Chàng thi sĩ tật nguyền với khát vọng tình yêu

Tuyết Nhung| 10/05/2016 08:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 08/05/2016 tại nhà riêng của chàng thi sĩ tật nguyền Vũ Đức Nguyên, Khu phố Vạn Lợi, Phường Quảng Tiến, Thị xã Sầm Sơn diễn ra buổi lễ giao lưu ra mắt tập thơ thứ 3 “Tình tương tư”do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tổ chức.

Vũ Đức Nguyên không may mắn như bạn bè cùng trang lứa với thân hình khuyết tật, mọi sinh hoạt trong cuộc sống em đều phải nhờ cả vào đôi bàn tay của mẹ. Dù hình hài khiếm khuyết nhưng em vẫn muốn khẳng định mình là một người tàn nhưng không phế. Chỉ với một ngón tay có thể cử động được và chiếc máy tính nhỏ bé nhưng tất cả thế giới thu nhỏ đều trong tầm mắt. Qua thế giới thu nhỏ đó chàng thi sĩ có thể hòa mình vào thế giới rộng lớn bao la để thả hồn mình vào đó.

Chàng thi sĩ tật nguyền với khát vọng tình yêu

Vũ Đức Nguyên trong buổi ra mắt tập thơ mới 

Đối với Nguyên thơ phú là niềm đam mê lớn. Tình yêu thơ ca giúp em thêm yêu đời, yêu cuộc sống và có thêm nghị lực để chiến đấu với bệnh tật và vượt lên số phận với mong muốn để lại cho đời những vần thơ có ý nghĩa. Được sự giúp đỡ của bạn bè và một số nhà hảo tâm em đã xuất bản thành công tập thơ đầu tay với tên gọi “Bài thơ cho em”. Những trang thơ của thi sĩ chính là sự rồn nén biết bao cảm xúc yêu thương đến cháy bỏng. Tập thơ “Chuyện tình chàng thi sỹ” là tập thơ thứ 2 của Nguyên, với 70 bài thơ viết theo thể thơ lục bát. Qua những trang thơ của mình em muốn gửi tới bạn đọc một trái tim khao khát yêu thương đến cháy bỏng. Sau  hơn một năm Vũ lại cho ra đời tập thơ thứ 3 với nhan đề “ Tình tương tư ” gồm 74 bài thơ. Tuy nhiên, ẩn đằng sau trái tim yêu đó là nỗi buồn man mác bởi hình hài và bệnh tật nhưng bên trong thân hình còng keo đó là ước mơ bình dị như bao người về hạnh phúc lứa đôi nhưng mơ ước đó không biết đến khi nào mới có thể trở thành hiện thực. Cũng vì thế nên Nguyên quay về với những vần thơ với mong muốn gửi gắm vào thơ tình yêu cuộc sống, khát vọng vươn lên để có thể cống hiến cho đời. Nhà thơ tật nguyền luôn hi vọng rằng tập thơ ra đời sẽ được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt nhất.

