Độc đáo tục thờ “Thần Linga” trên Tây Bắc

Nam Hoàng| 08/03/2017 09:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dân tộc La Ha là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Tuy nhỏ bé là vậy, nhưng người La Ha vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt thường nhật, đặc biệt là phong tục thờ “Thần cung kiếm” và“Thần dương vật”, tức “Thần Linga”.

Với số dân chưa đến 8.200 người, sinh sống chủ yếu ở Sơn La, dân tộc La Ha là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Tuy nhỏ bé là vậy, nhưng người La Ha vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, từ kiến trúc, ẩm thực, trang phục cho đến các phong tục tập quán trong sinh hoạt thường nhật. Đặc biệt là phong tục thờ “Thần cung kiếm” và“Thần dương vật”, tức “Thần Linga”.

Giao thoa văn hóa cùng người Thái

Đã có một thời kỳ dài, người La Ha được xếp chung với người Khơ Mú và người Thái ở Tây Bắc bởi nét tương đồng khá đậm đặc về văn hóa, phong tục tập quán của giữa các cộng đồng này. Người anh em La Ha với dân số chưa đầy 8200 người hiện cư trú chủ yếu tại tỉnh Sơn La (chiếm 98%) và một nhóm nhỏ ở Lào Cai. Trước kia, khu vực các xã Nậm Giôn, Liệp Tè, Nậm Ét, Mường Trai, Chiềng Lao… là địa bàn có đông người La Ha cư trú vẫn còn nhiều rừng rậm, canh tác chủ yếu là làm nương, còn ngày nay, hầu hết đồng bào tập trung ở ba xã Nặm Giôn, Nặm Păm và Pi Tong thuộc huyện Mường La và xã Noong Lay, huyện Thuận Châu.

Độc đáo tục thờ “Thần Linga” trên Tây Bắc

Bà Quàng Thị Tói: “Trang phục của phụ nữ La Ha giờ đây đã sặc sỡ hơn xưa”

Theo tài liệu chữ Thái cổ thì vào thế kỷ XI, XII khi người Thái Ðen thiên di tới vùng đất Tây Bắc, họ đã gặp tổ tiên của người La Ha hiện nay. Chính vì vậy, khi làm lễ cúng Mường, người Thái vẫn còn tục đặt cỗ “trâu trắng” để tế thần Im Poi – một thủ lĩnh nổi tiếng của người La Ha vào đầu thế kỷ XI. Tuy có mặt ở Tây Bắc còn trước cả người Thái, nhưng người La Hay không dệt vải, chỉ trồng bông và đem bông trao đổi với người Thái lấy vải mặc. Do đó, trang phục của họ giống trang phục của người Thái đen.

Trước kia, đàn ông La Hay thường hay búi tóc sau gáy nhưng đến nay chỉ còn vài cụ già và thầy cúng giữ tục này. Ðàn bà nhuộm răng đen, mặc giống người Thái đen. Một số nơi còn đeo thêm tạp dề ở phần váy trước hoặc khoác trên lưng khi rét. Phụ nữ chưa chồng búi tóc sau gáy, có chồng búi tóc trên đỉnh đầu như người Thái đen. Có nơi từ em bé gái đến bà cụ già chỉ có một cách búi duy nhất là trên đỉnh đầu hoặc do ảnh hưởng của người Thái trắng chỉ vấn tóc trần hoặc búi tóc sau gáy không phân biệt có chồng hay chưa.

Trai gái La Ha được tự do tìm hiểu nhau, không bị cha mẹ ép buộc cưới gả. Tuy nhiên việc cưới gả phải được cha mẹ ưng thuận. Để tỏ tình chàng trai phải đến nhà cô gái và dùng sáo, nhị, lời hát trước khi trò chuyện bình thường. Sau lễ dạm hỏi, nếu nhà gái không trả lại trầu do bà mối của nhà trai đưa tới thì chàng trai tổ chức lễ xin ở rể. Chàng trai phải ở rể từ 4 đến 8 năm. Hết hạn đó, lễ cưới được tiến hành.

