thủy Tiên hở hang uốn éo giữa một bên là bức tượng thể hiện tình dân quân, một bên là bức thể hiện sự đoàn kết đấu tranh. Dù có thể lý giải ekip làm clip này cho Thủy Tiên muốn tạo ra một hiệu ứng mang tính tương phản giữa cái cũ với cái mới, giữa cái truyền thống và hiện đại, giữa giá trị tôn nghiêm với chuyện đời sống riêng tư của cá nhân, để tạo sức hút về phía công chúng, song với công chúng, dường như việc làm này đã vượt quá xa những giới hạn về văn hóa.

Chân - Thiện - Mỹ vẫn là chuẩn mực

Trở lại câu chuyện của ca sĩ Hồ Trung Dũng, một bộ phận khán giả cho rằng, việc anh đứng hát trên cây piano là ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Mà nghệ thuật là phải luôn sáng tạo nên chẳng có gì đáng bị lên án ở đây. Theo họ, đứng trên đàn piano có gì phạm pháp đâu, thậm chí đập vỡ cây đàn cũng chẳng sao, bởi đó là tài sản của họ… Và trong khi có người cho rằng, người làm nghệ thuật nên trân trọng nhạc cụ, xem đó là vật thiêng liêng thì lại có ý kiến phản đối với lý giải: “Nghệ thuật là tự do. Bản thân nghệ thuật thiêng liêng vì sự tự do sáng tạo. Gò bó khuôn khổ e cũng chỉ là văn nghệ quần chúng” v.v… và v.vv…

Hay với MV của ca sĩ Thủy Tiên, có khán giả cho rằng, không nên coi hành vi của cô là phản văn hóa, bởi xét một cách đúng đắn, phản văn hóa là việc đi ngược lại những chuẩn mực văn hóa đã được xã hội công nhận. Song có vẻ như việc Thủy Tiên làm thì giống như là sự “phạm húy” với những giá trị truyền thống hơn, tức không biết việc mình làm là chưa đúng, chứ chưa đến mức bị nâng lên thành… hành vi phản văn hóa. Nói cách khác, điều này có thể do ekip thực hiện và ca sĩ Thủy Tiên thiếu đi cái văn hóa cần thiết để nhận thức được chính xác việc mình làm, vị khán giả này lý giải.


Sáng tạo nghệ thuật: Độc - lạ cỡ nào cũng cần Chân - Thiện - Mỹ

Sáng tạo nghệ thuật: Độc - lạ cỡ nào cũng cần Chân - Thiện - Mỹ

Sáng tạo nghệ thuật vượt biên giới ra sao để được khán giả chấp nhận? Trong ảnh là hình ảnh các nghệ sĩ nước ngoài đứng trên cây piano biểu diễn.

Tất nhiên người làm nghệ thuật muốn tồn tại, muốn khán giả, công chúng biết tới và ghi nhận thì cần phải sáng tạo, cần phải độc, lạ, thậm chí… khác người. Và nếu cần phải dẫn giải những dẫn chứng chân thực để nói về sức sáng tạo vượt biên giới, thậm chí vượt không gian và thời gian như phim khoa học viễn tưởng của nghệ sĩ Việt không phải chuyện khó. Tuy nhiên, sáng tạo ra sao, sáng tạo như thế nào để không bị coi là phản cảm, là khó chấp nhận đến mức bị… ném đá thì có lẽ mỗi nghệ sĩ nên chăng cũng cần tự mình dừng lại và nhìn lại để xem xét, cân nhắc...

Có ý kiến cho rằng, chính vấn đề “yếu văn hóa nền” của những người làm nghệ thuật tự gắn cho mình những cái mác độc đáo, cá tính và tươi trẻ đang để lại cho khán giả những sản phẩm rất khó chấp nhận. Chúng ta cũng hiểu nghệ thuật là một trong những đỉnh cao của văn hóa; còn khi nói đến Chân - Thiện - Mỹ là nói về cái đẹp, nghệ thuật trong tâm hồn con người. Và khi mẫu số chung của cái đẹp là hướng cho con người được thưởng thức Chân - Thiện - Mỹ - tức cái đẹp trong tâm hồn Người, muốn cho mỗi nhân cách trở thành “có văn hóa cao” thì việc nên và cần làm là phải bồi dưỡng trình độ thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật – hay nói cách khác là văn hóa nền - cho cả khán giả và người nghệ sĩ. Bởi xét đến cùng nghệ thuật hiện đại càng nên vị nhân sinh, và nghệ thuật hiện đại muốn làm những “điều tử tế” thì hãy đảm bảo hướng tới ba chữ Chân - Thiện - Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo nghệ thuật: Độc - lạ cỡ nào cũng cần Chân - Thiện - Mỹ