“Ném đá hội đồng” thời công nghệ

Nhật Minh| 10/03/2016 00:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người ta có thể lấy chồng, lấy vợ qua mai mối online, vậy thì “ném đá online” trở thành cuộc hỗn chiến ngoài đời thực là điều hoàn toàn có thể.

Ngày nay, internet, smartphone… được xem là công cụ hữu hiệu nhất giúp người dân tiếp cận một cách nhanh chóng với những thông tin nóng hổi, phong phú, đa dạng về mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa - giải trí… trong nước và quốc tế. Đây cũng chính là công cụ lan tỏa những thông tin không chính thống, những thông tin gây “sốc”, đậm chất “thâm cung bí sử”.

Phản biện kiểu… “ném đá”

Chỉ cần một giờ đồng hồ “dạo” facebook, chúng ta dễ dàng bắt gặp những “thông tin” ly kỳ, có vẻ vô cùng hấp dẫn. Vấn đề càng nóng, lượt xem càng nhiều, bình luận càng rôm rả. Nhất là có ý kiến nào đi ngược lại với phần lớn thông tin được đánh giá an toàn, được đưa ở nhiều báo trước đó, thì lại càng thu hút được nhiều ý kiến bình luận.

Cũng từ đây, cụm từ “ném đá” đã trở nên phổ biến. Nhiều người sẵn sàng buông lời chê bai, chỉ trích, lên án, thậm chí miệt thị, xúc phạm một cá nhân, một tổ chức, một sản phẩm, một dịch vụ… mà họ không thích.

“Ném đá hội đồng” thời công nghệ

"Ném đá hội đồng". Ảnh minh họa

Còn nhớ, trong một bài viết đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị hồi tháng 8/2012, PGS.TS. Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho biết ông đã giật mình khi thấy tần số xuất hiện của cụm từ “ném đá” trên truyền thông, nhất là truyền thông mạng. Với những lý giải chi tiết ngữ nghĩa cùng văn cảnh sử dụng, theo ông, chính cụm từ này mới đáng… “ném đá” nhất, bởi xét đến cùng nó không thể thay thế cho một từ có nghĩa phê phán hay phản đối (dù ở bất kỳ mức độ nào). Thế nhưng đến nay, với sức mạnh của của truyền thông, mạng xã hội, cụm từ này không những không mất đi mà ngày càng trở nên phổ biến.

Như phân tích của PGS.TS. Phạm Văn Tình, có thể cụm từ “ném đá” nghe lạ tai, dễ hiểu nên đã được người viết sử dụng với hàm ý “bị công chúng phản ứng, phê bình với mức độ cao”. Theo ông, “ném đá” phản ánh một thái độ phản ứng quá khích, thiếu tinh thần xây dựng; và dù hành vi phản cảm ấy bị đa số cộng đồng lên án mạnh mẽ, cũng không thể quy về hiện tượng ném đá, đánh hội đồng được.

Thế nhưng, thực tế là có nhiều cá nhân không đáng bị “ném đá” nhưng vẫn bị “ném” không thương tiếc khi chẳng may gây ra những sự việc khác… bình thường. “Đá” ở đây chính là sự phê bình, chỉ trích bằng ngôn từ, chúng xuất hiện và lan truyền từ người này sang người khác theo… cấp số nhân, tạo thành “hội đồng ném đá”. Và từ việc là một trong những hình thức tử hình được ghi nhận trong lịch sử loài người, “ném đá” nghiễm nhiên trở thành một kiểu ứng xử trên mạng!

Thực chất, “ném đá” cũng chỉ là một trào lưu ra đời như một phần tất yếu của internet, nơi độc giả có thể tương tác với tác giả qua phần comment (bình luận). Trong khi đó, mạng xã hội vẫn được xem là môi trường thể hiện quan điểm, cảm xúc cá nhân mà ít phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp ở một mức độ nào đó.

Hơn nữa, chỉ bằng việc lập vài tài khoản ảo, mỗi người đã trở thành một vài công dân mạng trong thế giới ảo đó. Tại đây, họ có thể phán xét, lên án, chửi bới một ai đó không cùng quan điểm, thậm chí dù người đó chẳng có quan hệ gì với mình. Lôi kéo thêm những tài khoản khác cùng tham gia, hoặc thậm chí tự đóng vai những nhân vật ảo để “đánh hội đồng” đối phương.

Ném đá: Lấy đám đông che cái tôi ích kỷ

“Ném đá hội đồng”, “ném đá tập thể” trên mạng xã hội theo lý giải của các chuyên gia tâm lý, đó là hội chứng đám đông, lây lan cảm xúc một cách vô thức. Điển hình trong các hội, nhóm diễn đàn, nếu bạn là thành viên, khi người quản trị đưa ra một chủ đề trong đó chỉ trích, phê phán ai đó, một hiện tượng nào đó, mà tại thời điểm ấy, quan điểm chung là phản đối, thì hầu hết những bình luận phía sau chỉ là mở rộng vấn đề, khai triển, và phân tích thêm, nhưng tuyệt đối vẫn hướng về quan điểm ban đầu. Nếu có bất kỳ ai lên tiếng phản bác lại ý kiến của người quản trị, nên nhớ, hãy chuẩn bị tinh thần đón cơn “mưa gạch đá” sắp xảy ra.

Tâm lý đám đông đã biến các thành viên của diễn đàn kia thành những kẻ sẵn sàng xù lông nhím tấn công bất cứ ai trái ý. Tâm lý đám đông truyền cảm hứng cho những kẻ thích thể hiện cái tôi, thích bằng anh bằng em, dù có thể chưa hiểu tường tận vấn đề, nhưng vẫn phải tham gia, vẫn phải “đồng lòng”… ném đá!?

“Tâm lý đám đông khiến những người dù có biết là sai nhưng cũng không dám nói lên sự thật, trái lại cố biểu hiện sao cho mình giống họ, vì sợ bị tẩy chay, sợ bị cô lập…

Trên báo từng đăng tải câu chuyện thật như đùa kể về việc người dân một làng tập trung xem… cưa bom. Sao mà liều, mà dại vậy? Không sợ chết ư? Có chứ, nhưng mà không “chen” vào đó xem, hóa ra mình sợ, mình hèn à?

Chuyên gia tâm lý Dương Kim Ngân chia sẻ, giới trẻ hiện nay nhiều bạn thường thích thể hiện cái tôi cá nhân, cá tính của mình. Nếu ở trường lớp và gia đình họ phải nằm dưới sự quản chế nghiêm khắc của thầy cô, bố mẹ, thì trên mạng xã hội, họ thấy được tự do, thích làm gì thì làm, mà lại không phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình gây ra. Thêm vào đó, với những bạn thiếu vốn sống, thiếu kỹ năng đánh giá, nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, khách quan, tư duy phản biện, thì việc bị lôi kéo là điều dễ xảy ra.

Nếu là một công dân thời công nghệ, chắc hẳn bạn chưa từng quên việc một cô gái đã phải tự tử vì những lời chê bai từ những con người xa lạ trên mạng xã hội hay chuyện anh chàng “nổi máu yêng hùng" vì lời thách đố, “ném đá” của các thành viên diễn đàn khác mà dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Hãy nhớ, người ta có thể lấy chồng, lấy vợ qua mai mối online, vậy thì “ném đá online” trở thành cuộc hỗn chiến ngoài đời thực là điều hoàn toàn có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ném đá hội đồng” thời công nghệ