Sau lễ cưới này, cô dâu được đón về nhà chồng, đổi họ theo họ chồng và không được quay về ở với bố mẹ đẻ nữa, dù chồng chết. Trường hợp người đàn bà goá đi bước nữa, người chồng thứ hai mang lễ cưới nhỏ Thu Cơi Poọng (làm gà báo cưới) đến gia đình người chồng thứ nhất chứ không cần có quan hệ gì với bố mẹ của người đàn bà goá. Người đàn bà goá đi bước nữa vẫn quan niệm rằng khi chết đi, hồn lại tìm về với người chồng chính thức đã làm lễ Thu Mà Phu. Vì vậy, ở một số nơi, bố mẹ đã chết cả mà chưa làm được lễ cưới Thu Mà Phu thì con phải làm lễ cưới đó cho bố mẹ để bố mẹ được sống với nhau ở thế giới bên kia.

Tuy là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Đai, thế nhưng ở nhiều vùng trên Tây Bắc vẫn xem La Ha chung nhóm với các dân tộc ngữ hệ Nam Á như Khơ Mú, Xinh Mun, người Kháng, người Mảng và gọi chung là người Xá. Bởi trước đây, người La Ha cũng là dân tộc du canh du cư với kinh tế chủ yếu là làm nương rẫy. Ngày nay nhiều bản đã làm ruộng lúa nước. Đồng bào đã biết đắp bờ chống xói mòn nương; có nơi đã biết dùng phân bón, biết nuôi heo, gà để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, biết nuôi trâu, bò để cày kéo.

Người La Ha ở nhà sàn, có hai cửa ra vào với thang lên xuống tại hai đầu nhà, một cửa vào chỗ để tiếp khách và một cửa vào chỗ dành cho sinh hoạt trong gia đình.Bên bếp lửa, người ta kiêng để quai nồi theo hướng 2 cửa ra vào vì đó là hướng đặt người chết trước khi đem chôn. Giữa nhà là gian thờ tổ tiên, nom cũng như gian “hoóng” của người Thái nhưng đơn giản hơn. Nơi này cũng không ai được phép bước vào, dù là để quét dọn nếu không phải ngày cúng kỵ.

Thần Linga – vị thần uy lực nhất

Do quá trình sống cộng cư diễn ra liên tục trong nhiều thế kỷ nên chuyện giao thoa văn hoá giữa người La Ha và người Thái là điều không tránh khỏi. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là trong trang phục và trong ẩm thực. Ví dụ như trong tiếng Thái, rượu cần được gọi là “lẩu xá” - tức rượu của người Xá, thì người La Ha gọi rượu cần được là “pun hay” - tức “rượu uống chung”.Trong các gian bếp của mỗi gia đình La Ha đều có mặt các món ăn mang phong cách Thái, từ nguyên liệu cho đến cách chế biến. Ngay như bản Co Đứa (Nặm Giôn, Mường La), dù người La Ha ở đây có nguồn gốc ở Lai Châu và đến định cư được đến 3 đời, thế nhưng sắc màu Thái vẫn hiện diện ngay trong mỗi bữa ăn.

Độc đáo tục thờ “Thần Linga” trên Tây Bắc

Một nếp nhà sàn của người La Ha

Rau xanh ăn sống là nét La Ha duy nhất còn hiện diện trên mâm cơm mời khách, còn lại, đều các món ăn mang phong vị xứ Thái. Không kể các món thịt gói lá, nộm da trâu mà ngay cả đến chén muối ớt biểu thị có sự hiện diện của chủ nhà trong bữa ăn theo phong tục Thái cũng được người La Ha tiếp nhận. Thế nhưng, khác biệt và ngạc nhiên nhất là dân tộc này lại rất ưa chuộng món ăn chế biến từ cỏ chít,một loại cỏ dùng để bện chổi quét nhà. Thời xưa, khi còn du canh làm rẫy, những khi giáp hạt đói kém, người La Ha phải luộc cỏ chít này để ăn. Giờ đây, mỗi khi nhìn thấy món ăn này, người La Ha muốn nhắc nhớ cho lớp trẻ thấy lại quá khứ của dân tộc mình”, bà Quàng Thị Tói, 73 tuổi, nhà ở bản Nà Tạy (Pi Tong, Mường La) tâm sự.

