"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75": Viên kim cương quý của văn học tư liệu

Hải Anh| 29/05/2016 11:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phiên bản đặc biệt cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tác giả Trần Mai Hạnh đã chính thức ra mắt bạn đọc ngày 28/5, tại Thư viện Hà Nội.

Tác giả Trần Mai Hạnh trong buổi họp báo giới thiệu cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được tái bản lần thứ 3

4.000 bản bìa mềm và 1.000 bản bìa cứng là con số ấn tượng cho lần thứ ba Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đến với công chúng yêu sách, yêu văn học lịch sử Việt Nam.

Về mặt nội dung, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (tái bản lần 3) được bổ sung thêm nhiều yếu tố mới. Về mặt hình thức, phiên bản đặc biệt này đặc biệt ở chính bìa sách được thiết kế lại, với hình ảnh chủ đạo là bức ảnh tư liệu phóng viên TTXVN Trần Mai Hạnh cùng các đồng nghiệp Thông tấn xã Giải phóng tại cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm ngày 30/4/1975.

Cuốn sách đặc biệt có số phận… đặc biệt

Phát biểu trong buổi họp báo ngày 28/5, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Sách Thái Hà chia sẻ: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là cuốn sách rất đặc biệt. Số phận của cuốn sách cũng rất đặc biệt. Bản sách tôi có trên tay là tái bản lần thứ hai. Tôi tìm thấy trong cuốn sách 550 trang này rất nhiều điều mới lạ và quý giá”.

Chia sẻ về số phận đặc biệt của cuốn sách, tác giả Trần Mai Hạnh nhớ lại: “Khi bắt đầu viết cuốn sách, rất nhiều tai họa ập đến với tôi. Năm 1981, nhà tôi bị cháy hết cả nhà. Lúc này lại phải đi tìm lại những tư liệu đó”.

Tiếp đó, đến năm 2002, một số chuyện xảy ra khiến có lúc ông không viết được một chữ nào. Ông kể: “Cứ mở ra rồi đóng lại, nhiều lúc tôi muốn đốt những tài liệu đó. Có tới hàng nghìn trang tài liệu bày bộn ra khắp nhà cửa”.

Năm 2012, nhờ sự động viên của nhà thơ Hữu Thỉnh (khi đó là Tổng biên tập báo Văn nghệ và đã cho đăng 2 chương trong cuốn sách), nhà báo Trần Mai Hạnh viết lại.

Thế nhưng, những thay đổi trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước buộc tác giả phải tìm tòi từ ngữ xưng hô cho phù hợp. Vậy là, ông quyết định “viết bằng ngôn ngữ mới: tôn trọng tuyệt đối sự thật lịch sử”.

Tác giả không có bất cứ nhận xét hay đánh giá nào, cũng không biểu lộ bất cứ tình cảm nào của mình trong tất cả những vấn đề được trình bày trong cuốn sách. Ông dành việc đó cho độc giả và xã hội.  

Buổi họp báo ra mắt cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 phiên bản đặc biệt

Viên kim cương quý của văn học tư liệu

Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử gần 600 trang, gồm 19 chương cùng với phần phụ lục gồm 21 tài liệu tham khảo nguyên bản trong thời điểm diễn ra cuộc chiến được xem là tuyệt mật của phía bên kia, gần như lần đầu được in toàn văn đã cho bạn đọc cái nhìn chân thực, đa chiều về những giờ phút xoay vần quyết định của lịch sử.

Lần đầu ra mắt vào tháng 4/2014 sau quá trình thẩm định nghiêm ngặt, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 nhanh chóng được đông đảo bạn đọc yêu mến đón nhận. Đây cũng là tác phẩm duy nhất ở thể loại văn xuôi được BCH Hội nhà văn Việt Nam quyết định trao tặng Giải thưởng Văn học năm 2014, và tiếp đó vinh dự giành Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.

Nhà thơ HữuThỉnh, Chủ tich Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là một tác phẩm “văn - sử - báo bất phân”, có giá trị cao cả về mặt văn học, sử học và báo chí, là "viên kim cương quý của văn học tư liệu".

Theo ông, “cuốn sách đã lấp được một khoảng trống vô cùng lớn cho văn học tư liệu về chiến dịch Đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh đúng với quan điểm của tác giả: “viết đúng sự thật”. “Trong cuốn sách, có 273 nhân vật, tất cả đều là tên thật (kể cả họ và tên đệm - PV), người thật, sự việc thật”, nhà báo Trần Mai Hạnh nhấn mạnh.

Tác giả Trần Mai Hạnh ký tặng độc giả

Nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết, để đến được tay bạn đọc, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã trải qua “quá trình tập hợp, truy tìm, phân tích, đối chiếu, so sánh các tư liệu tham khảo” trong một thời gian dài cả trong nước lẫn nước ngoài.

Với ông, để có được những tài liệu nguyên bản quý giá trong Biên bản chiến tranh 1-2- 3-4.75 là nhờ “cơ may và cơ duyên”, và nhờ sự đóng góp của rất nhiều người. “Khi cuốn sách ra đời, tôi hết sức vui mừng vì đã làm hết trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân”, tác giả chia sẻ.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 phiên bản đặc biệt đã ra mắt độc giả vào đúng dịp bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đặc biệt hơn nữa, đây cũng là thời điểm ông Barack Obama lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên BCH TƯ Đảng (khóa VIII, IX), Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam (khóa VI, VII), Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã có Quyết định về việc dịch tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2- 3-4.75 của nhà văn Trần Mai Hạnh sang Anh ngữ nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc trên thế giới. Hiện công việc dịch thuật và hiệu đính tác phẩm đang được tiến hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75": Viên kim cương quý của văn học tư liệu