Nguyên cũng chia sẻ: Trong tập thơ “Tình tương tư”, bài thơ mà em tâm đắc nhất là “Tôi tương tư”, bài thơ được sáng tác để tặng cho người con gái mà Nguyên đem lòng thương nhớ đó chính là cô hàng xóm của nhà em. Bài thơ cũng chính là tâm sự của chàng thi sĩ tật nguyền về mối tình tương tư với cô láng giềng. “ Đào ơi cô biết hay không/ Rằng tôi đã trót đem lòng yêu cô/ Tim này có phải hình như/ Đêm ngày khắc khoải tương tư Đào rồi”.  Nguyên cũng như bao chàng trai bình thường khác luôn yêu cái đẹp và cũng khát khao tình yêu cháy bỏng. Thế nhưng những khao khát ấy với em mãi chỉ là giấc mơ. Vì vậy, nhiều lúc chàng thi sĩ cũng tự xót xa về số phận hẩm hiu của mình, có lúc em cảm thấy chán trường, tuyệt vọng, và chỉ muốn ngủ một giấc thiên thu cho thoát cảnh tù đày nơi trần thế: “Tình tuyệt vọng nào mộng ước ái ân/ Nên cũng chẳng mơ xuân tình đôi lứa/ Ảo ảnh em vẫn còn đây ngập ngụa/ Dẫu xa rồi một nửa của đời tôi” (Tình tuyệt vọng). Trong những phút giây cô đơn, tuyệt vọng ấy, Vũ Đức Nguyên đã tìm đến thơ ca để bầu bạn. Điều giúp em vượt lên những khó khăn trong cuộc sống chính là thơ ca và tình yêu. Dù vậy, ẩn trong thơ Nguyên là một nỗi buồn, niềm khao khát yêu và được yêu đến cháy bỏng. Nhưng với một thân thể không lành lặn nên tình yêu đôi lứa với Nguyên chỉ có trong mơ. Em cũng tâm sự thêm rằng: tập thơ “Tình tương tư” ra đời nhờ vào sự thai nghén từ một tình yêu của Nguyên với một cô gái hàng xóm đó là cô Đào. Tình yêu trong thơ em rất mãnh liệt dù đó là viết về những con người cụ thể, vừa thật, vừa đằm thắm, chân thành và những người con gái ấy có thể cảm thông, chia sẻ và có thể trao cho em nụ hôn đầu đời nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Do còn mặc cảm nên cho đến nay chưa một cô gái nào nhận lời xe tơ kết tóc cùng Nguyên và em đã tìm đến thơ để bộc lộ nỗi than thân, trách phận.

Chàng thi sĩ tật nguyền với khát vọng tình yêu

Nhiều người yêu thơ chụp hình lưu niệm với Nguyên trong buổi ra mắt tập thơ mới 

Bản thân là một người tật nguyền, thân thể không hoàn thiện, sức khỏe kém, nền tảng học thức gần  như là con số không. Dù vậy nhà thơ không buông suôi cuộc đời mình một cách vô ích. Ngược lại Nguyên còn biết ơn cuộc đời, biết ơn việc em đã được sinh ra trên cõi đời, để thấy cuộc sống này đẹp biết bao nhiêu, tình người đẹp biết bao nhiêu. Nhà thơ vẫn luôn vào rằng một ngày nào đó, cô Đào – người mà Nguyên yêu mến sẽ vượt rào cản của cuộc đời để đến với em và niềm tin đó ngày càng được khẳng định: “ Dẫu cho tình chẳng thành thơ/ Dẫu cho em có hững hờ với ta/ Dẫu cho hoa héo vẫn hoa/ Dẫu chưa kết tóc vẫn là tình duyên”

Dù không được học nhiều nhưng Vũ Nguyên không ngừng vươn lên, tự hoàn thiện mình. Em luôn trau dồi những hiểu biết về cuộc sống, về kiến thức khoa học xã hội. Trong tập thơ Vũ Nguyên không chỉ viết về tình yêu mà còn viết về Hoàng Sa, Trường Sa, về Thanh Hóa, về các vùng miền đất nước, về người mẹ thân yêu, về người già cô đơn, về nỗi vất vả của những người nông dân. Điều đó cũng phần nào thể hiện em là người có trách nhiệm với gia đình, với đất nước và có tấm lòng nhân đạo. Ra mắt tập thơ thứ 3 thành công là sự nỗ lực rất lớn của bản thân nhưng cũng nhờ sự giúp đỡ của cô Lương Thị Kim Xuân, gia đình và các nhà hảo tâm cũng như bạn bè yêu thơ trên cả nước. Vũ Nguyên có rất nhiều những hi vọng ở tương lai phía trước và bằng nghị lực phi thường em cũng trở thành tấm gương để các bạn trẻ noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chàng thi sĩ tật nguyền với khát vọng tình yêu