Và ảnh hưởng của văn hoá Thái với người La Ha không dừng lại ở ẩm thực, mà nó còn thể hiện rất rõ nét trong trang phục truyền thống của dân tộc này. “Trang phục thường ngày của hầu hết các phụ nữ người La Ha trong bảnlà các bộ áo váy kiểu Thái, hơn 50 năm nay họ đã ăn mặc thế rồi. Nhưng vài năm gần đây, trang phục của họ đã có nhiều thay đổi. Ngày xưa màu áo váy của phụ nữ La Ha chỉ có mỗi màu chàm tối, giờ thì vải vóc nhiều loại, nhiều màu nên quần áo cũng rực rỡ hơn”, bà Tói cho biết.

Ngay cả trong ngôn ngữ riêng, người La Ha chỉ có số đếm từ một đến bốn. Từ số năm trở đi, người La Ha phải dùng tiếng Thái.Thế nhưng, trong đời sống hàng ngày, dân tộc này vẫn còn giữ được một vàiphong tục, tập quán hết sức riêng biệt. Đặc biệt là trong lĩnh vực thờ cúng, tâm linh. Thường thì người La Ha cũng thờ tổ tiên trong gian nhà “Hóng” như của người Thái. Nhưng ngoài tổ tiên của mình, họ còn thờ các vị thần linh khác. Trong số các vị thần linh ấy, “Thần dương vật” (Linga) và “Thần cung kiếm” là được tôn kính, sùng bái nhất. Bởi vậy, bàn thờ của các gia đình bao giờ cũng có hình nộm dương vật, kiếm và cái mộc.

“Cũng như người Thái, người La Ha cũng có “Sau hẹk”, bùa treo cột “lung ta” của họ ngoại dựng cho khi cất nhà. Tuy nhiên, “sau hẹk” của người La Ha khác ở chỗ có treo thêm “lấk” là sinh thực khí nam và “sa khầu” là sinh thực khí nữ, ở giữa có cài bông lúa với ý nghĩa sinh sôi nẩy nở. Theo đó, trong tín ngưỡng xưa của người La Ha, vị thần sinh thực khí nam – tức Linga – là vị thần uy lực và đáng sợ nhất”, ông Lò Văn Bốn, ở bản Huổi Liếng (Nặm Păm, Mường La), chia sẻ.

Cũng theo ông Bốn thì từ xa xưa, người La Ha đã tin rằng:Con người muốn duy trì nòi giống, bảo tồn sự hiện diện của mình trong thế giới này thì cần sinh sản, nhân giống nhiều hơn. Mà lẽ tự nhiên để có “con đàn cháu đống” thì phải có sự quan hệ tính dục giữa người nam và người nữ. “Hành động giao hoan của con người sẽ có sự cảm ứng và lan truyền sang muôn loài khiến cho vật nuôi, cây trồng được phồn sinh, cho ra thật nhiều hoa trái và gia súc”, ông Bốn lý giải.

Có lẽ, ngoài tục thờ “Thần dương vật”, một dấu ấn đậm nét nữa trong đời sống của người La Ha đó là dấu vết thị tộc vẫn còn với vai trò của tộc trưởngcùng với việc đề cao lối sống cộng đồng.Chính vì thế nên dù có bị chia làm hai nhóm địa phương, gồm: “La Ha cạn” và “La Ha nước”, dù sống ở cách xa nhau, nhưng cộng đồng người La Ha vẫn gắn bó với nhau khá chặt chẽ. Và dẫu có sự giao thoa tiếp biến văn hoá với một số các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn, song quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của người La Ha cũng có nhiều sắc thái riêng biệt do đã được đúc kết, tích tụ một thời gian dài. Sự đồng nhất và dị biệt ấy đã hòa quyện để tạo thành sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hoá Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo tục thờ “Thần Linga” trên Tây Bắc